Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong tháng 1- tháng cận Tết Nguyên Đán- giá thịt lợn hơi bán cho thương lái tăng khá. Theo đó, tại miền Bắc, giá lợn hơi tăng 1.000- 3.000 đồng/kg lên 32.000- 36.000 đ/kg. Tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên, giá lợn hơi dao động từ 32.000- 35.000 đ/kg, tăng 2.000- 5.000 đ/kg so với tháng 12/2017. Tại các địa phương trọng điểm ở miền Nam như Đồng Nai, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh, giá lợn hơi trung bình trong khoảng 30.000- 33.000 đ/kg, tăng 4.000 đ/kg so với tháng trước.
Trong tháng 2, giá lợn hơi giữ ở mức ổn định từ 32.000 - 36.000 đồng/kg.
Những tưởng đây là dấu hiệu tích cực cho người chăn nuôi có cơ hội tái đàn, tuy nhiên, sau Tết, giá thịt lợn hơi quay đầu giảm khiến xu hướng thu hẹp quy mô đàn tiếp tục diễn ra trên cả nước.
Giá lợn hơi trên địa bàn cả nước có xu hướng giảm trong tháng 3/2018. Cụ thể, giá lợn tại miền Bắc giảm khoảng 1.000- 3.000 đồng/kg, dao động 30.000- 35.000 đồng/kg, mặc dù vậy, sức mua khá chậm. Tại miền Trung, giá lợn hơi giảm 1.000- 3.000 đồng/kg xuống còn 29.000- 34.000 đồng/kg.
Nhìn lại 3 tháng đầu năm, giá thịt lợn giảm 5.000 đồng/kg so với thời điểm cuối năm 2017.
Nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đã treo chuồng, không còn chăn nuôi lợn. Theo Tổng cục Thống kê ước tính tổng đàn lợn cả nước giảm khoảng 6,2% so với cùng kỳ năm 2017. Một số tỉnh ghi nhận đà giảm mạnh như Huế (16,1%), Trà Vinh (15,4%), Vĩnh Long (15,1%), Hà Tĩnh (11,3%), Hòa Bình (10,9%). Ước sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng quý I giảm 1,2% so với cùng kỳ năm trước.
Cần tái cơ cấu ngành chăn nuôi lợn
Tại diễn đàn xúc tiến xuất khẩu thịt lợn Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết trong 3 khâu bao gồm tổ chức sản xuất, chế biến và tiêu thụ, ngành chăn nuôi lợn mới làm được khâu sản xuất. Hai khâu "yết hầu" còn lại Việt Nam đang rất yếu. Đa số lò mổ vẫn còn hoạt động thủ công. Kết cấu tiêu thụ con lợn chủ yếu ở chợ truyền thống nên khó có thể thích ứng với xu thế thị trường.
Bộ trưởng cho rằng để ngành lợn phát triển bền vững, hiệu quả thì cần phải cơ cấu lại. Theo đó, ngành chăn nuôi, chế biến lợn cần từng bước thực hiện theo mô hình chuỗi ở 3 cấp độ: Đối với những doanh nghiệp sản xuất quy mô lớn cần phải tập trung vào xuất khẩu lợn. Ở quy mô vừa, các doanh nghiệp tập trung nhu cầu thịt lợn trong nước. Ở cấp độ thứ 3, bộ đang cùng các tỉnh, các ngành, địa phương tập trung phát triển con giống đặc sản Việt Nam, gắn với chuyển đổi sang sử dụng thức ăn hữu cơ.
Tuy nhiên, Bộ trưởng nhấn mạnh rằng vấn đề kiểm soát bệnh dịch lở mồm long móng vẫn còn nhức nhối do diễn biến bệnh phức tạp và phát tán nhanh.
Nhu cầu tiêu dùng thịt lợn trên thế giới đang tăng. Đặc biệt là những nước xung quanh Việt Nam có tiềm năng tiêu thụ thịt rất lớn như Hàn Quốc là 0,6 triệu tấn và Nhật Bản là 1,6 triệu tấn và đang có xu hướng gia tăng. Thế nhưng, Việt Nam vẫn chưa thể xuất khẩu thịt lợn sang thị trường Hàn Quốc do chưa được Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) công nhận sạch bệnh lở mồm long móng nên chưa đủ điều kiện để nước này tiến hành đánh giá rủi ro nhập khẩu đối với thịt lợn.