Quy hoạch, thiết kế đô thị ven sông Hồng là một trong những mục tiêu lớn của đề án điều chỉnh quy hoạch Thủ đô
Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, sau khi mở rộng địa giới hành chính, tốc độ đô thị hóa của Hà Nội đã chuyển biến rất nhanh, trở thành đô thị đứng thứ 30 đông dân nhất thế giới. Bên cạnh đó, sau một thời gian triển khai, quy hoạch xây dựng Thủ đô được Thủ tướng phê duyệt năm 2011 với mô hình các đô thị vệ tinh, đô thị trung tâm đã bộc lộ nhiều hạn chế trong hiệu quả sử dụng đất, nguồn lực, chưa giải quyết được vấn đề nhà ở, ô nhiễm môi trường cũng như ùn tắc giao thông.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, thời gian tới, Hà Nội cần tập trung mở rộng chỉ tiêu diện tích đất đai cho hạ tầng giao thông, phát triển hạ tầng giao thông kết nối, các đường vành đai, cao tốc. Đặc biệt, Hà Nội cần đẩy mạnh thiết kế đô thị tại các khu vực hai bên sông Hồng, trục Láng - Hòa Lạc, trục Hồ Tây và nhất là quy hoạch đô thị ven sông Hồng.
"Mặc dù việc thiết kế đô thị ven sông Hồng còn gặp nhiều rào cản bởi Luật đê điều, phòng chống thiên tai, tuy nhiên nếu không thực hiện thì người dân vẫn lấn chiếm đất để xây dựng, gây khó khăn trong công tác quản lý cũng như quy hoạch" - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho rằng, về cấp bách hiện tại là rà soát, điều chỉnh quy hoạch thủ đô. Trong đó, phân khu sông Hồng, sông Đáy được xác định là khu vực có diện tích lớn, nếu được quy hoạch sẽ cải tạo bộ mặt đô thị, hiện đại và là nguồn lực lớn để giải quyết vấn đề nhà ở cũng như sinh kế cho người dân.
Theo tìm hiểu của phóng viên, trước khi Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt vào năm 2011, có nội dung quy hoạch khu vực hai bên sông Hồng là trục không gian cảnh quan trung tâm của Thủ đô, đã có rất nhiều đề án được đưa ra nhưng chưa đề án nào được phê duyệt.
Ý tưởng lập quy hoạch hai bờ sông Hồng nhiều lần bị vỡ kế hoạch do vướng vào quy hoạch thoát lũ sông Hồng, sông Đáy. Khó khăn lớn nhất hiện nay là chưa có số liệu chính xác liên quan đến lưu lượng xả lũ ở 7 đập ngăn trên thượng nguồn sông Hồng (thuộc Trung Quốc) nên cần phải nghiên cứu, nếu không sẽ rất nguy hiểm.
Quy hoạch thành phố ven sông Hồng năm 2007
Trong khi đó, ở góc độ quy hoạch, theo GS Đặng Hùng Võ - Nguyên thứ trưởng Bộ TN&MT, một vấn đề nan giải nữa khi phát triển đô thị ven sông Hồng đó là việc ở khu vực này hiện nay dân cư được chia thành nhiều nhóm. Có nhóm là dân tứ xứ đến lấn chiếm đất bãi sông Hồng cư ngụ không chính thức, cũng có nhóm nhà nước bố trí tái định cư... do vậy GPMB là bài toán vô cùng khó khăn.
Theo GS Đặng Hùng Võ, chính sách bồi thường hỗ trợ tái định cư tuy có rồi nhưng có nhiều vấn đề về chính sách chưa đúng với hoàn cảnh bãi sông Hồng hiện nay, nhất là những trường hợp mà lấn chiếm đất đai, chưa có hộ khẩu chính thức. Diện này khá nhiều, thậm chí có nơi còn chứa chấp cả tệ nạn xã hội. Do vậy, nếu GPMB được thì chúng ta đã giải quyết được vấn đề quan trọng không chỉ cho dự án mà còn là bài toán mà Hà Nội phải làm.
Bên cạnh đó, khi lập quy hoạch sẽ phải dự trù bài toán quỹ đất để di dời cho bà con đến khu vực khác. Cũng có thể không nhất thiết phải di cư mà có thể kiến tạo ngay một khu đô thị ven sông để tái định cư tại chỗ.
Ngoài ra, theo một số chuyên gia, để dự án thành phố ven sông Hồng được khả thi cần đảm bảo yếu tố đồng bộ trong việc quy hoạch dự án với hai bên bờ sông vì khu đô thị mang tính đặc thù nên cần được xây dựng dựa trên cơ sở khoa học, định hướng giao thông theo mô hình phát triển quy hoạch riêng của khu đô thị đó và đồng thời đảm bảo hài hòa với quy hoạch chung của thành phố Hà Nội.
Đặc biệt, các chuyên gia cũng cho rằng, phía trong đê cần có sự nghiên cứu kỹ yếu tố đặc thù về vị trí địa lý nhằm đảm bảo hài hòa nhu cầu giao thông giữa khu đô thị với hệ thống giao thông lân cận.