Trong một buổi trò chuyện với Tổng giám đốc một doanh nghiệp vừa chuyển đổi cơ cấu sở hữu sau khi Nhà nước thoái vốn, vị này cho biết nếu trước đây để quyết một vấn đề như đầu tư dự án, doanh nghiệp Nhà nước thường mất rất nhiều thời gian họp lên họp xuống. Trong khi đó, vào tay tư nhân, các quyết định này chỉ mất ngày một ngày hai.
Không thể phủ nhận vai trò của kinh tế tư nhân sau khi Nhà nước cổ phần hoá. Rất nhiều doanh nghiệp dường như lột xác và có sự tăng trưởng thần kỳ dưới bàn tay tài hoa của các ông chủ, bà chủ có cái nhìn nhanh nhạy với thời cuộc như câu chuyện của Vinamilk, REE, Vinaconex…
Trên sàn chứng khoán, có thể điểm mặt không ít các chủ doanh nghiệp đã xây dựng được khối tài sản nghìn tỷ nhờ mua lại cổ phần Nhà nước thoái vốn, trong đó có không ít người ở độ tuổi U40 như ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn Gelex, ông Nguyễn Hùng Cường, Phó Chủ tịch DIC Group, ông Đào Hữu Duy Anh, Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn Hoá chất Đức Giang.
Các doanh nghiệp tăng trưởng thần kỳ sau khi Nhà nước thoái vốn
CTCP Tập đoàn Gelex
Tập đoàn Gelex tiền thân là Tổng công ty Thiết bị kỹ thuật điện, IPO (bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng) vào năm 2010 và trở thành CTCP với vốn điều lệ 1.400 tỷ đồng. Gelex giao dịch trên sàn Upcom lần đầu tiên vào năm 2015. Tháng 12/2015, Bộ Công thương thoái toàn bộ 100% vốn đầu tư tại Gelex trong phiên giao dịch lịch sử khi hơn 100 triệu cổ phiếu được khớp thẳng trên sàn chỉ trong vài phút đồng hồ.
Tháng 9/2016, ông Nguyễn Văn Tuấn chính thức giữ vai trò Tổng giám đốc Gelex, và sau đó đảm nhiệm thêm vị trí Chủ tịch HĐQT tại các công ty thành viên của GEX như Tổng công ty Viglacera (VGC), CTCP Thiết bị điện Gelex (GEE), CTCP Dây cáp điện Việt Nam (CAV).
Ông Nguyễn Văn Tuấn - Tổng giám đốc GELEX có khối tài sản gần 10.000 tỷ
Sau 6 năm chuyển đổi cơ cấu sở hữu, hiện khối tài sản của ông Nguyễn Văn Tuấn trên sàn giao dịch chứng khoán lên tới 9.790 tỷ đồng. Trong khi đó, Gelex đã trở thành một tập đoàn kinh tế tư nhân đa ngành, có tổng số vốn điều lệ gần 8.515 tỷ đồng, hoạt động theo theo mô hình Holdings, với 2 mảng hoạt động kinh doanh chủ lực là (1) Sản xuất công nghiệp trong đó cụ thể gồm ngành Sản xuất thiết bị điện và vật liệu xây dựng là chủ lực và (2) Hạ tầng gồm sản xuất điện, nước, Khu công nghiệp và hệ sinh thái quanh khu công nghiệp.
Giai đoạn 2016-2022, Gelex thực hiện nhiều hoạt động M&A, lợi nhuận trước thuế tăng gấp 3 lần từ 700 tỷ năm 2016 lên hơn 2.000 tỷ năm 2021. Tổng tài sản năm 2021 vượt mức 61.000 tỷ đồng, hơn gấp đôi cùng kỳ năm trước.
CTCP Tập đoàn hoá chất Đức Giang
Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoá chất Đức Giang, tiền thân là một doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Tổng cục hóa chất Việt Nam được thành lập từ năm 1963 với sản phẩm "Bột giặt Đức Giang" rất quen thuộc với người tiêu dùng.
Hai cha con Chủ tịch Đức Giang - Đào Hữu Huyền (phải) và Đào Hữu Duy Anh
Ông Đào Hữu Huyền đã làm việc tại Nhà máy hoá chất Đức Giang từ những năm đầu thập niêm 90. Sau một thời gian được cử đi nghiên cứu tại Áo, ông Huyền nghỉ việc tại Đức Giang và cùng vợ lập nên Công ty Văn Minh - chuyên nhập hóa chất từ Trung Quốc về bán cho thị trường trong nước.
Năm 2004, Đức Giang cổ phần hoá, ông Huyền quay lại mua cổ phần và trở thành cổ đông lớn nhất tại công ty. Khi đó, vốn điều lệ của Đức Giang chỉ vỏn vẹn 15 tỷ đồng.
Sau 18 năm cổ phần hoá, hiện vốn điều lệ của Đức Giang lên tới 1.710 tỷ đồng, vốn hoá thị trường vượt 1,5 tỷ USD, tổng tài sản tại thời điểm 31/12/2021 lên 8.520 tỷ, lợi nhuận trước thuế 2.500 tỷ, gấp hơn 2,5 lần năm trước đó.
Giá trị tài sản của gia đình ông Đào Hữu Huyền đã tăng hàng chục lần chỉ sau vài năm
Trong giai đoạn 2020-2021, Đức Giang "gặp thời", tăng trưởng thần tốc đã giúp khối tài sản của gia đình ông Đào Hữu Huyền hiện nay đã lên tới gần 770 triệu USD, trong đó riêng tài sản ông Đào Hữu Huyền vượt 7.000 tỷ đồng, em trai và em dâu là Đào Hữu Kha, Ngô Thị Ngọc Lan gần 5.000 tỷ, con trai Đào Hữu Duy Anh 1.110 tỷ, vợ Nguyễn Thị Hồng Lan 1.453 tỷ. Có thể nói, Đức Giang đã biến từng thành viên trong gia đình ông Đào Hữu Huyền trở thành đại gia nghìn tỷ từ hoạt động kinh doanh cốt lõi của công ty là ngành hoá chất.
CTCP Cơ điện lạnh – REE Corp
Công ty cổ phần Cơ Điện Lạnh được thành lập từ năm 1977, tên gọi ban đầu là Xí Nghiệp quốc doanh cơ điện lạnh thuộc sở hữu Nhà nước.
Là doanh nghiệp đầu tiên tiến hành cổ phần hóa vào năm 1993, REE cũng là một trong hai doanh nghiệp đầu tiên niêm yết cổ phiếu tại Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 7 năm 2000. Tại thời điểm niêm yết, vốn điều lệ của Công ty là 150 tỷ đồng.
Gần 30 năm sau cổ phần hoá, REE giờ đây đã trở thành một tập đoàn đa ngành, tập trung vào mảng năng lượng gồm các nhà máy điện và nhà máy cung cấp nước sạch, dịch vụ cơ điện công trình (M&E), bất động sản và sản xuất mang thương hiệu Reetech.
Vốn điều lệ của REE đã tăng 20 lần từ 150 tỷ lên 3.100 tỷ, tổng tài sản 31.000 tỷ, lợi nhuận trước thuế năm 2021 đạt gần 2.400 tỷ đồng.
Thành quả này của REE là nhờ khả năng chèo lái của nữ tướng Nguyễn Thị Mai Thanh.
Sau khi tốt nghiệp đại học tại Đức ngành cơ khí, năm 1982 bà Thanh gia nhập Xí nghiệp Thiết bị lạnh với vai trò kỹ sư và sau đó trở thành Giám đốc xí nghiệp năm 1987 khi vừa tròn 33 tuổi.
Không thể phủ nhận lịch sử phát triển của REE gắn liền với bà Nguyễn Thị Mai Thanh. Quyết định đưa REE lên niêm yết từ những ngày đầu thành lập TTCK của bà Mai Thanh là một quyết định lịch sử, giúp REE tiếp cận nguồn vốn ngoại từ rất sớm. Quyết định đầu tư mảng năng lượng khi thị trường còn sơ khai cũng là quyết định gây tranh cãi tại các kỳ đại hội cổ đông. Nhưng thành quả hiện tại, giá trị tài sản của bà Mai Thanh lên tới gần 2.800 tỷ đồng, vốn hoá thị trường của REE cũng vượt 1 tỷ USD là minh chứng rõ nhất cho sự phát triển của kinh tế tư nhân.
Danh mục các nhà máy điện của Tập đoàn hiện đang đóng góp gần 12 tỷ kWh vào tổng sản lượng điện năng toàn quốc.
Trong giai đoạn 2004 - 2021, REE đã đẩy mạnh đầu tư vào mảng Nước với danh mục bao gồm 4 nhà máy sản xuất nước, 3 công ty phân phối nước, 1 công ty nước chuỗi và 1 công ty hoạt động trong lĩnh vực tư vấn công nghệ và thi công cải tạo các dự án nhà máy nước, trải rộng trên lãnh thổ Việt Nam.
CTCP Tập đoàn Dabaco Việt Nam
CTCP Tập đoàn Dabaco Việt Nam tiền thân là tiền thân là Công ty Nông sản Hà Bắc được thành lập năm 1996 thuộc Uỷ ban Nhân dân tỉnh Hà Bắc. Năm 2005 công ty chuyển đổi sang mô hình CTCP và IPO lần đầu vào năm 2007.
Ông Nguyễn Như So, từ bộ đội sỹ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam tham gia Công ty vật tư Hà Bắc năm 1988, sau đó trở thành Giám đốc Công ty nông sản Bắc Ninh năm 1996. Khi nhà nước cổ phần hoá, ông So trở thành cổ đông lớn, nắm giữ gần 30% công ty.
Thời điểm tiếp nhận doanh nghiệp nhà nước, khi đó công ty không còn hoạt động sản xuất, chỉ còn vài công nhân, cơ sở vật chất gần như không có gì ngoài mấy chiếc máy hàn và khu đất cỏ mọc um tùm. Khi đó, ông So nhận thấy Việt Nam là nước nông nghiệp nhưng 80% thức ăn phải nhập khẩu bên ngoài, ông đã quyết định chuyển sang sản xuất thức ăn chăn nuôi và con giống.
Sau 17 năm cổ phần hoá, Dabaco đã trở thành doanh nghiệp đầu ngành cả nước trong lĩnh vực phát triển chuỗi giá trị từ sản xuất con giống đến thức ăn chăn nuôi, chăn nuôi gia công và chế biến thịt với các hệ thống trang trại chăn nuôi quy mô lớn.
Theo báo cáo tài chính kiểm toán 2021, tổng tài sản của Dabaco đã vượt 10.800 tỷ, doanh thu 2 năm liên tiếp 2020-2021 vượt 10.000 tỷ, lợi nhuận trước thuế năm 2021 đạt 979 tỷ giảm mạnh so với năm 2020 do giá lợn hơi giảm mạnh. Mặc dù vậy, giá trị cổ phiếu DBC ông So nắm giữ vẫn tăng lên 2.560 tỷ đồng, tăng hơn 200 tỷ so với năm 2021.
Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng – DIG Corp
Tổng Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (tiền thân là Nhà nghỉ Xây dựng) được Bộ Xây dựng thành lập ngày 26 tháng 5 năm 1990. Với chức năng phục vụ nhu cầu nghỉ ngơi, điều dưỡng cho cán bộ công nhân ngành Xây dựng, đồng thời kết hợp kinh doanh du lịch - nghỉ mát cho du khách trong và ngoài nước. Ông Nguyễn Thiện Tuấn được Bộ Xây dựng bổ nhiệm làm Giám đốc Nhà nghỉ Xây dựng, có trụ sở tại số 2 Thùy Vân – TP Vũng Tàu ( Nay là 169 Thùy Vân Vũng tàu).
Năm 2007, DIG cổ phần hoá với vốn điều lệ 370 tỷ đồng, trải qua 15 năm, hiện vốn điều lệ của DIG tăng lên gần 5.000 tỷ đồng, vốn hoá thị trường hơn 2 tỷ USD.
Trong vòng 2 năm, giá cổ phiếu DIG tăng gấp 5 lần, đưa giá trị tài sản của ông Nguyễn Thiện Tuấn, Chủ tịch DIG lên 4.745 tỷ đồng, trong khi Phó Chủ tịch DIG ông Nguyễn Hùng Cường cũng có giá trị cổ phiếu hơn 4.800 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Thiện Tuấn, Chủ tịch DIG Corp
Trong lĩnh vực thi công hạ tầng giao thông, DIC Corp từng tham gia góp vốn cũng như thực hiện một số dự án giao thông đường bộ như Quốc lộ 51 (nối TP. Biên Hòa - TP. Vũng Tàu), Đường 25C (huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai)… Về lĩnh vực vật liệu xây dựng, DIC Corp sở hữu mỏ đá xây dựng tại xã Châu Pha, TX. Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được cho là có trữ lượng đủ cung cấp nguồn đá xây dựng cho khu vực Đông Nam Bộ.
Biến động giá GEX, DIG, DGC và REE từ khi niêm yết