Như BizLIVE đã thông tin, Tổng cục Thống kê (GSO) vừa công bố báo cáo chi tiết về Tình hình kinh tế – xã hội quý 1/2021. Trong báo cáo này, GSO đã thông tin về tình hình thu chi ngân sách nhà nước ước tính tới thời điểm 15/3.
Cụ thể, tổng thu ngân sách nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/3/2021 ước đạt 320,1 nghìn tỷ đồng, bằng 23,8% dự toán năm.Trong khi đó, tổng chi ngân sách nhà nước (NSNN) đến thời điểm này ước đạt 264,2 nghìn tỷ đồng, bằng 15,7% dự toán. Đồng nghĩa với việc tính tới 15/3, ngân sách nhà nước ước bội thu khoảng 55,9 nghìn tỷ đồng.
Ngay sau thời điểm Tổng cục Thống kê (GSO) công bố những thông tin trên, Bộ Tài chính đã có bản báo chi tiết với những con số cập nhật hơn về nội dung này.
57/63 ĐỊA PHƯƠNG THU NỘI ĐỊA ĐẠT VÀ VƯỢT TIẾN ĐỘ
Theo cập nhật từ Bộ Tài chính, ước tính tổng thu NSNN quý 1/2021 đạt 403,7 nghìn tỷ đồng, bằng 30,1% dự toán, tăng 0,3% so cùng kỳ năm 2020.
Trong đó, thu nội địa đạt 30% dự toán, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm 2020. Khoản thu từ dầu thô đạt 34,6% dự toán, giảm gần 50%. Thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 30,8% dự toán, tăng 9,7%.
Có 8/12 khoản thu và nhóm khoản thu đạt tiến độ tích cực (trên 25% dự toán). Trong đó, thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 28,2% dự toán, tăng 5%. Thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 33,5% dự toán, tăng 8% so với cùng kỳ. Thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 35,2% dự toán, tăng 22,4%. Các khoản thu về nhà, đất đạt 32,3% dự toán, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2020...
Khoản thu từ dầu thô trong quý 1 tuy đạt 34,6% dự toán song vẫn giảm gần 50% so với cùng kỳ 2020. Ảnh minh họa
Ước tính, cả nước có 57/63 địa phương thu nội địa đạt tiến độ dự toán (trên 25%), trong đó 42 địa phương thu đạt trên 28% dự toán. Đồng thời cũng có tới 40/63 địa phương thu cao hơn so cùng kỳ.
Bộ Tài chính nhận định, sau Tết Nguyên đán Tân Sửu, dù một số địa phương vẫn chịu ảnh hưởng của đợt tái bùng phát dịch bệnh COVID-19 do phải áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội, song nhìn chung các hoạt động sản xuất - kinh doanh đã cơ bản trở lại bình thường.
Chính điều này đã ảnh hưởng tích cực đến hoạt động thu, chi NSNN trong quý.
Cụ thể, nhờ có sự phục hồi của nền kinh tế trong nước và các nền kinh tế là đối tác thương mại lớn của Việt Nam, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa quý 1 ước đạt 151,35 tỷ USD, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong đó, kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng chủ yếu tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước, như: điện thoại các loại và linh kiện tăng 48,1%; chất dẻo nguyên liệu tăng 39,3%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng tăng 28,8%; sắt thép các loại tăng 27,8%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 19,8%... tác động làm tiến độ thu ngân sách của khu vực này đạt khá.
ĐÃ PHÁT HÀNH 35,6 NGHÌN TỶ ĐỒNG TRÁI PHIẾU CHÍNH PHỦ
Về chi ngân sách, tổng chi NSNN quý 1/2021 đạt 341,9 nghìn tỷ đồng, bằng 20,3% dự toán, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong đó, chi đầu tư phát triển đạt gần 60,8 nghìn tỷ đồng, bằng 12,7% dự toán, giảm 1,4%; chi trả nợ lãi đạt 31 nghìn tỷ đồng, bằng 28,2% dự toán, giảm 5,2%. Chi thường xuyên vẫn luôn là khoản chi có giá trị lớn nhất, đạt 249,9 nghìn tỷ đồng, bằng 24,1% dự toán, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2020.
Như vậy, tính tới hết quý 1/2021, NSNN hiện bội thu khoảng 61,8 nghìn tỷ đồng.
Trong quý 1/2021, cả ngân sách địa phương (NSĐP) và ngân sách trung ương (NSTW) đều đã phải đã tăng chi cho công tác phòng chống dịch COVID-19 và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội vùng biên giới, biển đảo dịp tết Nguyên đán.
Trong đó, NSTW đã trích dự phòng hơn một nghìn tỷ đồng để bổ sung kinh phí phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 và hỗ trợ địa phương khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, xử lý cấp bách đê xung yếu, cống dưới đê bị sự cố và kè bảo vệ khu vực sạt lở, sụt lún trên biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc...
Đồng thời, NSTW còn tăng tiến độ bổ sung cân đối và thực hiện tạm ứng từ Quỹ dự trữ tài chính trung ương cho một số địa phương đang có dịch COVID-19 gặp khó khăn về nguồn lực để đáp ứng nhu cầu chi cấp thiết phát sinh trên địa bàn.
Cùng với đó, nhà nước đã xuất cấp 12,76 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia để khắc phục hậu quả thiên tai, cứu trợ, cứu đói cho nhân dân trong dịp giáp hạt đầu năm 2020.
Để đảm bảo cho việc cân đối NSTW và các cấp địa phương được đảm bảo, trong quý 1, Bộ Tài chính đã thực hiện phát hành 35,6 nghìn tỷ đồng trái phiếu chính phủ theo kế hoạch năm 2021.
Với tổng mức phát hành trái phiếu chính phủ năm 2021 được công bố 350.000 tỷ đồng, quý 1 đã hoàn thành khoảng 10,2% khối lượng phát hành trong năm.