Israel Englander (sinh năm 1948) là một tỷ phú, nhà quản lý quỹ và nhà từ thiện người Mỹ nổi tiếng của nước Mỹ.
Ông là người đứng đầu cửa Millennium Management - là một trong những quỹ đầu tư thành công trên thế giới. Quỹ của ông được ghi nhận là đã biến 7 triệu đô la vốn khởi nghiệp thành hơn 39 tỷ đô la vào cuối những năm 2019.
Theo Forbes, tạp chí này công bố giá trị tài sản ròng thực tế của ông ước tính là 7.2 tỷ đô la vào năm 2020. Israel Englander được biết tới là một trong những nhà quản lí quỹ đầu tư có thu nhập cao trong top 5 nhà quản lí quỹ nổi tiếng của phố Wall.
Nhắc về tuổi thơ, ông vốn sinh ra trong một gia đình người Do Thái gốc Ba Lan ở khu phố nghèo của Brooklyn. Lớn lên trong một gia đình tôn giáo tị nạn, ba mẹ làm tự do nay đây mai đó không quan tâm tới con cái, sống trong cảnh nghèo suốt cả tuổi thơ đã khiến Englander từ sớm đã nhận thức được con đường học hành là cánh cửa duy nhất để vươn lên thoát khỏi đói nghèo và tủi nhục trong cuộc sống.
Hồi còn trẻ, ông thường xuyên dành thời gian rảnh rỗi của mình cho việc đọc sách, ông thường một mình ngồi cả ngày trước những cuốn sách đa dạng các thể loại. Trùng với giai đoạn thị trường chứng khoán Mỹ đang có những bước phát triển mạnh mẽ, Englander sớm bị cuốn hút bởi lợi nhuận và những công thức tính toán phức tạp trên thị trường chứng khoán.
Sau khi tốt nghiệp phổ thông, Englander đăng kí học ngành cử nhân tài chính tại trường đại học New York. Trong thời gian đi học, ông đi làm thêm quét dọn tại sở giao dịch chứng khoán New York. Chính quãng thời gian làm thêm ở đây đã nuôi dưỡng cho giấc mơ được trở thành nhà quản lí quỹ và đầu tư sau này.
Năm thứ 2 đại học, khi tích được số vốn nhỏ, ông chính thức bắt đầu mở tài khoản và đầu tư cổ phiếu khi còn đang trên giảng đường. Sau khi ra trường, công việc đầu tiên mà Englander được nhận là trở thành chuyên viên tư vấn tài chính chứng khoán của Wall Kaufman, Alsberd & Co. Nhờ đầu tư một vài phi vụ thành công nên vào năm 1977, ông và người bạn cộng sự John Mulheren thành lập công ty môi giới và tư vấn đầu tư đầu tiên mang tên Englander & Co.LTD.
Năm 1989, ông bắt đầu gia nhập và quản lí quỹ Millennium Management cùng với người đồng nghiệp Ronard Shear, người mà ông quen biết thời làm tạp vụ tại sở chứng khoán hoa kì. Năm 1991, quỹ gặp khó khăn và người bạn cộng sự của ông rời đi. Kể từ đó, Englander tiếp quản quỹ và phát triển đến bây giờ. Tính đến hiện tại, quỹ của ông quản lí 39.2 tỉ đô la vào tạo công ăn việc làm cho hơn 3.000 nhân viên tại các văn phòng ở Hoa Kỳ, châu Âu và cả châu Á.
Trong khi phần lớn quỹ phòng vệ đi ngang hoặc chỉ nhích lên chút xíu trong những năm nền kinh tế khó khăn, thì Millennium luôn giữ được mức tăng trưởng đáng ngạc nhiên. Báo cáo tài chính hàng năm cho thấy, Quỹ luôn có lãi, chỉ trừ năm khủng hoảng tài chính 2008 giảm khoảng 4% - thấp hơn nhiều so với mức suy giảm chung 20% của các quỹ phòng vệ khác.
Về phong cách làm việc, trong những năm gần đây Englander lựa chọn những chuyên viên biết kiếm tiền và ngay lập tức sa thải những ai không hiệu quả. Ở trong guồng máy đó, các chuyên viên đầu tư, nhà phân tích và các nhà giao dịch (traders) vận động với một tốc độ và một khối lượng giao dịch lớn mà hiếm quỹ phòng vệ nào đạt được.
Về khía cạnh này, Englander - nhà tỷ phú người Do Thái có vẻ không giống với một nhà quản lý quỹ, mà giống với một nhà điều hành kinh doanh tài giỏi hơn, khi hoạt động của bộ máy dựa vào khả năng của ông trong việc tuyển dụng chuyên viên giỏi và bơm tiền cho họ một cách hiệu quả. Ông đã chính thức không còn can thiệp sâu vào việc chọn cổ phiếu đầu tư kể từ 10 năm trước.
Và thực tế đã chứng minh được bản thân ông là một nhà đầu tư khôn ngoan bậc nhất, tạo ra nguồn lợi nhuận vững chắc và đồ sộ, đồng thời gây dựng nên đế chế quỹ đầu tư Millennium vững mạnh cho tới tận bây giờ. Mặc dù ít khi chia sẻ và được nhiều người nhận xét là người lạnh lùng, tuy nhiên trong 1 cuộc phỏng vấn với Forbes vào 5 năm trước, nguyên tắc đầu tư mà ông chia sẻ chỉ gói gọn trong 2 điều dưới đây:
Lợi nhuận không phải là tất cả
Trong khi các nhà đầu tư chỉ quan tâm đến một thứ duy nhất là lợi nhuận thì Englander lại tập trung vào sự cân bằng hiệu quả giữa rủi ro và lợi nhuận. Điều này được so sánh thông qua chỉ số hiệu quả quản lý (ER), trong đó lấy lợi nhuận thường niên chia cho tỷ lệ rủi ro hàng năm. Nếu ER càng cao thì chứng tỏ hoạt động của công ty càng hiệu quả.
Với chiến lược cân bằng lệnh mua bán trên thị trường, chỉ có bình quân 1/5 số tiền của nhà đầu tư trong quỹ đầu tư này có khả năng bị lỗ. Tỷ lệ này thấp hơn nhiều so với mức 100% có khả năng lỗ theo lý thuyết trong chỉ số S&P 500.
Theo ông, nhà đầu tư thường không hay để ý đến những quỹ tài chính cân bằng lợi nhuận-rủi ro khi thị trường đi lên. Tuy nhiên, trong giai đoạn thị trường sẽ không tăng trưởng mạnh như trước đây và khi đó những quỹ này sẽ thu hút nhiều sự chú ý hơn.
Nhờ nguyên tắc này mà khi thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm, quỹ đầu tư của ông có lãi không nhiều hoặc thua lỗ cũng rất ít. Nhưng khi thị trường tăng điểm thì giá trị danh mục đầu tư thường tăng mạnh hơn.
Bài học rút ra là lợi nhuận là thứ quan trọng để đánh giá một quyết định đầu tư có hiệu quả hay không, nhưng lợi nhuận nhiều hay ít lại là một câu chuyện khác. Đầu tư không phải một trận đánh chớp nhoáng, đó là một cuộc chiến dài hơi mà trên chiến trường đó, thắng một trận không có nghĩa bạn là người làm chủ tất cả.
Khi thị trường lên, những người lãi lớn có thể khiến bạn ghen tị, nhưng khi đà giảm xuất hiện có thể bạn sẽ cảm thấy may mắn khi không mất nhiều tiền như họ. "Bạn không thể biết ai đang bơi mà không mặc quần cho đến khi thủy triều xuống".
Không theo phần lớn số đông
Một trong những quan điểm đầu tư của Englander là nhà đầu tư dễ mắc sai lầm khi mua cổ phiếu mà hầu hết thuộc sở hữu của các tổ chức đầu tư tài chính.
Theo nhà quản lý quỹ này, những cổ phiếu loại đó thường đắt đỏ và có nhiều người mua, nhưng cũng sẽ dễ bị các quỹ đầu tư từ bỏ một cách bất ngờ. Ngay trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, các quỹ đầu tư đã đổ tiền vào cổ phiếu ngành năng lượng và hàng hóa chính. Nhưng khi khủng hoảng năm 2008 diễn ra, những tổ chức tài chính này buộc phải bán tài sản nhằm hoàn trả tiền cho các nhà đầu tư đang hoảng sợ bởi tình hình thị trường, giá cổ phiếu những ngành trên đã giảm mạnh hơn mức giảm chung.
Tất nhiên, việc chọn một cổ phiếu sẽ căn cứ vào nhiều yếu tố, đó có thể là những chỉ báo trong phân tích kỹ thuật hay những yếu tố nội tại của doanh nghiệp, thay vì chỉ nhìn vào việc ai đang nắm giữ cổ phiếu đó. Tuy nhiên, nguyên tắc mà ông vẫn thường nhắc nhở nhân viên là cân bằng giữa lợi nhuận và rủi ro, và yếu tố đó là một trong những rủi ro mà ông quan tâm.