Tháng 7/2013, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam ( VAMC ) ra đời, với nhiệm vụ chính là nhằm xử lý nợ xấu tập trung, hỗ trợ các tổ chức tín dụng trong việc xử lý nợ xấu.
Với nhiệm vụ đó, công ty VAMC đã chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm xử lý nhanh, dứt điểm, có hiệu quả nợ xấu, từng bước khẳng định vai trò quan trọng trong hoạt động xử lý nợ gắn với tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng.
Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, công ty này vẫn còn gặp khá nhiều khó khăn, trong đó có liên quan đến nguồn lực tài chính.
Trả lời báo chí mới đây, ông Đoàn Văn Thắng - Tổng giám đốc VAMC cho biết, theo lộ trình quy định tại Quyết định 1058 của Thủ tướng Chính phủ đến năm 2018, vốn điều lệ của VAMC được nâng lên 5.000 tỷ đồng và đến năm 2020 con số này được nâng lên 10.000 tỷ đồng.
Thế nhưng, đến thời điểm này, vốn điều lệ của VAMC vẫn chỉ vỏn vẹn có 2.000 tỷ đồng.
Kể từ khi VAMC ra đời và hoạt động trong 6 năm qua, nguồn lực tài chính của đầu mối xử lý nợ xấu này nằm trong giới hạn đã định về quan điểm mà Quốc hội và Chính phủ nêu ngay từ đầu: nguyên tắc không sử dụng trực tiếp ngân sách nhà nước cho việc xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng.
Với quy mô số dư nợ xấu lên tới trên 300.000 tỷ đồng mà VAMC tiếp nhận thời gian qua, quy mô vốn nói trên quá nhỏ, đặc biệt là khi đặt trong yêu cầu từng bước chuyển sang mua nợ xấu theo giá thị trường...
Song, khó khăn trên đang có triển vọng hết "quy hoạch treo".
“Cuối tuần trước, Ngân hàng Nhà nước đã trình Thủ tướng Chính phủ kiến nghị cấp bổ sung vốn điều lệ lên 5.000 tỷ đồng sau khi các bộ, ngành liên quan đã đồng ý với chủ trương này. Hy vọng, trong tháng 8 này, chúng tôi sẽ được tăng vốn điều lệ”, ông Thắng cho biết.
Theo Tổng giám đốc VAMC, do nguồn lực tài chính bị hạn chế nên công ty chưa thể mạnh tay xử lý nợ xấu và mua nợ theo giá thị trường.
Theo kế hoạch xử lý nợ xấu năm 2019, Ngân hàng Nhà nước giao cho VAMC thu hồi 50 nghìn tỷ đồng dư nợ gốc. Từ đầu năm đến nay, VAMC xử lý được gần 30 nghìn tỷ đồng dư nợ gốc đạt gần 60% so với kế hoạch.
Luỹ kế từ năm 2013 đến 8/8/2019, VAMC đã phối hợp với tổ chức tín dụng thu hồi được hơn 136 nghìn tỷ đồng nợ xấu.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo VAMC, việc xử lý nợ xấu không thể triệt để và hiệu quả nếu không có dòng tiền thực sự để hỗ trợ các TCTD, khách hàng.
“Hạn chế về vốn điều lệ hiện tại ảnh hưởng tương đối nhiều đến nhiệm vụ mà VAMC được giao. Chẳng hạn theo kế hoạch đặt ra trong năm 2019 là VAMC mua 4.500 tỷ đồng nợ xấu theo giá thị trường, nhưng do vốn chưa được cấp, nên nợ mua theo giá trị thị trường chưa đạt yêu cầu”, Tổng giám đốc VAMC nói.
Cũng theo ông Thắng, hiện tại VAMC đang xúc tiến chuẩn bị ký kết các hợp đồng mua bán nợ theo giá thị trường,
Tuy nhiên, với tình hình năng lực tài chính hạn chế như hiện nay, có lẽ VAMC phải điều chỉnh kế hoạch kinh doanh.
“Giả sử như bước sang năm 2020, mục tiêu mua nợ xấu theo giá trị thị trường là 20 nghìn tỷ đồng theo như kế hoạch đặt ra trước đó thì điều này chỉ có thể đạt khi VAMC được cấp đủ vốn điều lệ là 10 nghìn tỷ đồng”, ông Thắng nói.