Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2018, ông Sebastian Eckardt, Quyền Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhận định Việt Nam đã tăng trưởng mạnh trên nhiều lĩnh vực. Tăng trưởng GDP cao nhất trong khu vực và cao hơn cả tăng trưởng GDP trung bình trên thế giới. Tuy nhiên, theo ông, trong trung và dài hạn, Việt Nam cần phải nỗ lực hơn nữa để đạt được những mục tiêu đề ra.
Trí thức trẻ đã có cuộc trao đổi với ông Sesbastian Eckardt về các chính sách trong năm 2017 và những triển vọng, thách thức trong tương lại.
Năm 2017, tỉ lệ nợ công của Việt Nam giảm xuống còn 61,3% GDP, con số này có làm ông bất ngờ?
Nếu như bạn nhìn vào dự báo năm ngoái, chúng tôi nghĩ rằng không dễ để Việt Nam giảm nợ công nhanh đến vậy. Chính phủ đã làm rất tốt để cắt giảm nợ công. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn nhiều cơ hội cải thiện bội chi ngân sách. Trong quá khứ Việt Nam đã từng giảm bội chi ngân sách bằng giảm chi đầu tư, vì vậy tôi nghĩ cần phải tập trung giải quyết những khoản chi đầu tư không hợp lý để đầu tư hiệu quả hơn.
Việt Nam vẫn cần đầu tư cho cơ sở hạ tầng, giao thông, năng lượng... bởi xuất khẩu, sản xuất tăng trưởng nhanh thì cần thêm nhiều đường xá và năng lượng. Hơn nữa, Việt Nam cần tạo cơ hội cho tư nhân tham gia đầu tư các lĩnh vực này. Với những công trình Nhà nước đầu tư vẫn có thể yêu cầu hỗ trợ từ khu vực tư nhân.
Ông đánh giá như thế nào về nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc cải cách môi trường kinh doanh trong năm 2017?
Chính phủ hiện tại đang rất tập trung nỗ lực cải cách thủ tục hành chính. Chính phủ đã loại bỏ nhiều thủ tục để tạo điều kiện thuận lợi cho các quy trình mà doanh nghiệp phải thực hiện. Rõ ràng có những thứ đang được cải thiện. Ví dụ, bạn có thể thấy Việt Nam đã tăng bậc trong Báo cáo Doing Business (Báo cáo xếp hạng môi trường kinh doanh của World Bank). Điều đó phản ánh môi trường kinh doanh đang tốt lên.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn nhiều việc phải làm để đáp ứng được tiêu chuẩn của ASEAN, tiến tới là đáp ứng các tiêu chuẩn của OECD. Ví dụ, nộp thuế ở Việt Nam vẫn tốn nhiều thời gian hơn so với Malaysia. Việc loại bỏ các thủ tục thì dễ dàng hơn so với những cải cách sau này, Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa.
Ông nhận định như thế nào về các thách thức trong ngắn hạn và dài hạn mà Việt Nam sẽ phải đối mặt?
Trong ngắn hạn, Việt Nam đang làm rất tốt. Năm ngoái, năm nay và 3 - 5 năm nữa, Việt Nam vẫn đi rất nhanh do lợi thế của vị trí địa chính trị, lực lượng lao động... Những gì chúng ta thấy trong năm ngoái có thể tiếp diễn trong năm nay, nền kinh tế có thể tăng trưởng khoảng 6 - 7%.
Tuy nhiên, thách thức nằm ở trung hạn. Khi thu nhập bình quân đầu người cao gấp đôi hiện nay, dao động khoảng 6.000 - 7.000 USD, Việt Nam có thể mất đi các lợi thế hiện tại. Khi đó Việt Nam phải nâng cao năng suất lao động, lao động phải có kỹ năng tốt, cơ sở hạ tầng phải có chất lượng cao.
Vậy theo ông, Việt Nam có thể làm gì để chuẩn bị cho những thách thức đó?
Đến nay Việt Nam vẫn đang làm rất tốt, nhưng càng phát triển thì các thách thức cũng trở nên khó khăn hơn. Bởi vì những lợi thế ban đầu đã được tận dụng hết, vì vậy Việt Nam không chỉ cần có nguồn nhân lực chất lượng mà còn phải cải thiện môi trường thể chế. Từ đó, doanh nghiệp có nâng cao năng suất, các ý tưởng mới được đưa ra, doanh nghiệp tiếp cận được với vốn, nhân lực, đất đai.
Đó là một môi trường kinh doanh mà Nhà nước điều phối sự phát triển thay vì cản trở phát triển bằng các quy định không phù hợp. Vì vậy tạo lập môi trường thể chế để các doanh nghiệp có thể thành lập và mở rộng quy mô, thu hút nhân lực và tạo việc làm là điều rất quan trọng cho nền kinh tế Việt Nam. Đặc biệt là doanh nghiệp trong nước vì hiện nay nhiều thành tựu của Việt Nam là do thu hút được vốn FDI.
Theo ông, điều gì sẽ là động lực tăng trưởng cho năm 2018?
Tôi nghĩ nhiều xu hướng năm ngoái sẽ tiếp tục trong năm nay. Chúng tôi kỳ vọng tiêu dùng trong nước tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ. Bên cạnh đó, lĩnh vực xuất khẩu, sản xuất, nông nghiệp tiếp tục mở rộng trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục được cải thiện. Động lực ở đây là sự kết hợp giữa tiêu dùng trong nước và nhu cầu từ nước ngoài thúc đẩy sản xuất.
Trong năm nay, World Bank sẽ có những dự án hay chương trình gì để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam?
Chúng tôi có sự hợp tác sâu sắc với Chính phủ Việt Nam trên cả phương diện hỗ trợ tài chính và phi tài chính. Chúng tôi có nhiều chương trình liên quan đến cơ sở hạ tầng, giao thông, năng lượng, nguồn nước, phát triển nông thôn, nông nghiệp, hỗ trợ y tế giáo dục. Bên cạnh đó chúng tôi còn hỗ trợ tư vấn. Chúng tôi làm việc với Chính phủ như một đối tác, một người bạn để tìm ra những chính sách tốt cho, đem lại kinh nghiệm quốc tế cho Việt Nam. Chúng tôi có đối thoại chính sách về lĩnh vực, tài chính, thương mại, chính sách tài khóa và kinh tế vĩ mô.