Tính chung quý I/2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 93,06 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu quý I/2024, nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 82,02 tỷ USD, chiếm 88,1%.
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa quý I/2024 ước đạt 84,98 tỷ USD, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước. Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu quý I/2024, nhóm hàng tư liệu sản xuất ước đạt 79,9 tỷ USD, chiếm 94%.
Tổng cục Thống kê cho hay, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 26,2 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 29,4 tỷ USD.
Cán cân thương mại hàng hóa tháng 3 ước tính xuất siêu 2,93 tỷ USD. Tính chung quý I/2024, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 8,08 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 4,93 tỷ USD); trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 4,49 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 12,57 tỷ USD.
Về xuất, nhập khẩu dịch vụ, cán cân thương mại dịch vụ quý I/2024 nhập siêu 2,33 tỷ USD; trong đó, kim ngạch xuất khẩu dịch vụ ước đạt 5,67 tỷ USD, tăng 24,7% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch nhập khẩu dịch vụ ước đạt 8 tỷ USD (trong đó đã tính trong phí dịch vụ vận tải và bảo hiểm của hàng hóa nhập khẩu là 2,69 tỷ USD), tăng 26,8% so với cùng kỳ năm trước.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, mặc dù, đối mặt với khó khăn, thách thức nhưng với sự năng động của doanh nghiệp trong nước đã nắm bắt tín hiệu thị trường, chủ động tìm kiếm đơn hàng, giữ được thị trường truyền thống, quan trọng, nhiều tiềm năng, mở thêm thị trường mới.
Cùng với đó, tiếp theo thành tích và dấu ấn của năm trước, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng rau quả, nông sản và gạo tăng ở mức cao với 2 con số gấp 1,34 lần so với mức tăng của cùng kỳ năm trước. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu quý I/2024 so với cùng kỳ năm trước của mặt hàng rau quả tăng 31%; mặt hàng nông sản (điều, cà phê, chè, hạt tiêu) tăng 31,4%; gạo tăng 44,2%.
Một số mặt hàng xuất khẩu truyền thống là thế mạnh của Việt Nam đã chấm dứt đà suy giảm, tăng trưởng cao trở lại như: gỗ và sản phẩm gỗ tăng 18,9%; dệt may tăng 7,9%; giày dép tăng 11,7%. Bên cạnh đó, nhập khẩu tư liệu sản xuất đã tăng cao trở lại đạt mức 14,5 %, phản ánh sản xuất của nền kinh tế đã có dấu hiệu phục hồi.
Tuy vậy, hoạt động thương mại hàng hóa quốc tế của Việt Nam lại phụ thuộc vào số ít thị trường. Kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Mỹ chiếm 28,1% trong tổng kim ngạch xuất khẩu , trong khi đó kim ngạch nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc chiếm 34,6% tổng kim ngạch nhập khẩu .
Để đạt được mục tiêu Quốc hội đặt ra đối với thương mại quốc tế của Việt Nam, Tổng cục Thống kê đề xuất Bộ Công Thương tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo môi trường vĩ mô thuận lợi cho xuất khẩu hàng hóa; xây dựng, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách kinh tế, thương mại cần thực hiện đồng bộ và thường xuyên; tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, thông thoáng và minh bạch. Bên cạnh đó, ngành công thương phát triển xuất khẩu bền vững đi liền với đa dạng hóa thị trường hướng đến cán cân thương mại lành mạnh, hợp lý với các đối tác…