Francois Rochon là một doanh nhân, nhà đầu tư và nhà từ thiện nổi tiếng thế giới. Ông được giới tài chính biết tới là quản lý quỹ Giverny Capital nổi tiếng tại đất nước biểu tượng lá phong - Canada. Ông sinh ra, lớn lên tại một ngôi làng ngoại ô. Tới năm 18 tuổi, ông lựa chọn ngành kĩ sư điện tại trường đại học École Polytechnique tại thành phố Montreal.
Sau khi tốt nghiệp đại học, ông vừa học lên tiếp thạc sĩ nghiên cứu đồng thời đi làm kỹ sư mạng cho INRS-Telecom và Teleglobe Canada. Đây chính là 2 công ty viễn thông nổi tiếng tại Canada thuở bấy giờ. Theo đuổi đam mê với ngành kĩ thuật suốt cả quãng tuổi trẻ, việc tới với đầu tư của ông như một cơ duyên khi một người bạn thân của ông đầu tư chứng khoán và qua một cuộc trò chuyện ngẫu hứng, ông thấy thích thú và quyết định tập trung vào tìm hiểu về thị trường tài chính – chứng khoán.
Kể từ năm 1990, ngoài việc làm chính, ông bắt đầu nghiêm túc hỏi học và bước đầu đến với chứng khoán. Năm 1993, ông quyết định xin thôi việc tại công ty viễn thông và chính thức bước vào con đường của một nhà đầu tư chuyên nghiệp. Ông xin việc tại một quỹ đầu tư của Canada và chỉ trong 3 năm sau đó, với vốn kiến thức thực tế tích lũy cũng như sự nhạy bén với thị trường, Rochon đã quyết định mở công ty quản lí quỹ với tên gọi Giverny Capital.
Giverny Capital chủ yếu cung cấp dịch vụ tư vấn đầu tư và quản lý đầu tư cho khách hàng dựa trên triết lý đầu tư của ông là tìm kiếm và sở hữu các công ty xuất sắc trong thời gian dài hạn.
Đối với Rochon, chiến lược mà ông theo đuổi suốt cuộc đời đầu tư và làm việc của mình chỉ đơn giản là "Nếu bạn làm tốt các công đoạn khi mua, thì thời gian bán là… không bao giờ".
Trong suốt quá trình đầu tư, ông cũng chia sẻ chủ yếu đầu tư vào các công ty có vốn hoá lớn và vừa, tuy nhiên phải là công ty có tiềm năng mà ông có thể phân tích được. Trong suốt giai đoạn điều hành quỹ đầu tư kể từ năm 1996, quỹ của ông luôn đạt tỉ suất sinh lời đều đặn xấp xỉ 23 % mỗi năm. Bên cạnh đó lợi nhuận bình quân hàng năm cũng đạt mức hơn 15% trong 20 năm kể từ 1996.
Để có được những thành tích đó, những lời khuyên cụ thể trong đầu tư mà ông chia sẻ như sau:
Coi đầu tư giống như chăm sóc vườn cây ăn quả
Rochon có quan niệm "một danh mục đầu tư giống như một vườn cây ăn quả" và ông thường lựa chọn các cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng cao, đang bị thị trường định giá thấp và sẵn sàng nắm giữ cổ phiếu đó từ 3-5 năm. Và tất nhiên, kỳ vọng rằng tất cả các cây trong vườn đều cho quả đều đặn mỗi năm là điều khá phi lý.
Với ông, một vụ mùa thành công, có thể phải chờ đợi từ 3-5 năm. Khi đầu tư vào một công ty, ông thích những công ty không có hoặc có ít nợ. Ngoài ra, ban giám đốc cũng phải nắm giữ một lượng cổ phiếu nhất đinh để đảm bảo rằng lợi ích của ban giám đốc sẽ gắn liền với lợi ích của các cổ đông khác.
Hãy mua mặt hàng tốt nhất thay vì mặt hàng rẻ nhất
Số đông nhà đầu tư đều nghĩ rằng tốt nhất là nên mua lượng lớn cổ phiếu giá thấp thay vì số lượng nhỏ cổ phiếu giá cao; điều này mang đến cảm giác rằng họ đang mua được nhiều hơn với số tiền của mình. Tuy nhiên đây lại là một suy nghĩ hoàn toàn sai lầm. Tốt nhất là bạn nên mua 30 hoặc 50 cổ phần có giá cao của những công ty đang thể hiện thành tích tốt. Hãy suy nghĩ theo số tiền mà bạn đầu tư thay vì số cổ phần bạn có thể mua.
Hãy mua mặt hàng tốt nhất có thể, chứ không phải mặt hàng rẻ nhất. Nhiều nhà đầu tư không cưỡng lại nổi trước những cổ phiếu giá rẻ nhưng đa số các cổ phiếu được bán ở mức giá thấp đều có lý do giải thích cho sự rẻ mạt của chúng. Hoặc là chúng đã tỏ ra kém cỏi trong quá khứ hoặc là chúng đang gặp rắc rối ngay trong hiện tại.
Chỉ nên đánh đổi tham gia khi chúng ta thực sự biết rõ câu chuyện sắp tới đây của doanh nghiệp hay một thông tin đặc biệt nào đó có độ tin cậy cao. Hãy suy nghĩ đơn giản rằng cổ phiếu cũng như mọi thứ hàng hóa khác, đều theo quy luật tiền nào của ấy và dĩ nhiên mặt hàng tốt nhất không bao giờ có mức giá rẻ nhất.
Đầu tư trong vòng tròn năng lực của bản thân
Khi lựa chọn cổ phiếu ông chỉ lựa chọn trong vòng tròn năng lực của bản thân. Điều quan trọng không phải là vòng tròn năng lực đó nhỏ hay lớn mà biết giới hạn của vòng tròn năng lực của mình và bạn chỉ đi trong đó.
Bước ra khỏi vòng tròn năng lực, bạn dễ dàng đưa ra những quyết định thua lỗ và sai lầm. Trên thị trường, để có được lợi nhuận cao hơn người khác, bạn phải có kiến thức tốt hơn về doanh nghiệp mà bạn đầu tư. Để thành công, bạn chỉ nên chăm chăm vào các công ty mà bạn có thể hiểu và đánh giá tốt. Hoặc là thuần phương pháp cơ bản, hoặc là thuần kĩ thuật, hãy lựa chọn cổ phiếu trong tầm hiểu biết của bản thân.
Biết khi nào cần bán
Rochon đã từng nói: "Nếu bạn làm tốt các công đoạn khi mua, thì thời gian bán là… không bao giờ". Có thể nhà đầu tư thông thường vốn luôn muốn tìm lí do để nghĩ tốt cho doanh nghiệp mà mình lựa chọn đầu tư, tuy nhiên không phải lúc nào thực tế cũng đúng.
Do đó ông khuyên với mỗi nhà đầu tư khi quyết định bán cổ phiếu thì lý do bán cũng nên hài hòa với lý do mua, những lý do mua không còn giá trị thì nên cân nhắc bán. Nói cách khác, khi mắc sai lầm trong phân tích hay triển vọng kinh doanh xấu đi thì đó là thời điểm để bán.Một điều nữa để bán đối với những nhà đầu tư có nguồn vốn giới hạn, là bán để mua những cơ hội khác tốt hơn.