Cổ phiếu ngân hàng đang thể hiện phong độ ấn tượng trong những phiên giao dịch gần đây khi là nhóm trụ cột ''gồng gánh'' thị trường chung khi hầu hết các ngành khác đều lao dốc mạnh.
Trước đó, các chuyên gia phân phân tích đến từ nhiều quỹ đầu tư nước ngoài và công ty chứng khoán đều tỏ ra lạc quan về triển vọng ''cổ phiếu vua'' trong năm 2022.
Bàn về nhóm ngành ngân hàng, ông Lê Anh Tuấn Giám đốc chiến lược đầu tư Dragon Capital Việt Nam cho rằng đây là một nhóm ngành rất thú vị. Theo ông Tuấn, chu kỳ ngành tăng giá của ngành ngân hàng xảy ra khi (1) tăng trưởng tín dụng dao động trong khoảng 15-18% (2) lợi nhuận liên tục tăng tốc, lợi nhuận trung bình ngành tăng 30% và tỷ lệ đòn bẩy (3) nợ xấu toàn ngành giảm và xử lý toàn bộ nợ VAMC (4) chia tác cổ phiếu thưởng và có nhiều nguồn lợi nhuận đột biến.
Do đó, chuyên gia đến từ Dragon Capital khẳng định năm 2022 là năm hội tụ đầy đủ những yếu tố tích cực cho ngành ngân hàng. Cụ thể, tín dụng tăng trưởng 15%, nợ xấu giảm mạnh, lợi nhuận tăng 30% cho năm 2022. Bên cạnh đó, ngân hàng còn có nhiều thông tin hỗ trợ lạc quan như: nhiều ngân hàng đang triển khai việc bán vốn chiến lược; lợi nhuận đột biến ghi nhận từ việc bán bảo hiểm độc quyền; dòng tiền được chấp thuận tăng room cho nước ngoài.
"Mức định giá của ngành ngân hàng hiện tại vô cùng hấp dẫn, rẻ hơn 25% so với mức bình quân 3 năm với tỷ lệ P/B 1,6 lần và tỷ lệ P/E 8,7 lần. Dựa vào những yếu tố trên, tôi cho rằng ngành ngân hàng là ngành nhà đầu tư không nên bỏ qua trong năm 2022", ông Tuấn nhận định.
Trong báo cáo mới đây, quỹ ngoại VinaCapital dẫn kết quả điều tra mới nhất của Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong quý IV/2021, các ngân hàng tại Việt Nam đánh giá tình hình kinh doanh có sự cải thiện rõ rệt so với quý III. Các ngân hàng cũng đánh giá tình hình kinh doanh sẽ tiếp tục cải thiện hơn nữa trong quý I/2022 và cả năm 2022.
"Rủi ro tín dụng được kỳ vọng giảm nhẹ trong cả năm 2022 so với năm 2021. Do đó, chúng tôi kỳ vọng cổ phiếu ngân hàng sẽ ghi nhận kết quả tích cực trong năm 2022", nhóm phân tích của VinaCapital đưa quan điểm.
Đánh giá về nhóm cổ phiếu ngân hàng, chuyên gia của Công ty Chứng khoán MB (MBS) dự báo ngành ngân hàng tiếp đà tăng trưởng cao sau gián đoạn bởi dịch Covid-19 do các yếu tố vĩ mô thuận lợi như sự phát triển nhanh của nền kinh tế thị trường tiêu thụ lớn nguồn vốn FDI dồi dào, tình hình chính trị ổn định và việc tham gia vào nhiều hiệp định thương mại tự do,...
Bên cạnh đó, chất lượng tài sản tiếp tục được nâng cao nhờ các chính sách hỗ trợ của NHNN cũng như chiến lược chủ động đảm bảo chất lượng tài sản của nhóm các ngân hàng thương mại. Chuyên gia của MBS kỳ vọng tỷ lệ nợ xấu sẽ cải thiện trong năm 2022 cũng như tỷ lệ bao nợ xấu sẽ tiếp tục được duy trì.
Ngoài ra, NIM tiếp tục được kỳ vọng sẽ gia tăng trong năm 2022 khi mà NHNN tiếp tục chính sách tiền tệ nới lỏng nhằm duy trì lãi suất thấp, qua đó giúp bức tranh lợi nhuận của các ngân hàng trong năm nay khả quan hơn.
Cuối cùng, hoạt động tăng vốn cũng là một trong những điểm nhấn chú ý của ngành trong năm 2022 khi hàng loạt các ngân hàng công bố kế hoạch bán vốn cho các cổ đông chiến lược như VPBank, OCB, VIB…
Nhận định về nhóm cổ phiếu ngân hàng năm 2022, bà Bà Trần Thị Khánh Hiền - GĐ Khối Phân tích VNDirect cho rằng, thị trường chứng khoán vẫn có sự tham gia nhiệt tình của nhà đầu tư trong nước khi tài khoản mở mới tăng cao, giúp duy trì thanh khoản trên thị trường trong năm 2022. Với lượng thanh khoản như vậy, khi nhà đầu tư nhận ra việc đầu tư theo cổ phiếu được hô hào trên các hội nhóm, các doanh nghiệp ít thông tin sẽ rất rủi ro, họ sẽ quay lại các cổ phiếu cơ bản, có công bố thông tin minh bạch thì ngành ngân hàng sẽ được chú ý.
Về hoạt động kinh doanh ngành ngân hàng, bà Hiền nhận định bức tranh tăng trưởng lợi nhuận năm 2022 sẽ thấp hơn 2021 khi phải cân bằng kiểm soát rủi ro và dự báo lợi nhuận chỉ tăng 19%, thấp hơn năm 2021. Tuy nhiên thị trường cũng đã nhận thấy điều này.
Theo chuyên gia VnDirect, việc tăng vốn, nới room ngoại, chuyển sàn có thể dẫn dắt cổ phiếu ngân hàng. Năm 2022, khó có sóng ngành, và sẽ có sự phân hóa, cơ hội không đồng đều, có ngân hàng sẽ tăng vượt bậc
Theo đó, ngân hàng nào có khả năng đẩy mạnh tín dụng, tỷ trọng cho vay cá nhân cao và thu nhập ngoài lãi sẽ có lợi thế trong bối cảnh lãi suất đầu ra giảm, lãi suất đầu vào thì đang có xu hướng nhích lên. Ngoài ra, nào có chất lượng tài sản tốt cũng sẽ có cơ hội trong năm 2022.
''Và tất nhiên, giá cổ phiếu được dự báo sẽ có sự phân hóa mạnh theo tốc độ tăng trưởng lợi nhuận và câu chuyện riêng của từng ngân hàng'', bà Hiền đánh giá.
Trong khi đó, các chuyên gia phân tích Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng việc tăng vốn và kì vọng tăng room ngoại sẽ là chất xúc tác tích cực đối với giá cổ phiếu của các ngân hàng trong năm 2022.
Theo Yuanta Việt Nam, một vài ngân hàng hiện vẫn chưa hợp tác với các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, đồng nghĩa vẫn còn cơ hội để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài cho các ngân hàng đó trong tương lai. Nhóm phân tích không cho rằng điều này sẽ diễn ra ngay lúc này hoặc trong tương lai gần, nhưng đó là điều có thể sẽ diễn ra trong tương lai.
Cùng quan điểm, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo trong quý I/2022, cổ phiếu nhóm ngân hàng quốc doanh được hỗ trợ bởi các câu chuyện chia cổ tức và kì vọng phát hành riêng lẻ đối tác nước ngoài. Trong khi nhóm tư nhân sẽ có điểm rơi về tin tức và tăng trưởng kể từ quý 2 - quý 3/2022.