Ban Quản lý Quỹ Vắc-xin phòng COVID-19 (Bộ Tài chính) cho hay, tính tới 11h ngày 5/7, tổng tiền quỹ kết dư đạt hơn 8.045 tỷ đồng (gồm ngoại tệ quy đổi). Đây là số tiền ủng hộ của 360.857 tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, vẫn còn 19 tổ chức, đơn vị cam kết ủng hộ quỹ nhưng chưa chuyển tiền (hoặc mới chuyển một phần), tổng số tiền chưa chuyển theo cam kết hơn 145 tỷ đồng.
Về chi quỹ, Thủ tướng đã có quyết định cấp bổ sung hơn 7.650 tỷ đồng cho Bộ Y tế để mua và sử dụng 61 triệu liều vắc-xin phòng COVID-19. Trong đó, nguồn từ ngân sách nhà nước hơn 5.100 tỷ đồng, nguồn chi từ Quỹ vắc-xin hơn 2.550 tỷ đồng.
Trong 61 triệu liều vắc-xin phòng COVID-19 Bộ Y tế dự kiến mua có 30 triệu liều vắc-xin AstraZeneca (mua lại hợp đồng của VNVC), và 31 triệu liều vắc-xin do Pfizer sản xuất.
Với số tiền kết dư còn lại của Quỹ Vắc-xin phòng COVID-19, Ban quản lý quỹ cho hay, đã thực hiện đấu thầu gửi ngân hàng để lấy lãi bổ sung vào quỹ. Theo đó, đã có tổng cộng 5.600 tỷ đồng gửi tại 4 ngân hàng cổ phần nhà nước qua đấu thầu. Trong đó, có 1.600 tỷ đồng gửi kỳ hạn 1 tháng với lãi suất 3%/năm), 4.000 tỷ đồng gửi kỳ hạn 3 tháng với lãi suất 3,3%/năm.
Dự kiến, sắp tới Ban quản lý quỹ tiếp tục đấu thầu để gửi ngân hàng thêm 1 kỳ hạn, căn cứ theo số dư quỹ và nhu cầu sử dụng mua vắc xin từ Bộ Y tế. Việc gửi ngân hàng này căn cứ theo quyết định thành lập Quỹ của Thủ tướng, khi số dư có thể được gửi ngân hàng để vừa đảm bảo an toàn vừa lấy lãi tăng kết dư quỹ.
Theo tính toán của Bộ Y tế, để đạt miễn dịch cộng đồng, Việt Nam cần mua 150 triệu liều vắc xin phòng COVID-19 để tiêm cho khoảng 75 triệu người, với tổng nhu cầu kinh phí ước khoảng 25.200 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách trung ương dự kiến bố trí khoảng 16.000 tỷ đồng, ngân sách địa phương chi và huy động đóng góp từ cộng đồng khoảng 9.200 tỷ đồng.
Như vậy, tới nay dù chưa tính phần ngân sách địa phương, riêng tiền ủng hộ từ cộng đồng đã gần đạt ngưỡng mục tiêu đề ra.