Năm 2005, Bộ Tài chính Mỹ đã cáo buộc Ngân hàng Banco Delta Asia (BDA) có trụ sở ở Macau thực hiện hành vi rửa tiền cho Triều Tiên, khiến cho người gửi tiền lo lắng, các ngân hàng khác thì tránh xa và chính quyền Macau phải vào cuộc. Bộ Tài chính Mỹ sau đó còn cấm các thể chế tài chính của nước này nắm giữ các tài khoản giao dịch ở BDA, qua đó cắt đứt mọi quan hệ của ngân hàng này với hệ thống tài chính Mỹ.
Macau nằm cách Washington, DC hơn 8.000 dặm, nhưng cũng không thể thoát khỏi tầm ảnh hưởng của đồng USD. Sự thống lĩnh của "đồng bạc xanh" phán ảnh cái mà giới chuyên gia kinh tế vẫn gọi là ngoại ứng mạng (network externalities): càng có nhiều người dùng thì nó càng trở nên hữu ích với những người còn lại. Một người có chấp nhận đồng USD hay không phụ thuộc vào việc người khác có chấp nhận đồng USD từ họ hay không.
Đồng USD còn được hưởng lợi từ mô hình "trục bánh xe và nan hoa" trong trao đổi ngoại tệ, hoạt động viết hóa đơn trong thương mại và thanh toán quốc tế. Nếu mọi người đều sử dụng đồng tiền của nước mình để trao đổi trực tiếp với nhau, thì thế giới phải cần đến hơn 11.175 thị trường hối đoái, nhưng hệ thống này sẽ được tối giản hơn nhiều, xuống còn khoảng 149 thị trường nếu hoạt động trao đổi ngoại tệ được thực hiện thông qua đồng USD.
Tương tự, nếu mỗi ngân hàng quốc tế đều có tài khoản ở New York, thì bất cứ ngân hàng nào cũng có thể chuyển tiền cho nhau thông qua cùng một trung tâm tài chính. Chuyên gia Jarrett Blanc của Công ty Carnegie Endowment đã ví von hệ thống tài chính toàn cầu như một hệ thống thoát nước và tất cả các đường ống đều phải chạy qua New York.
Nhờ điều này mà Bộ Tài chính Mỹ có quyền trừng phạt và tài phán cực lớn. Nhiều công ty không mua hay bán hàng hóa ở Mỹ nhưng vẫn phải thực hiện thanh toán hay thu tiền thông qua New York. Vì những giao dịch này thông qua các thể chế tài chính Mỹ, nên Bộ Tài chính nước này có thẩm quyền xét xử khi các ngân hàng của Mỹ đang xuất khẩu dịch vụ tài chính cho những người vi phạm. Không những thế, Washington còn có thể đánh vào những điểm yếu của các công ty.
Đối với nhiều doanh nghiệp, bị cô lập khỏi hệ thống tài chính Mỹ còn đáng sợ hơn là bị cắt đứt khả năng tiếp cận với khách hàng Mỹ. Chẳng hạn như mới đây, Bộ Tài chính Mỹ đã đe dọa sẽ tịch thu các khoản tiền USD thanh toán cho Rusal, một trong những nhà sản xuất nhôm lớn nhất thế giới của Nga, khiến tập đoàn này điêu đứng và làm chao đảo cả thị trường nhôm toàn cầu.
Sự việc của Rusal và quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran của Tổng thống Donald Trump đã làm dấy lên những lo ngại rằng Mỹ có thể lạm dụng quyền lực của mình, từ đó có thể khiến chính phủ các nước khác và các thể chế tài chính cân nhắc việc thay đổi "hệ thống thoát nước" nói trên.
Tuy nhiên, không phải tất cả các giao dịch bằng đồng USD đều có thể phải chịu sự xét xử của Mỹ. Chẳng hạn như các công ty có thể tiến hành các khoản thanh toán lớn ở Tokyo, Hong Kong và những nơi khác. Nhưng các hệ thống tài chính này lại khá eo hẹp. Trong khi vào năm 2017, mỗi ngày hai hệ thống thanh toán lớn của Mỹ là Fedwire và CHIPS xử lý lượng giao dịch trị giá 4.500 tỷ USD, thì hệ thống của Hong Kong, vận hành thông qua Ngân hàng HSBC, chỉ xử lý được 0,8% số đó. Hơn nữa, để thu hút các công ty, các hệ thống tài chính cũng cần phải có khả năng điều chuyển các khoản tiền bằng đồng USD ra vào hệ thống tài chính Mỹ khi cần thiết. Chẳng hạn Ngân hàng HSBC có khả năng xử lý các giao dịch bằng đồng USD ở New York và điều này làm tăng khả năng thanh khoản của hệ thống tài chính Hong Kong.
Trung Quốc đang nuôi dưỡng hệ thống thanh toán quốc tế của riêng mình, dựa trên đồng nhân dân tệ (NDT). Bắc Kinh có thể yêu cầu Tehran chấp nhận đồng NDT để đổi lấy các hợp đồng xuất khẩu dầu. Chắc chắn là việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran đã làm tăng hoạt động giao dịch các hợp đồng dầu kỳ hạn Thượng Hải bằng đồng NDT mà Trung Quốc mới ra mắt gần đây. Tương tự, Nga và Trung Quốc ngày càng có xu hướng thanh toán hàng hóa cho nhau bằng đồng tiền của nước mình, hơn là đồng USD. Theo Ngân hàng trung ương Nga, năm 2017, nước này đã thanh toán 15% hàng nhập khẩu từ Trung Quốc bằng đồng NDT.
Chính sách kiểm soát vốn của Trung Quốc và quá trình phân tán về địa lý của hoạt động tài chính tại châu Âu đã làm các đồng tiền của họ giảm khả năng trở thành đối thủ của đồng USD. Tuy nhiên, khi mà nền kinh tế Trung Quốc dường như đã được định sẵn là sẽ vượt kinh tế Mỹ, thì sẽ không có chuyện đồng tiền của nước này cứ mãi đứng sau "đồng bạc xanh". Và dù chưa có một liên minh kinh tế nào "ngang tài ngang sức" với vị thế của Mỹ trong hệ thống tài chính, nhưng họ cũng có thể tự thiết lập những mạng lưới tài chính đủ lớn để duy trì hoạt động thương mại với các công ty Nga bị liệt vào danh sách đen của Washington hay những nước như Iran.
Tuy nhiên, thoát được phạm vi tài phán của Mỹ không có nghĩa là thoát khỏi quyền lực của nền kinh tế lớn nhất thế giới này. Kể cả khi các công ty không thực hiện các khoản thanh toán qua lãnh thổ của nước Mỹ, thì "chú Sam" vẫn có thể ban hành các lệnh cấm "thứ cấp" hay ngoài lãnh thổ nước này, như từ chối làm ăn với các công ty có giao dịch với những cái tên nằm trong danh sách đen. Để đẩy lùi mối đe dọa đó, chính phủ các nước sẽ phải tự tìm cho mình những ngân hàng, nguồn cung và khách hàng có thể tồn tại mà hoàn toàn không cần đến Mỹ.
Banco Delta Asia đã sống sót sau cú tấn công của Mỹ nhờ sự hỗ trợ của chính quyền Macau. Nhưng ngân hàng này vẫn chưa thuyết phục được Bộ Tài chính Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm tiếp cận hệ thống tài chính của nước này. Nhưng vẫn còn một khe hở hẹp, và BDA vẫn chưa hoàn toàn bị cắt đứt mọi liên hệ với đồng USD, khi người ta vẫn có thể đổi 820 pataca để lấy một tờ 100 USD có chữ ký của một vị cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ.