Trong đầu tư chứng khoán, bất kể dù đầu tư vốn lớn hay nhỏ, dù nhà đầu tư mới hay những nhà đầu tư lão làng với kinh nghiệm chinh chiến lâu năm, nếu không có chính kiến thì sớm muộn gì cũng thất bại. Và chẳng nói đâu xa câu chuyện ngụ ngôn "Đẽo cày giữa đường" chính là một ví dụ điển hình khiến nhiều nhà đầu tư phải suy ngẫm…
Truyện ngụ ngôn đẽo cầy giữa đường
Chuyện kể rằng có một bác nông dân rất nghèo, cả đời sống bằng nghề đồng áng, bác muốn làm một cái cày thật tốt để làm công việc đồng áng năng suất và đỡ vất vả hơn. Một hôm, bác rất vui vì đã xin được một cây gỗ tốt nhưng bác chưa làm cái cày bao giờ, bác bèn mang khúc gỗ ra ven đường ngồi đẽo và hỏi ý kiến mọi người.
Bác đẽo được một lúc thì một người đi qua chê:
– Bác đẽo thế không phải rồi, bác đẽo to quá.
Bác nông dân nghe thấy có lý bèn làm theo. Bác làm được một lúc lại có một người đi qua bảo:
– Bác đẽo thế này không cày được đâu, cái đầu cày bác làm to quá….
Bác nông dân nghe có lý hơn, bác lại chỉnh sửa theo lời khuyên, bác đẽo được một lúc lại một người đi qua nói:
– Bác đẽo thế không ổn rồi, cái cày bác làm dài quá không thuận tay.
Bác nông dân nghe lại có lý hơn, lại chỉnh sửa theo.
Và cuối cùng, hết ngày hôm đấy bác nông dân chỉ còn một khúc gỗ nhỏ, bác không còn cơ hội để đẽo cái cày theo ý mình nữa, cây gỗ quý đã thành một đống củi vụn. Bác buồn lắm nhưng cuối cùng bác đã hiểu: "Làm việc gì cũng vậy, mình phải có chính kiến của mình và kiên trì với một con đường đã chọn."
Có thể thấy cuộc sống của con người chỉ sống có một lần vì thế thật đáng tiếc nếu chúng ta không sống vì mình. Sống chỉ nghe theo ý kiến của người khác sẽ biến chúng ta thành những người thụ động và ỉ lại, thiếu đi sự sáng tạo.
Vì vậy chúng ta hãy trở thành những người vừa có chính kiến chủ quan vừa biết tiếp thu những cái mới một cách có chọn lọc nhất.
Câu chuyện "đầu tư theo phong trào" và bài học rút ra từ chuyện ngụ ngôn
Phần đông những người tham gia thị trường chứng khoán đều tìm cách tránh né những rủi ro và nỗi bất an bằng cách làm theo những gì người khác đang làm, với tâm lý là số đông luôn đúng hay còn gọi những nhà đầu tư tiêu biểu ở nhóm này là những người "đầu tư theo phong trào".
Áp dụng vào câu chuyện ngụ ngôn "Đẽo cày giữa đường" thì họ là những người đẽo cày. Hễ thấy ai nói hay, nói có lý lẽ về mã cổ phiếu thì đầu tư ngay mà chưa kịp tìm hiểu. Điều này chính là nguyên nhân gây ra nhà đầu tư thua lỗ là những người thiếu bản lĩnh, thiếu tính quyết đoán mà chủ yếu mua - bán chứng khoán theo phong trào.
Chúng ta không thể quên câu nói nổi tiếng của nhà đầu tư vĩ đại thế kỷ XX - Ben Graham từng nhận xét rằng: "Đầu cơ cổ phiếu chủ yếu là câu chuyện xoay quanh việc anh A cố gắng nghĩ xem anh B, C và D đang nghĩ gì – trong khi B, C và D cũng cố làm y như thế." Chính vì lẽ đó, việc các nhà đầu tư, đặc biệt những người mới chập chững bước đi những bước đầu tiên vào thị trường thông thường sẽ rất khó tránh khỏi những "cạm bẫy" của việc đầu tư theo suy nghĩ số đông, "đẽo cầy giữa đường", thậm chí lúc ấy các nhà đầu tư của chúng ta sẽ rất khó chạy thoát khỏi sự cuồng loạn đám đông nếu không thực sự được trang bị các kiến thức cũng như kĩ năng cần thiết trước thị trường khốc liệt.
Khi các trào lưu liên tục quay vòng, song các nhà đầu tư vẫn không tránh khỏi vòng xoáy nghiệt ngã của nạn đầu cơ cùng các thảm họa tài chính khác. George Soros lấy câu chuyện ngụ ngôn này và đưa vào đời thực qua một bài phỏng vấn tạp chí của ông, ra mắt năm 1970. Trong buổi chia sẻ quan điểm đầu tư ngày ấy, ông đưa ra các phương pháp như sau:
- Mục đích chính của nhà đầu tư là phải luôn giữ cho đầu óc minh mẫn và tỉnh táo. Do đó, đừng hành động vội vã dựa trên những thông tin cảm tính bên ngoài, đừng giao dịch với khối lượng quá lớn (đòn bẩy quá cao) đến nổi phải lo lắng vì nó và đừng bao giờ bị ảnh hưởng bởi trạng thái của chính mình trên thị trường. Một nhà đầu tư luôn "ngập tràn" cổ phiếu (margin cao) sẽ khó có thể thực hiện theo đúng nguyên tắc của mình đặt ra từ đầu khi họ dễ dàng "ném cổ phiếu qua cửa sổ" khi nghe những thông tin gì đó, hoặc đi hỏi xung quanh nên làm gì với điều đó.
- Việc giá cổ phiếu bị đẩy lên mức cao như thế nào sẽ tùy thuộc vào tình trạng của nền kinh tế, liên quan gián tiếp ở đây là tín dụng, nếu tín dụng được thả lỏng và các ngành kinh doanh càng ngày càng phát đạt thì có thể kỳ vọng vào một đợt tăng kéo dài, nếu tăng trưởng tín dụng không đi kèm với tăng trưởng nội tại của nền kinh tế thì sẽ dẫn đến bong bóng giá tài sản.
- Hoạt động đầu tư trên thị trường tài chính mang nặng yếu tố tâm lý của những người tham gia trên đó, nó không phải là một môn khoa học tự nhiên, vì thế việc cố gắng biến toàn bộ các kỹ năng đầu tư hay đầu cơ thành những điều rõ ràng đến không tưởng cuối cùng cũng sẽ dẫn đến thất bại. Nên nhớ rằng sẽ không có một "chén thánh" bách chiến bách thách nào trên thị trường cả.
- Hãy hành động dựa trên đánh giá của bản thân, không nên nghe ngóng lung tung không chọn lọc, thậm chí nếu quá bận rộn thì mới nên dựa hoàn toàn vào đánh giá của người khác ( ủy thác đầu tư hay đầu tư vào các quỹ đầu tư là những ý tưởng không tồi).
-Khi còn nghi ngờ, hãy rời xa thị trường. Trì hoãn sẽ đỡ tốn kém hơn là thua lỗ. Việc làm rõ những rủi ro và khả năng chấp nhận rủi ro đó thì sẽ có ích hơn nhiều so với việc chỉ quan tâm đến các yếu tố tích cực.
-Sai lầm lớn nhất của 99 trong số 100 người đó là tin tưởng rằng thị trường sẽ còn đi lên khi nó đã ở đỉnh và còn đi xuống khi đã ở đáy. Vì vậy, đừng theo đuổi những gì bạn cho là không còn hợp lý, cho dù lợi nhuận mà bạn mất đi nếu không làm như thế có lớn đến đâu chăng nữa.