So với Quy hoạch điện VII điều chỉnh, công suất nhiệt điện than giảm khoảng 14.800 MW. Điện gió ngoài khơi là lĩnh vực mới mẻ cũng được thúc đẩy đầu tư.
Theo nội dung quy hoạch điện 8 mới nhất được Bộ Công Thương trình Chính phủ, dự báo công suất cực đại (Pmax) năm 2025 đạt khoảng 59.300-61.400 MW; năm 2030 khoảng 86.500-93.300 MW; năm 2045 khoảng 155.000-189.900 MW.
Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương kiến nghị lựa chọn Phương án quy hoạch tổng công suất nguồn điện đến năm 2030 khoảng 146.000 MW và đến năm 2045 khoảng 343.000 MW (chưa tính đến nguồn điện mặt trời áp mái hiện có khoảng 7.755 MW và các nguồn điện phục vụ riêng cho các phụ tải khoảng 2.700 MW vào năm 2030 và 4.500 MW năm 2045).
Nguồn điện hạt nhân vẫn chưa được tính toán đến. |
So với Tờ trình ngày 26/3/2021, tổng công suất nguồn điện đến 2030 thấp hơn khoảng 23.800 MW, trong đó có một số thay đổi lớn như sau: Nhiệt điện khí LNG giảm 17.800 MW; Nhiệt điện than giảm gần 6.000 MW, Giãn tiến độ sau 2030 đối với điện mặt trời tập trung khoảng 5.550 MW; Điện điện sinh khối và năng lượng tái tạo khác giảm 1.500 MW; Thủy điện tăng 5.324 MW; Điện gió ngoài khơi tăng 4.000 MW; Thủy điện tích năng, lưu trữ tăng 1.500 MW...
Điện than đến năm 2030 tại phương án mới này giảm 6.000MW do loại bỏ khỏi Quy hoạch các dự án nhiệt điện than: Quỳnh Lập 1 (1.200 MW), Quỳnh Lập 2 (1.200 MW), Vũng Áng 3 (1.200 MW), Long Phú 2 (1.320 MW); không đưa vào quy hoạch các dự án: Bảo Đài (600 MW), Phả Lại 3 (200 MW)...
Tổng công suất nguồn điện đến 2045 thấp hơn khoảng 19.000 MW, trong đó có một số thay đổi lớn như: Nhiệt điện khí LNG giảm 38.650 MW; Nhiệt điện than giảm gần 12.000 MW, Điện mặt trời giảm khoảng 9.300 MW; Điện sinh khối và năng lượng tái tạo khác giảm 1.500 MW; Điện gió ngoài khơi tăng 18.000 MW...
So với Quy hoạch điện 7 điều chỉnh, công suất nhiệt điện than giảm khoảng 14.800 MW.
Ngoài ra, theo phương án được chọn, có ít nhất 5 dự án nhiệt điện than với tổng công suất 7.100 MW đã thực hiện chuẩn bị đầu tư song rất khó thu xếp vốn để triển khai. Bao gồm các dự án nhiệt điện than: BOT Nam Định (1.200 MW), BOT Quảng Trị (1.200 MW), BỘT Vĩnh Tận 3 (1.980 MW), BOT Sông Hậu 2 (2.120 MW), Công Thanh (600 MW).
Tổng vốn đầu tư nguồn điện của phương án này trong giai đoạn 2021-2030 khoảng 127,5 tỷ USD, giai đoạn 2031-2045 khoảng 242,3 tỷ USD. Tổng cả giai đoạn 2021-2045 khoảng 369,8 tỷ USD.
So với phương án đề nghị phê duyệt tại Tờ trình 1682 vào tháng 3/2021 thì tổng vốn giai đoạn 2021-2030 giảm 18,2 tỷ USD; giai đoạn 2031-2045 tăng 10,85 tỷ USD và cả giai đoạn 2021-2045 giảm 7,36 tỷ USD.
Tại nội dung trình, Bộ Công Thương cũng phân tích về vấn đề phát triển điện hạt nhân.
Theo đó, điện hạt nhân được xem là nguồn sản xuất điện cận sạch, đặc biệt sau COP26, đã được một số quốc gia công nhân là loại hình sản xuất điện sạch, do không phát thải khí nhà kính. Với mục tiêu phát thải ròng đạt “0” vào năm 2050, phát triển điện hạt nhân cũng được đưa ra khi rà soát Quy hoạch điện VIII.
Trước đó, Quốc hội đã có chủ trương dừng phát triển điện hạt nhân, cho nên nếu tái khởi động việc phát triển điện hạt nhân, do đó đơn vị soạn thảo cho rằng Chính phủ cần báo cáo Bộ Chính trị/Ban Bí thư để có kết luận, Nghị quyết chỉ đạo về việc tiếp tục phát triển điện hạt nhân làm cơ sở để đưa các dự án điện hạt nhân vào Quy hoạch điện 8.
Lương Bằng