CTCP Masan Meatlife (mã MML), tập đoàn sở hữu chuỗi thịt mát Meat Deli và thương hiệu Cám Con Cò vừa công bố báo cáo kiểm toán 2020. Theo đó, doanh thu hợp nhất năm 2020 của MML đạt 17.038 tỷ đồng, doanh thu thuần đạt hơn 16.119 tỷ đồng, tăng 17% so với năm 2019, tương ứng tăng trưởng 2.330 tỷ đồng trong đó ngành thức ăn chăn nuôi tăng 368 tỷ đồng và ngành thịt tăng 1.854 tỷ đồng so với năm 2019.
Chi phí tài chính tăng 40% so với năm trước từ việc tăng vay nợ nhằm thực thi chiến lược mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh của tập đoàn.
Lợi nhuận thuần sau thuế đạt 492,2 tỷ đồng, tăng 33% so với năm 2019.
Lãi ròng cổ đông công ty mẹ đạt 263,34 tỷ đồng, tăng 28,3% so với năm trước.
Tổng tài sản của Masan Meatlife tại thời điểm 31/12/2020 đạt 17.957 tỷ đồng, tăng hơn 3.200 tỷ so với đầu năm. Tập đoàn có 3 công ty con sở hữu trực tiếp, 17 công ty con sở hữu gián tiếp và công ty liên kết. Các công ty sở hữu gián tiếp đều là các tên tuổi lớn như CTCP Dinh dưỡng Nông nghiệp Quốc tế (Anco), CTCP Việt – Pháp sản xuất thức ăn gia súc (Proconco), hay công ty liên kết như CTCP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) do Masan Meatlife nắm giữ 24,9%.
Mặc dù quy mô lớn, vốn điều lệ lên tới 3.267 tỷ đồng, song hiệu quả kinh doanh của Masan Meatlife thua xa công ty cùng ngành nghề là Dabaco. Vốn điều lệ của Dabaco hơn 1.040 tỷ đồng song lợi nhuận sau thuế năm 2020 của tập đoàn này lên tới 1.400 tỷ, gấp hơn 3 lần của Masan Meatlife. Trả lời tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư mới đây, Chủ tịch Dabaco (DBC), ông Nguyễn Như So không phủ nhận thông tin có một bên ngỏ ý hợp tác và đã gặp gỡ 2-3 lần. "Tuy nhiên chưa đến được với nhau vì hai bên đều muốn nắm 60%, không ai chịu ai", vị này nói.
Mổ xẻ sâu hơn, theo báo cáo của HĐQT Masan Meatlife, năm qua ngành chăn nuôi heo trong nước vẫn chưa thoát khỏi dịch tả lợn châu Phi (ASF), và giá heo hơi vẫn đứng ở mức cao – thị trường thức ăn chăn nuôi cả nước tiếp tục suy giảm ở mức -18,2%; thị trường thịt cả nước giảm -17,5%!
Sau nhiều năm sụt giảm liên tiếp, tổng sản lượng thức ăn chăn nuôi của Công ty năm 2020 đã tăng trưởng trở lại ở mức +5% so với năm trước đó.
Ngành thịt có doanh thu tăng trưởng +325% so với 2019 nhưng do mở rộng thương hiệu tại 1.606 điểm bán ở cả hai miền Nam Bắc, trên hệ thống VinMart, VinMart+, chuỗi siêu thị Coopmart, BigC, Lotte, Aeon, và các chuỗi bán lẻ hiện đại khác; hệ thống cửa hàng chuyên doanh MEATDeli của Công ty, và các đại lý MEATDeli của đối tác…do đó mảng thịt của Tập đoàn vẫn lỗ hơn 300 tỷ đồng. Con số này đã giảm lỗ so với năm 2019 (mức lỗ 389 tỷ đồng).
Năm 2020, Công ty đã đưa vào vận hành tổ hợp chế biến thịt thứ hai mang tên MEATDeli Sài Gòn có công suất thiết kế là 1,4 triệu con/năm, tương đương 155.000 tấn/năm thịt mát và các sản phẩm chế biến từ thịt.
Masan Meatlife chính thức mở rộng hoạt động sang thị trường thịt gà thông qua việc góp vốn 51% vào Công ty Cổ phần 3F Việt vào tháng 11 năm 2020.
Masan Meatlife đang vay dài hạn hơn 4.000 tỷ trong đó 2.080 tỷ là vay ngân hàng và 1.986 tỷ là trái phiếu thường.
Năm 2021 đặt kế hoạch doanh thu 21.000 – 23.000 tỷ
Năm 2021, Masan MEATLife đặt mục tiêu doanh thu 21.000 – 23.000 tỷ đồng, lợi nhuận ròng thuộc về cổ đông công ty mẹ từ 300- 700 tỷ đồng.
Công ty đặt kế hoạch tăng trưởng doanh thu ngành thịt (bao gồm thịt gà) là 100% so với năm 2020, đóng góp 22% trong tổng doanh thu thuần hợp nhất và phát triển thành công danh mục sản phẩm thịt chế biến. Thức ăn chăn nuôi dự kiến sẽ tăng trưởng 15% và có tiềm năng tăng mạnh nếu việc tái đàn được đẩy nhanh để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước.
Năm 2020, công ty không chia cổ tức cho cổ đông.
Công ty sẽ tổ chức ĐHCĐ vào ngày 1/4/2021 tại khách sạn Hotel de la Coupole, Mgallery Sapa, tỉnh Lào Cai.