Bộ GTVT vừa phê duyệt quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển Đông Nam bộ (nhóm 5) giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 bao gồm TP.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương và các cảng bến trên sông Soài Rạp, Long An.
Theo qui hoạch chi tiết, Bộ GTVT xác định nhóm cảng biển Đông Nam bộ có 4 cảng biển gồm cảng TP.HCM, cảng Đồng Nai, cảng Vũng Tàu (bao gồm Côn Đảo) và cảng Bình Dương.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet. |
Văn bản quy hoạch cũng cho thấy, 10 bến cảng trên sông Sài Gòn sẽ được di dời, những bến cảng chưa di dời tiếp tục hoạt động theo hiện trạng, không cải tạo nâng cấp, mở rộng và nghiên cứu di dời sau năm 2020 hoặc chấm dứt hoạt động khi hết thời hạn.
Trong đó, nhóm cảng TP.HCM được xác định là cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực gồm khu bến trên sông Sài Gòn, khu bến Cát Lái trên sông Đồng Nai, khu bến trên sông Nhà Bè, khu bến Hiệp Phước trên sông Soài Rạp.
Bộ GTVT xác định khu bến trên sông Sài Gòn phải thực hiện di dời, chuyển đổi công năng theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Theo quy hoạch, Bộ GTVT định hướng quy hoạch di dời các bến cảng trên sông Sài Gòn với 10 bến cảng, trong đó, di dời bến cảng Tân Thuận, Q.7 (thuộc cảng Sài Gòn) ra khu vực Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) phù hợp với tiến trình xây dựng cầu Thủ Thiêm 4).
Đồng thời, xác định khu bến cảng Hiệp Phước (sông Soài Rạp, Nhà Bè) là khu bến cảng chính của cảng biển TP HCM trong tương lai, chủ yếu làm hàng tổng hợp, container, tiếp nhận tàu tổng hợp trọng tải đến 50.000 tấn và tàu chở container đến 4.000 TEU (1 TEU tương đương 1 container 20 feet), một số bến chuyên dùng phục vụ trực tiếp cơ sở công nghiệp liền kề.
Theo Bộ GTVT, mục tiêu của việc phê duyệt quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển Đông Nam bộ giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 này là nhằm bố trí hợp lý các cảng biển nhằm phát huy hiệu quả tổng hợp, tạo sự phát triển cân đối, đồng bộ giữa các cảng biển và cơ sở hạ tầng. Đồng thời, phân bố, điều kiện hợp lý luồng hàng hóa nhằm giảm tải lưu lương giao thông đô thị, giải tòa ùn tắc khu vực trung tâm TP HCM.