Riêng tổng trị giá xuất nhập khẩu của doanh nghiệp FDI trong tháng 3 đạt 28,31 tỷ USD, tăng 48,8% so với tháng 2 trước đó.
Thị phần kim ngạch xuất nhập khẩu giữ Việt Nam và các châu lục trong quý I/2019. Biểu đồ: T.Bình.
Trong đó, xuất khẩu hàng hóa của khối doanh nghiệp này trong tháng 3 đạt 16,14 tỷ USD, tăng 59,4% so với tháng trước, đưa trị giá xuất khẩu của khối này trong quí I/2019 lên 41,08 tỷ USD, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước, chiếm gần 70% tổng trị giá xuất khẩu cả nước.Như vậy, hết quý I, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của doanh nghiệp FDI đạt gần 64,1% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước.
Ở chiều ngược lại, trị giá nhập khẩu của khối doanh nghiệp FDI trong tháng 3 đạt 12,17 tỷ USD, tăng 36,8% so với tháng trước, đưa trị giá nhập khẩu của khối này trong quý I đạt 33,45 tỷ USD, tăng 4,7% so với quý I 2018, chiếm 58,2% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước trong cùng thời điểm.
Từ các dữ liệu trên cho thấy cán cân thương mại hàng hóa của khối doanh nghiệp FDI trong tháng 3 đạt thặng dư trị giá 3,97 tỷ USD, đưa cán cân thương mại trong cả quý I lên mức thặng dư 7,63 tỷ USD.
Liên quan đến một thông tin đáng chú ý của hoạt động xuất nhập khẩu trong quý I là về thị trường. Theo Tổng cục Hải quan, quý I trao đổi thương mại hàng hóa của Việt Nam với châu Mỹ đạt 20,65 tỷ USD, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm 2018 và là châu lục đạt mức tăng trưởng cao nhất trong 3 tháng đầu năm nay.
Trong khi đó, châu Á tiếp tục là khu vực chiếm tỷ trọng cao nhất (chiếm 65,8%) trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước.
Trị giá xuất nhập khẩu trong quý I với các thị trường thuộc châu Á đạt 76,51 tỷ USD, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó trị giá xuất khẩu là 29,94 tỷ USD, giảm nhẹ 0,5% và trị giá nhập khẩu là 46,58 tỷ USD, tăng 8,5%.
Kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với các châu lục khác lần lượt là: Châu Âu đạt 15,63 tỷ USD, tăng 4,1%; châu Đại Dương đạt 2,17 tỷ USD, tăng 3,6% và châu Phi đạt 1,35 tỷ USD, giảm 15,6%.