Jesse Lauriston Livermore là một trong những thiên tài đầu tư có sức ảnh hưởng lớn nhất trên thế giới. Nhắc tới ông, bất cứ nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường chứng khoán nào trên thế giới đều ít nhất nghe qua một lần về nhà đầu cơ khét tiếng này với biệt danh "Con gấu vĩ đại của phố Wall".
Giới đầu tư đều biết đến Livermore như một nhà đầu tư liều lĩnh nhất trong thời đại bởi cách ông dám đầu cơ một lượng lớn cổ phiếu hoặc hàng hóa. Livermore đã đầu tư và sống theo đúng phương châm "Thà một phút huy hoàng rồi vụt tắt, còn hơn buồn le lói suốt trăm năm".
Tiểu sử Livermore
Jessie Livermore vốn được sinh ra ở thị trấn South Acton, tiểu bang Massachusetts vào năm 1877 trong một gia đình nhà nông nghèo khó. Là con trai của một chủ nông trại, ông đã bỏ học sớm khi mới chỉ học hết cấp 2, và chuyển đến Boston nơi ông trở thành nhân viên quèn của công ty Chứng khoán Paine Webber . Công việc này đòi hỏi ông phải cập nhật các thông tin về giá của cổ phiếu, trái phiếu và các loại hàng hóa trên bảng lớn bằng phấn.
Trong quá trình làm việc của mình, Livermore ghi nhận được sự biến động của giá cả, ông cũng đã nhận xét được rằng giá cả thường thay đổi theo chiều hướng có thể đoán được. Ông đã sớm kết luận rằng có thể chiến thắng được thị trường, và rằng ông có thể kiếm được một số tiền lớn.
Với mức lương quá thấp không đủ sống, Livermore dành dụm một số tiền nhỏ để giao dịch ở các quán chợ đen (bucket shop). Về sau, tiền kiếm được từ các khoản đầu cơ qua chợ đen vượt trội với mức lãi chênh lệch lên tới 70-80% bằng vài tháng tiền công đi làm đã khiến Livermore đưa ra quyết định nghỉ việc và chính thức trở thành một đầu cơ toàn thời gian. Khi chỉ mới vừa tròn tuổi 17, ông đã kiếm được hơn 1 ngàn Đô la Mỹ– số tiền này có thể được cân nhắc là khá lớn vào thời điểm hiện nay.
Khi mới vào tuổi 20, Jesse Livermore chuyển đến New York. Tại New York, Livermore đã khởi đầu sự nghiệp của ông mà hiện được nhìn nhận như một nhà kinh doanh vĩ đại nhất của mọi thời đại.
Vào năm 1906 ông nhận được một lời mách nước rằng nên đầu tư bán khống cổ phiếu của Union Pacific, và ông đã thực hiện một thương vụ khá lớn. Cổ phiếu của Union tăng giá, và Livermore đã thực sự gặp phải rắc rối.
May mắn thay, trận động đất ở San Francisco đã khiến cho cổ phiếu Union Pacific mất giá thảm hại, và đem lại cho Livermore khoản lợi nhuận 250.000 đô la Mỹ. Sự kiện này cũng đem lại cho ông một bài học rõ ràng về sự nguy hiểm của việc nghe theo các lời mách nước một cách mù quáng.
Năm 1907, khi cả thị trường chứng khoán Mỹ rơi vào trạng thái "call margin" – nhiều người cho rằng là cả thị trường đã vĩnh viễn ra đi, không còn một lực mua nào nữa. Khi ngài J.P.Morgan tập hợp các ông chủ nhà băng lại và tập hợp nguồn dự trữ để mua lại các ngân hàng yếu kém, Livermore đã chớp thời cơ có một không hai này và mua cổ phiếu trên diện rộng – ông đã kiếm được 1 triệu USD chỉ trong một ngày.
Ông cũng là người thực hiện nhiều vụ đầu cơ cổ phiếu thép, dầu khí và dần trả hết nợ vay cho các chủ nợ trước đây. Đến năm 1923, ông lập quỹ đầu cơ riêng, tạo việc làm cho hơn 60 người và bí mật viết cuốn tiểu sử huyền thoại "The Reminiscene of a Stock Operator" – một trong những quyển bán chạy nhất lúc bấy giờ. Từ năm 1923 đến cuộc Đại khủng hoảng , Livermore đã kiếm hàng chục triệu USD từ đầu cơ hàng hóa như lúa mạch và ngô.
Và thương vụ thành công cuối cùng là khi ông quyết định bán khống một lượng lớn vào tháng 10/1929. Trong vỏn vẹn chỉ một ngày "Thứ ba đen tối", tài sản của Livermore đã đạt 100 triệu USD trong khi cả quốc gia Mỹ rơi vào hoảng loạn; ông chính thức trở thành một huyền thoại bán khống lớn nhất bấy giờ.
Sau phi vụ để đời này, ông đã không ngần ngại chi rất nhiều tiền để mua biệt thự, máy bay, du thuyền, ô tô hạng sang và cả những mối quan hệ nhập nhằng với nhiều cô gái. Chính sự đắm chìm trong cuộc sống vương giả hào nhoáng sa hoa của ông là tiền đề cho một chuỗi bi kịch cuộc đời sau này khi càng ngày Livermore càng từ bỏ đi các quy tắc của chính bản thân ông.
Năm 1940, vì không chịu nổi áp lực từ đầu tư và cuộc sống, sau 3 lần phá sản sau chuỗi thành công huy hoàng, ông đã dùng súng bắn vào đầu tự sát. Nghiệt ngã thay khi chính thị trường chứng khoán, nơi mà Livermore đã dành cả cuộc đời để đánh bại, cuối cùng đã quật ngã ông.
Sau này khi ông mất, trong một cuốn hồi ký được tìm thấy, Livermore đã chia sẻ hai điều ông tâm đắc nhất trong cuộc đời đầu tư của chính mình:
1. Đối thủ nặng kí nhất chính là bản thân ta – Biết học cách tự kiểm soát trong đầu tư
Livermore sau những thành công chóng vánh và những lần gục ngã đau đớn, ông luôn cho rằng đối với một nhà đầu tư thì đối thủ nặng ký nhất chính là bản thân họ. Đôi khi ta luôn tự cho và tự tìm chứng cứ rằng những quyết định đầu tư của chúng ta là đúng, và ta có khả năng tự kiểm soát bản thân. Chúng ta cũng có bản năng tự nhiên là đấu tranh để học cách sinh tồn. Tất cả những cảm xúc và bản năng này có thể kết hợp lại để cung cấp cho chúng ta sự thành công trong giao dịch từ nay về sau. Tuy nhiên, trong phần lớn các thời gian, cảm xúc của chúng ta thường dẫn chúng ta đến việc đầu tư thua lỗ nếu ta không học cách tự kiểm soát.
Sẽ là lý tưởng nếu chúng ta có thể tách bản thân ra khỏi cảm xúc. Nhưng không may là điều này không thể và thực ra chỉ có 1 số ít trong các cảm xúc của chúng ta có thể thực sự hữu dụng trong giao dịch.
Cách tốt nhất là là bạn phải học cách để hiểu bản thân như là một nhà giao dịch. Xác định điểm mạnh, điểm yếu của mình và sử dụng lấy một kiểu giao dịch được cho là tốt nhất đối với bạn. Để trở nên thành công, nhà đầu tư nào cũng biết rằng mình cần phải học cách duy trì sự kỷ luật và học cách kiểm soát cảm xúc của chính mình, cũng như suy nghĩ của bản thân. Ngành công nghiệp này trong hàng chục năm đã chứng kiến rất nhiều sự thất bại của Trader vì một lý do thường gặp là để cảm xúc can thiệp quá nhiều vào các quyết định giao dịch
2. Tính kỷ luật trong đầu tư
Thiên tài đầu tư Jesse Lauriston Livermore đã từng nhận định: "Một nhà đầu tư thiếu kỷ luật sẽ không bao giờ có thể thành công trên thị trường chứng khoán". Đầu tiên có thể nêu ra đó là hay thay đổi. Những nhà đầu tư thuộc kiểu này thường rất hay nghe ngóng và đi thay đổi phương pháp giao dịch của họ. Họ không nhận ra rằng để sử dụng hiệu quả một hệ thống giao dịch cần phải có thời gian. Nếu bản thân nhà đầu tư không bám sát một hệ thống hay phương pháp giao dịch đủ lâu, thử nó một vài tuần thấy ổn, rồi khi nó hoạt động không tốt ở một điều kiện thị trường nào đó là họ lại đi tìm một phương pháp mới và rồi cứ thế luẩn quẩn trong cái vòng tròn mà chính bản thân tự tạo ra.
Hãy nhớ rằng không có một phương pháp giao dịch nào hoạt động hiệu quả trên tất cả các điều kiện thị trường. Việc của ta là hãy kiên trì theo đuổi phương pháp mà bản thân lựa chọn một cách kỷ luật, nhận ra những điều kiện thị trường nào mà khi đó phương pháp giao dịch hoạt động không hiệu quả để hạn chế và đưa ra biện pháp khắc phục. Đừng nghe ngóng và tin theo bất cứ ai, hãy cứ " Follow your systems", đi theo phương pháp đầu tư của bản thân, ghi chép và đúc kết lại bài học sau mỗi giao dịch "Ta lãi vì sao, ta mất vì nguyên do gì…" rồi từ đó đúc kết và rút kinh nghiệm cho những lần giao dịch sau.