Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan , trong tháng 3/2024, nước ta đã nhập khẩu 428.853 tấn phân bón với trị giá hơn 123 triệu USD, tăng 52,3% về lượng và tăng 34,7% về kim ngạch so với tháng trước. Giá trung bình đạt 287 USD/tấn, giảm 11,6% so với tháng 2/2024.
Lũy kế trong quý 1/2024, nước ta chi hơn 351 triệu USD để nhập khẩu hơn 1,12 triệu tấn phân bón, tăng mạnh 82,8% về lượng và tăng 48% về kim ngạch so với quý 1 năm trước. Giá nhập khẩu bình quân đạt 314 USD/tấn, giảm 19%.
Xét về thị trường, Trung Quốc giữ vị trí nhà cung cấp phân bón lớn nhất cho Việt Nam với 466.409 tấn trong quý 1, trị giá hơn 104 triệu USD, tăng 54% về lượng nhưng giảm 3,1% về kim ngạch so với cùng kỳ. Giá nhập khẩu đạt 223 USD/tấn, giảm 37% và chiếm tỷ trọng 42% trong số các nhà cung cấp cho Việt Nam.
Đáng chú ý, Nga đã vươn lên thành nhà cung cấp phân bón lớn thứ 2 của Việt Nam trong quý 1 với sản lượng đạt 140.435 tấn, tương đương hơn 83 triệu USD, tăng mạnh 573% về lượng và tăng 574% về kim ngạch, tương đương tăng gấp hơn 6 lần so với cùng kỳ năm trước. Giá nhập khẩu tăng nhẹ 0,2% so với cùng kỳ, đạt 596 USD/tấn.
Lúa mỳ và phân bón là 2 mặt hàng 'báu vật ' của xứ Bạch Dương bởi khiến Châu Âu phụ thuộc lớn vào quốc gia này. Cụ thể, châu Âu nhận 25% urê, 15% amoni nitrat, 1/3 phân lân và 35% kali từ Liên bang Nga. Thị phần kali của Nga ở Mỹ là 6%, photphat là 20% và urê chiếm 13%. Không chỉ châu Âu, Mỹ cũng là nhà nhập khẩu lớn của Nga. Theo dữ liệu mới nhất của cơ quan thống kê Mỹ, trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 7 năm 2023, Mỹ đã nhập khẩu khối lượng phân bón kỷ lục của Nga- trị giá 944 triệu USD.
Bên cạnh Mỹ, lượng mua phân bón Nga của nông dân Đức đã tăng khoảng 334%, từ 38,5 nghìn tấn vào tháng 7/2022 lên 167 nghìn tấn tính đến tháng 6/2023. Chỉ riêng nhập khẩu phân urê đã tăng 304% trong nửa đầu năm 2023 so với đến cùng kỳ năm ngoái. Kết quả là tỷ trọng của Nga trong tổng lượng phân bón nhập khẩu của nước này đã tăng từ 5,6% lên gần 18%.
Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp (FAO), sản lượng các mặt hàng nông sản chính có thể sẽ tăng trong mùa vụ 2023-2024, bao gồm ngô (tăng 4,5%), đậu tương (tăng 7,3%) và gạo (tăng 1%). Giá nông sản (trừ gạo và đường đã tăng đáng kể trong năm 2023) cũng sớm phục hồi, thúc đẩy nhu cầu trồng trọt tăng lên trong thời gian tới kéo theo nhu cầu về phân bón tăng cao.
Các chuyên gia dự báo nguồn cung phân bón sẽ ngày càng thắt chặt do hai nhà cung cấp lớn của thế giới là Trung Quốc và Nga hạn chế xuất khẩu . Điều này có thể khiến giá phân bón trong năm 2024 tăng nhẹ so với các năm trước. Dự kiến thị trường phân ure thế giới sẽ sôi động hơn từ nửa sau năm 2024 khi các nhà tiêu thụ lớn gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Brazil và châu Âu đồng loạt quay trở lại đấu thầu để đảm bảo nguồn cung phân bón cho giai đoạn cao điểm gieo hạt vụ Hè -Thu sắp tới.