Quỹ năng lượng sạch Đông Nam Á (SEACEF) do công ty Clime Capital có trụ sở tại Singapore quản lý, với khoản đầu tư ban đầu là 10 triệu đô la Mỹ, tập trung vào việc triển khai các dự án mới tại Việt Nam, Indonesia và Philippines .
"Chúng ta cần phải huy động hàng tỷ đô để tạo ra những tác động thiết thực đối với vấn đề biến đổi khí hậu", ông Mason Wallick, Giám đốc điều hành của Clime Capital, thuộc ủy ban đầu tư SEACEF cho biết.
"Ngân sách là yếu tố cần thiết nhất để giúp các dự án trong giai đoạn đầu đi vào hoạt động", ông Wallick nói thêm.
Châu Á-Thái Bình Dương là nơi sinh sống của hai phần ba dân số thế giới, đang trải qua quá trình đô thị hóa. Dân số và tăng trưởng kinh tế đang gia tăng nhanh chóng khiến các quốc gia phải vật lộn để cung cấp đủ năng lượng điện, trong khi đó vẫn phải thực hiện cam kết cắt giảm khí thải.
Vào năm ngoái, các nhà nghiên cứu cho biết các quốc gia Đông Nam Á cần phải chấm dứt việc phụ thuộc vào năng lượng than và chuyển sang sử dụng nguồn năng lượng sạch, nhằm đáp ứng các cam kết hạn chế tình trạng biến đổi khí hậu và giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí.
Nhưng việc ngưng sử dụng chất đốt bằng nhiên liệu hóa thạch như than giá rẻ là điều không hề dễ dàng. Ông Wallick khẳng định "Tại Đông Á, Trung Quốc là một quốc gia góp phần không nhỏ vào việc biến đổi khí hậu. Một thị trường lớn nên phát triển theo một cách có ý nghĩa hơn để thúc đẩy năng lượng tái tạo".
Trung Quốc hiện đang là nguồn phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới, gây ra sự nóng lên toàn cầu.
SEACEF nhận định đây là sáng kiến từ thiện đầu tiên theo hình thức này nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Sáng kiến tập trung vào các nguồn tài trợ có rủi ro cao để đưa các dự án năng lượng sạch mới phát triển và đi vào hoạt động.
Ông Wallick cho biết, quỹ sẽ xem xét đầu tư rộng rãi vào các dự án và doanh nghiệp bao gồm năng lượng gió và năng lượng mặt trời, cơ sở hạ tầng lưới điện chính, hiệu quả năng lượng trong các tòa nhà, di động và lưu trữ điện tử.
Vốn đầu tư ở giai đoạn đầu là rất thấp, chỉ có thể duy trì trong một khoảng thời gian ngắn. Tình huống trở nên trầm trọng hơn bởi đại dịch Covid-19 khiến cho các nhà đầu tư hạn chế ngân sách phát triển.
Qua đó, quỹ này hy vọng sẽ thu hút thêm 40 triệu đô la nguồn vốn từ các quỹ đầu tư và ngân hàng phát triển, nhằm mục đích huy động hơn 2,5 tỷ đô la Mỹ đầu tư vào năng lượng sạch từ khu vực tư nhân.
Cho đến nay, quỹ đã nhận được hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế như Sea Change Foundation International, Wellspring Climate Initiative, High Tide Foundation, Grantham Foundation, Bloomberg Philanthropies, Packard Foundation và Quỹ đầu tư trẻ em (CIFF).
Imraan Mohammed, người đứng đầu bộ phận đầu tư tại CIFF cho rằng, việc ra mắt quỹ khí hậu mới này diễn ra vào thời điểm quan trọng, khi cuộc khủng hoảng Covid-19 đang làm giảm nguồn tài chính truyền thống vốn dành riêng cho việc hạn chế biến đổi khí hậu.