Các vụ hỏa hoạn ở Australia đã thiêu rụi hơn 12,35 triệu mẫu đất, làm ít nhất 24 người thiệt mạng và 2.000 ngôi nhà bị phá hủy. Kích thước vụ cháy rừng trên khắp lãnh thổ nước Australia lớn gấp đôi bang Maryland của Mỹ và quy mô hơn nhiều bang khác như Vermont, New Hampshire, Massachusetts và New Jersey.
Theo ước tính, hơn 480 triệu động vật đã bị lửa thiêu chết kể từ khi mùa cháy rừng ở Australia bắt đầu vào tháng 9. Ước tính này được các chuyên gia sinh thái học của Đại học Sydney đưa ra sau khi đánh giá toàn cảnh quy mô vụ hỏa hoạn.
Con số này chỉ bao gồm các động vật có vú mà không bao gồm côn trùng, dơi hay ếch. "Sự mất mát thực sự trong quần thể các loài động vật sẽ cao hơn nhiều so với con số 480 triệu", tuyên bố của Đại học Sydney cho hay.
"Cho đến khi số lượng đám cháy giảm bớt, không ai có thể biết chính xác bao nhiêu đồng vật đã bị ngọn lửa thiêu chết", tiến sĩ Stuart Blanch của một cơ quan bảo tồn động vật hoang dã tại Australia nhấn mạnh.
Cháy rừng Australia so với lãnh thổ nước Mỹ.
Các động vật bị chết chủ yếu thuộc các loài như gấu túi Koalas, kanguru…, những động vật biểu tượng của Australia. "Nhiều khu rừng sẽ mất nhiều thập kỷ để có thể trở lại như trước khi hỏa hoạn xảy ra. Những vụ cháy tiếp tục làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng tuyệt chủng ở nước Úc", Tiến sĩ Blanch nhấn mạnh.
Theo thống kê chưa đầy đủ, có khoảng 30% số gấu túi koalas, loài động vật đang đứng bên bờ vực tuyệt chủng, bị chết trong các vụ hỏa hoạn ở New South Wales. Trước tình trạng này, Chính phủ của Thủ tướng Scott Morrison đã cam kết chi thêm 2 tỷ đô la Australia cho nỗ lực phục hồi hệ sinh thái, bao gồm cả hỗ trợ các loài động vật như gấu túi koalas.
"Chúng tôi sẽ đầu tư 2 tỷ đô la vào quỹ phục hồi sau cháy rừng nhằm đảm bảo các gia đình, nông dân và chủ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi thảm họa có thể có được sự hỗ trợ mà họ cần khi tái thiết lại", Thủ tướng Scott Morrison cho biết. Người đứng đầu chính phủ Australia cũng có rằng ngân sách hỗ trợ cháy dừng có thể cao hơn nữa bởi lửa vẫn đang cháy và sẽ cháy trong nhiều tháng tới.
Ngoài ra, lần đầu tiên trong lịch sử, 3.000 quân dự bị của Lục quân, Hải quân và Không quân được huy động để tham gia vào cuộc chiến chống hỏa hoạn. Trước đó, lính cứu hỏa từ Mỹ cũng đã được huy động tới Australia để dập lửa. Nhiều phương tiện, bao gồm cả các loại máy bay, cũng đã được huy động nhằm khống chế các đám cháy.