Michael Marcus là một nhà giao dịch nổi tiếng đại tài của phố Wall. Ông tốt nghiệp ngành tâm lí học từ đại học Clark vào năm 1969. Để có được thành công trên thị trường tài chính, Michael chia sẻ ông thường sử dụng những lí thuyết ngành tâm lí học để áp dụng vào thực tiễn tâm lí đầu tư chính bản thân mình.
Ông chính thức bắt đầu sự nghiệp giao dịch vào năm 1972 trên cả thị trường chứng khoán cơ sở, ngoại hối và chứng khoán phái sinh, và với hợp đồng tương lai mua ván ép đầu tiên đã tăng số tiền kiếm được của ông từ 700 đô la đặt cược lên tới 12.000 đô la. Nối tiếp những thành công sau đó trên thị trường chứng khoán, ông đã ghi tên mình lên trên bảng vàng những nhà đầu tư đại tài phố Wall, & trở thành một siêu sao giao dịch khi biến 30.000 USD thành 80 triệu USD trong thời gian 20 năm, một tỷ suất sinh lời rất lớn trong dài hạn (hơn 50%/năm).
Một trong những câu nói nổi tiếng mà ông thường nhắc tới trong buổi trò chuyện với nhà đầu tư "Nếu bạn coi đầu tư là cuộc sống của bạn, thì đó là một kiểu phấn khích quá độ. Nhưng nếu bạn giữ cho cuộc sống của bạn cân bằng, thì điều đó thật thú vị. Tất cả các nhà giao dịch thành công mà tôi từng gặp gỡ, sớm hay muộn họ cũng đạt tới điểm đó. Họ có một cuộc sống cân bằng; họ có niềm vui bên ngoài giao dịch. Bạn không thể duy trì giao dịch lâu dài nếu bạn không có những điều khác để tập trung. Cuối cùng, bạn stress vì những thất bại tạm thời".
Nói về giao dịch, sẽ luôn có hai loại vốn để bạn bắt đầu cuộc chơi - vốn tài chính và vốn tâm lý. Marcus nói, việc thua lỗ quá nhiều hay trở nên không chắc chắn về hệ thống giao dịch của riêng mình sẽ khoét một vết thương sâu vào tâm lý của bạn.
Đương nhiên, chẳng nhà giao dịch nào muốn điều đó cả. Dù là thua lỗ về tài chính hay là về tâm lý thì cũng sẽ đẩy việc giao dịch tiến gần đến bờ vực. Do đó, nếu muốn kiếm tiền từ thị trường tài chính thì hãy bảo vệ cả hai yếu tố đó thật cẩn thận. Các bước để vượt qua tâm lí thua lỗ và chạm tới thành quả trong đầu tư chứng khoán mà Michael đúc kết được là:
Chấp nhận mất mát và tiếp tục
Trong nhiều thập kỷ, các nhà tâm lý học đã nghiên cứu về phí tổn do tinh thần và cảm xúc gây ra cho các nhà đầu tư. Nghiên cứu của họ đã liên tục chỉ ra rằng sự không chấp nhận, kìm nén cảm xúc và đổ lỗi có thể dẫn đến tổn thất lớn hơn trên thị trường. Hầu hết nhà đầu tư thành công điều phải học cách chấp nhận thất bại của họ và tiếp tục. Và những điều này được thực hiện trong khi còn phải đối phó với căng thẳng, duy trì giao dịch và cắt chuỗi thua lỗ.
Trốn tránh trách nhiệm là một cơ chế tự bảo vệ của bộ não vì bạn luôn tự cho mình một lối thoát và bạn không muốn thừa nhận rằng mình đang làm gì đó sai. Tuy nhiên, nếu bạn không chấp nhận rằng bạn là người chịu trách nhiệm cho sự mất mát, bạn cũng không thấy rằng bạn mới là người có thể xoay chuyển nó.
Chịu trách nhiệm đòi hỏi sự trung thực tận đáy lòng với chính mình và bạn cần phải đối mặt với sự thật rằng bạn đã làm hỏng việc. Nhưng đồng thời, bạn cũng có thể cảm nhận được sức mạnh đi kèm. Khi bạn nhận ra rằng giải pháp hoàn toàn nằm trong tay bạn để xoay chuyển tình hình. Tránh tâm lý là người bị hại.
Điều quan trọng nhất là bạn không nên thay đổi hệ thống giao dịch khi bị thua lỗ.
Nhà đầu tư cần biết rằng việc giao dịch giống như bất kỳ công việc nào khác, nó cần có thời gian để học các kỹ năng. Thay đổi hệ thống hoặc phương pháp liên tục đồng nghĩa với cái chết đối với các nhà đầu tư. Trên thị trường vốn không hề có hệ thống giao dịch nào là Chén Thánh hay cỗ máy in tiền. Mọi thành công hay thất bại đều thuộc về bản thân chính mình.
Sự thay đổi trong cuộc sống có thể là một điều tốt trong nhiều lĩnh vực. Đôi lúc chúng ta cũng nên thay đổi các phương pháp, chiến lược để có thể linh hoạt hơn trong quá trình đầu tư. Tuy nhiên việc thường xuyên thay đổi các chiến lược là dấu hiệu cho sự thất bại. Điều này cũng chứng minh rằng bạn chưa bao giờ nghiêm túc khi đưa ra cách chiến lược một cách khả thi nhất. Mặc dù bạn đang mày mò, cố gắng cải thiện các nhưng chắc chắn kết quả mang lại sẽ rất thấp.
Theo Michael, các nhà đầu tư nên thể hiện sự kiên nhẫn và gắn bó với các chiến lược của mình. Bạn sẽ thấy điều này rất rõ ở các nhà đầu tư hàng đầu. Họ luôn trung thành với chiến lược của họ và thay vì đổi kế hoạch, họ sẽ đương đầu với các vấn đề sẽ phát sinh: "Sai lầm là cần thiết, miễn là nó được kết hợp với những tư duy, suy nghĩ đúng đắn".
Quản trị đồng vốn thật tốt, đừng bao giờ có suy nghĩ đánh bạc
Theo Michael, khi bước vào đầu tư thì việc đầu tiên phải nghĩ tới là quản trị vốn đang có chứ không phải là sẽ kiếm được bao nhiêu lợi nhuận. Có đến 95% nhà đầu tư luôn luôn mua cổ phiếu ở mức giá cao nhất. Lý do đơn giản bởi họ không biết chọn thời điểm nào để mua mà chỉ mua dựa trên tin báo hay những tin đồn được "rò rỉ". Chỉ có 5% nhà đầu tư biết cách chọn lúc mua ở giá thấp. Vì vậy, có đến 95% người bị lỗ và chỉ có 5% người kiếm được lợi nhuận. Đầu tư đúng thì làm giàu, đầu tư kiểu đánh bạc chắc chắn sẽ bị cháy túi.
Sai lầm với suy nghĩ mua lượng lớn cổ phiếu giá thấp thay vì số lượng nhỏ cổ phiếu giá cao
Nhiều người nghĩ rằng sẽ khôn ngoan hơn nếu mua số lượng hàng trăm hoặc hàng nghìn cổ phần. Điều này tạo cho người ta cảm giác rằng họ đang mua được nhiều hơn với số tiền của mình. Tốt hơn họ nên mua 30 hoặc 50 cổ phần có giá cao của những công ty đang thể hiện thành tích tốt. Hãy suy nghĩ theo số tiền mà bạn đầu tư thay vì số cổ phần bạn có thể mua.
Hãy mua mặt hàng tốt nhất có thể, chứ không phải mặt hàng rẻ nhất. Nhiều nhà đầu tư không cưỡng lại nổi trước những cổ phiếu giá "trà đá" nhưng đa số các cổ phiếu được bán ở mức giá thấp đều có lý do giải thích cho sự rẻ mạt của chúng. Hoặc là chúng đã tỏ ra kém cỏi trong quá khứ hoặc là chúng đang gặp rắc rối ngay trong hiện tại.
Chỉ nên đánh đổi tham gia khi chúng ta thực sự biết rõ câu chuyện sắp tới đây của doanh nghiệp hay một thông tin đặc biệt nào đó có độ tin cậy cao. Cổ phiếu cũng như mọi thứ hàng hóa khác: Mặt hàng tốt nhất không bao giờ có mức giá rẻ nhất, hay nói cách nôm na là "tiền nào của ấy".