Mới đây, UBND Tp.HCM đã có văn bản gửi Bộ Xây dựng về việc đánh giá, tổng hợp thực trạng về quy hoạch, kiến trúc nông thôn trên địa bàn.
Theo UBND Tp.HCM, các đồ án quy hoạch xây dựng nông thôn mới các xã (tỷ lệ 1/5000, 1/2000) trên địa bàn Tp.HCM cùng với các pháp lý quy hoạch khác (quy hoạch chung xây dựng, quy hoạch khu) được các cấp có thẩm quyền phê duyệt đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc cấp phép xây dựng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân khu vực. Quy hoạch xây dựng nông thôn mới được phê duyệt là cơ sở để các xã đẩy nhanh tiến độ thực hiện các tiêu chí về hạ tầng cơ sở trong xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, việc quản lý tại một số khu vực còn chồng chéo do vừa có quy hoạch nông thôn mới, vừa có quy hoạch chung được xây dựng, quy hoạch phân khu; chức năng sử dụng đất trong quy hoạch nông thôn mới không đồng nhất với dự án quy hoạch chung được xây dựng, quy hoạch phân khu và quy hoạch sử dụng đất.
Hiện nay trong khu vực nông thôn việc xây dựng theo quy hoạch chỉ thực hiện đối với khu vực xây dựng có dự án. Các công cụ giúp quản lý xây dựng nông thôn mới theo quy hoạch như công bố quy hoạch, cắm mốc quy hoạch, quy định quản lý xây dựng theo quy hoạch được thực hiện rất hạn chế hoặc chưa có quy hoạch điểm dân cư nông thôn. Sau khi các đồ án quy hoạch xây dựng nông thôn mới được phê duyệt chỉ thực hiện công bố quy hoạch ở tất cả các xã.
Trước tình trạng trên, UBND TPHCM đã chỉ đạo rà soát, bổ sung, gắn với công bố quy hoạch và lấy ý kiến người dân theo thực tiễn, kết hợp rà soát đối chiếu với các quy hoạch phân khu, quy hoạch ngành liên quan. Tuy nhiên, việc rà soát điều chỉnh này gặp phải nhiều khó khăn vướng mắc.
Cụ thể, thời hạn quy định chung xây dựng các huyện là năm 2020. Tuy nhiên, căn cứ theo quy định của pháp luật hiện hành (Luật Xây dựng) không còn lập quy hoạch chung xây dựng các huyện (mà nội dung này sẽ được tích hợp vào quy hoạch xây dựng chung TP). Các đồ án quy hoạch xây dựng huyện không thực hiện điều chỉnh đã ảnh hưởng lớn đến công tác quản lý nhà nước về quy hoạch ở địa phương. Quy hoạch 1/2000, 1/500 trên địa bàn huyện hiện nay vẫn căn cứ trên cơ sở khung định hướng của đồ án quy hoạch chung xây dựng này, trong khi đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP cần nhiều thời gian để hoàn thành. Do đó, dẫn đến bất cập giữa quy hoạch so với thực tiễn, dễ phát sinh quy hoạch "treo", gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân.
Ngoài ra, tốc độ đô thị hóa của 5 huyện trên địa bàn TPHCM đang diễn ra rất nhanh và UBND các huyện đang triển khai xây dựng các đề án chuyển đổi từ các huyện thành quận. Vấn đề này ảnh hưởng lớn đến công tác lập quy hoạch vùng huyện, việc lập quy hoạch vùng huyện, với phạm vi khu vực lập quy hoạch để vừa đảm bảo được các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, phù hợp với các quy định pháp luật, đồng thời đảm bảo được định hướng phát triển của TP là vấn đề khó khăn hiện nay.
Do vậy, các vấn đề đặt ra đối với công tác quy hoạch và quản lý xây dựng trong thời gian tới là phải định hướng phát triển không gian khu vực nông thôn; quản lý xây dựng nông thôn mới theo quy hoạch cần dựa trên việc xây dựng Quy định quản lý xây dựng nông thôn mới theo tiêu chí quy hoạch xây dựng nông thôn mới; lập quy hoạch điểm dân cư nông thôn; lập quy chế quản lý kiến trúc và cập nhật các thay đổi theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội, đặc thù tại từng địa phương .
Đối với khu vực nông thôn trong đô thị cần phải có các giải pháp tiết kiệm đất xây dựng, tiến hành chỉnh trang, cải tạo khu dân cư hiện hữu, mở rộng và xây dựng khu dân cư nông thôn theo hướng đô thị nông thôn. Khu vực chưa có các dự án tư phát triển đô thị thì thực hiện, phát triển theo các tiêu chí thôn mới, nhưng phải đảm bảo sự phù hợp định hướng phát triển đô thị. Khi có các dự án phát triển đô thị thì tiếp tục thực hiện theo các tiêu chí đô thị.