Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan , kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Mỹ trong tháng 3/2025 đạt 11,84 tỷ USD, tăng 30% so với tháng trước. Tính chung 3 tháng đầu năm 2025, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang thị trường này mang về 31,39 tỷ USD, tăng mạnh 60,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đáng chú ý, dệt may là một trong những mặt hàng được Mỹ thu mua nhiều nhất từ Việt Nam với kim ngạch đạt 1,33 tỷ USD trong tháng 3/2025, tăng 20,3% so với cùng kỳ năm 2024. Cùng với đó là mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử/linh kiện và máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác.
Về ngành dệt may , theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan , xuất khẩu mặt hàng này trong tháng 3 đã thu về hơn 3,06 tỷ USD, tăng 25,4% so với tháng trước đó. Lũy kế 3 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may đạt 8,69 tỷ USD, tăng 11,1% so với cùng kỳ.
Kết thúc quý I/2025, Mỹ là khách mua lớn nhất của hàng dệt may Việt Nam chiếm 43,6% thị phần, kim ngạch đạt 3,78 tỷ USD, tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm. Đứng thứ 2 là Nhật Bản với hơn 1,07 tỷ USD. Hàn Quốc là thị trường lớn thứ 3 với 827,5 triệu USD.
Ngành dệt may là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực. Tính đến năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu hàng dệt may sang 113 quốc gia và vùng lãnh thổ với những thị trường xuất khẩu chính vẫn là Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc.
So với các đối thủ cạnh tranh, Việt Nam là nước có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong các nước xuất khẩu dệt may , đạt 44 tỷ USD trong năm 2024, tăng hơn 11% so với cùng kỳ năm. Kết quả này đã giúp Việt Nam vươn lên vị trí thứ 2 thế giới về xuất khẩu dệt may , chỉ sau Trung Quốc và vượt qua Bangladesh.
Tại thị trường trọng điểm, xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam sang Mỹ trong năm 2024 đạt 16,6 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 38% kim ngạch xuất khẩu .
Thời điểm này, dù Mỹ hoãn áp mức thuế đối ứng 46% trong 90 ngày nhưng vẫn áp thuế bổ sung 10%. Đối với hàng may mặc Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ hiện đang được áp thuế tối huệ quốc (MFN) khoảng 18%, nay cộng thêm 10% mức thuế sẽ lên 28% - mức cao nhất trong nhiều năm qua.
Trước bối cảnh này, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS ) khuyến nghị các doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp xuất khẩu lớn sang Mỹ cần tự tin, cập nhật tình hình, hợp tác chặt chễ với nhau, với các nhà mua hàng tìm giải pháp, chia sẻ rủi ro, lợi ích. Đặc biệt, thực hiện đa dạng hóa thị trường , nhất là các thị trường có tiềm năng đã ký FTA, thị trường Halal, Nam Mỹ...
Năm 2025, ngành dệt may Việt Nam đặt mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu từ 47-48 tỷ USD, tăng trưởng hơn 11% so với năm trước đó.