Ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) khẳng định như vậy khi trao đổi với Dân Việt.
Để giữ đà tăng trưởng ngành nông nghiệp năm 2020 ở mức 2,9-3%, Bộ NN&PTNT quyết định điều chỉnh tốc độ tăng giá trị sản xuất chăn nuôi tăng từ 4,15% lên 4,69% (tăng 0,54%). Ông đánh giá gì về khả năng thực hiện chỉ tiêu này, nhất là khi dịch đang chồng dịch trong lĩnh vực chăn nuôi như hiện nay?
Về triển vọng, năm 2020 ngành chăn nuôi sẽ thuận lợi hơn so với các năm để mức tăng trưởng ngành chăn nuôi có thể tăng cao hơn, đặc biệt là so với năm 2019.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT). Ảnh: K.Lực
Hiện nay, tất cả các sản phẩm chăn nuôi đang có đầu ra tốt, không chỉ thị trường trong nước mà còn hướng ra xuất khẩu, ít chịu tác động của dịch corona. Trong đó, các ngành hàng thịt lợn, gia súc ăn cỏ như: thịt bò, trâu, dê, cừu, sữa… chúng ta đang thiếu và giá vẫn cao.
Tôi cho rằng, giá thịt lợn ở các nước xung quanh và Việt Nam trong năm 2020 còn ở mức cao. Giá này rất có lợi cho người chăn nuôi; chính nó sẽ kích thích quá trình tái đầu tư, tái cơ cấu ngành và tái đàn để mở rộng đàn lợn.
Vấn đề thứ hai kiểm soát dịch bệnh của chúng ta giờ tương đối tốt, trừ dịch cúm gia cầm đang xuất hiện. Trong khi đó, nhiều các doanh nghiệp lớn đã đầu tư vào chăn nuôi, nhiều hộ chăn nuôi chuyên nghiệp sau khi bị khủng hoảng dịch tả lợn Châu Phi lúc này có nhu cầu mở rộng, tái đầu tư để người ta tranh thủ thời cơ giá tốt để tăng thêm thu nhập.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đi kiểm tra tái đàn lợn tại Phú Thọ. Ảnh: K. Lực
Như ông vừa nói, việc kiểm soát dịch bệnh giờ tương đối tốt, song đến nay chúng ta vẫn chưa có vaccine phòng dịch tả lợn Châu Phi. Trong việc tái đàn lợn, Cục Chăn nuôi lưu ý những vấn đề gì để kiểm soát an toàn dịch bệnh và thị trường đầu ra?
Trước hết, chúng ta không chủ quan, lơ là kiểm soát dịch tả lợn Châu Phi và những dịch bệnh khác như lở mồm long móng, bệnh tai xanh…
Hệ thống chuồng trại hiện đại trong dân rất lớn, chúng ta nên động viên các hộ chăn nuôi có đủ điều kiện về chăn nuôi chuyên nghiệp quay lại tái đàn lợn. Chúng ta có giải pháp về giống, vốn cho họ. Đây là lực lượng rất lớn, không chỉ cung cấp thực phẩm mà còn là giải quyết công ăn việc làm. Ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi |
Thứ hai, có nhiều biện pháp, chính sách cụ thể để đẩy mạnh sản xuất, cung ứng con giống. Khó khăn lớn nhất của việc tái đàn lợn hiện nay chính là vấn đề giống.
Rất nhiều hộ không còn nái, họ phải mua giống của các hộ khác, các trang trại hoặc các công ty thì giá hiện nay rất cao, từ 1,8-2,5 triệu đồng một con giống 7kg.
Hiện nay, giá lợn đang ở mức 75.000-80.000 đồng/kg, nhưng chúng ta xác định khoảng 3-5 tháng nữa thì không còn giá này. Khi tái đàn lợn, giá giống quá cao như vậy người nuôi sẽ không có lời, chưa kể họ còn không có tiền để mua con giống.
Các doanh nghiệp thì không nói, nhưng các hộ chăn nuôi tôi đi kiểm tra có hộ có thể nuôi được 200 lợn thịt bây giờ chuồng vẫn trống. Nếu người ta đưa vào nuôi 200 lợn với mức giá 2 triệu đồng/con thì đầu tư hết 400 triệu đồng. Rõ ràng, một lúc bỏ 400 triệu đồng đối với một hộ chăn nuôi là khó. Chúng ta phải có giải pháp hỗ trợ tín dụng cho họ vay để đầu tư vì lợn còn thiếu.
Đối với chăn nuôi gia cầm thì sao khi gần đây dịch cúm gia cầm đang xuất hiện ở một số địa phương?
Theo tôi, có 2 vấn đề phải chú ý đối với chăn nuôi gia cầm. Chú ý lớn nhất đúng là kiểm soát dịch cúm gia cầm, bởi nguy cơ rất cao. Hiện nay, mật độ chăn nuôi đang rất lớn. Tôi đi nhiều vùng, nhà nào cũng chăn nuôi, một cánh đồng vịt, một cánh đồng ngan chứ không phải lúa, trắng hết cả đồng.
Quy mô đàn gia cầm quá lớn thì có 2 cái khó: Một là kiểm soát dịch bệnh, nhất là cúm gia cầm; Thứ hai, chúng ta phải chú ý thị trường.
Nếu chúng ta không điều chỉnh nhịp đẻ và chu kỳ sản phẩm để tránh sản phẩm cao điểm trong những tháng mùa hè (từ tháng 5-7), nhu cầu thực phẩm không lớn thì nguy cơ sẽ gây ra khủng hoảng thừa, khó tiêu thụ sản phẩm.
Chúng tôi đang tính phát triển gia cầm tăng từ 15-16%, nhưng cần điều chỉnh nhịp đẻ, chu kỳ sản xuất để cho sản phẩm lớn nhất vào quý III, quý IV/2020 nhằm giữ mức tăng trưởng và không gây xáo trộn lớn về thị trường.
Ông đánh giá dịch viêm phổi do virus corona (Covid-19) ảnh hưởng như thế nào đến lĩnh vực chăn nuôi?
Để thúc đẩy chăn nuôi tăng trưởng nhanh, chúng ta phải có nguồn thức ăn chăn nuôi đáp ứng số lượng, chất lượng và giá phải chăng. Vừa rồi dịch cúm do virus corona ảnh hưởng tới việc nhập khẩu một số nguyên liệu có nguồn gốc từ Trung Quốc, thức ăn bổ sung có một số khó khăn phát sinh.
Cùng với đó, một số tàu hàng lớn quá cảnh qua Trung Quốc cũng gặp khó khăn, sẽ ảnh hưởng tới số lượng và phát sinh thêm chi phí thức ăn chăn nuôi sẽ tăng.
Xin cám ơn ông!