Xung quanh một số vi phạm của Tập đoàn Lã Vọng tại những dự án “tai tiếng” trên địa bàn thành phố Hà Nội thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ giao Thanh tra Chính phủ thành lập Đoàn thanh tra liên ngành có sự tham gia của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng thanh tra toàn diện các dự án nêu tại Văn bản số 62/BC-UBND ngày 5/3/2018 của UBND TP Hà Nội; kết luận đầy đủ, chính xác, khách quan về các vấn đề liên quan và kiến nghị xử lý theo đúng quy định của pháp luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 1/12/2018.
Được biết đến với chuỗi nhà hàng Lã Vọng, tuy nhiên những năm gần đây Tập đoàn Lã Vọng đã lấn sân sang lĩnh vực bất động sản (BĐS). Sở hữu hàng loạt khu “đất vàng” tại Hà Nội nhưng tập đoàn này lại "dính" đầy rẫy sai phạm. Đơn cử như dự án New House Xa La, New House City (Ngôi nhà mới) tại Quốc Oai, dự án Louis City, Nhà hàng Lã Vọng trên bán đảo hồ Đống Đa…
Trên thực tế sau gần 10 năm, dự án New House City vẫn “ngổn ngang”. Năm 2017, dự án của tập đoàn Lã Vọng cũng nằm trong danh sách mà Bộ Tài chính đề nghị Thanh tra Chính phủ rà soát dấu hiệu không thực hiện đúng mục đích đầu tư, có dấu hiệu vi phạm pháp luật về đất đai và xác định tiền sử dụng đất, tiền thuê đất chưa sát với giá trị thị trường làm thất thu ngân sách Nhà nước.
Dự án New House Xa La có tổng mức đầu tư 500 tỷ đồng
Tiếp đến là dự án New House Xa La tọa lạc tại vị trí ”đắc địa” của quận Hà Đông. Đây là dự án BĐS được hình thành bởi sự hợp tác đầu tư giữa một doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước (Cty TNHH MTV Đầu tư Phát triển Thủy lợi Sông Nhuệ) và một doanh nghiệp tư nhân (Cty CP Thương mại Ngôi Nhà Mới – Cty con của Tập đoàn Lã Vọng). Dư luận từng hoài nghi về việc vì sao Tập đoàn Lã Vọng lại có thể dễ dàng thâu tóm diện tích “đất vàng” để triển khai dự án BĐS này trong khi đây vốn là đất trụ sở làm việc của Cty TNHH MTV Đầu tư Phát triển Thủy lợi Sông Nhuệ.
Không chỉ vậy, Tập đoàn Lã Vọng có hoạt động kinh doanh nhà hàng tại khu Trung Hòa – Nhân Chính, đây được xem là một trong những khu “đất vàng” tại Hà Nội. Mặc dù được quy hoạch cụ thể để làm bãi đỗ xe, trồng cây xanh kết hợp với dịch vụ công cộng để nhằm giải quyết tình trạng thiếu bãi đỗ xe trầm trọng tại khu đô thị Đông Nam đường Trần Duy Hưng, nhưng nhà hàng Lã Vọng vẫn “vô tư” tồn tại và hoạt động nhiều năm nay trên khu đất này.
Đặc biệt, nhà hàng Lã Vọng trên bán đảo hồ Đống Đa đã bị UBND TP Hà Nội yêu cầu kiểm tra và xử lý triệt để. Cụ thể, một phần trong tổng diện tích 5.600m2 đất (gồm 4 khu vực) của dự án đầu tư khu vui chơi giải trí bán đảo hồ Đống Đa đã được Cty CP Đầu tư và Phát triển Hà Thủy - Chủ đầu tư dự án sử dụng không đúng mục đích. Trong đó, khu được phê duyệt để xây mới công trình vui chơi giải trí và dịch vụ tổng hợp lại được cho thuê để kinh doanh nhà hàng mang biển hiệu “Lã Vọng”.
Và không thể bỏ qua là Dự án Louis City với rất nhiều nghi vấn xung quanh việc hợp đồng BT (hợp đồng xây dựng – chuyển giao) giữa UBND TP Hà Nội và Tập đoàn Lã Vọng có sự chênh lệch diện tích đất khá lớn (từ 9,9ha thành 13,83ha) và nhiều dấu hiệu sai phạm gây thất thoát tài sản Nhà nước.
Theo một diễn biến gần đây, Tập đoàn Lã Vọng đã công bố nội dung thay đổi đăng ký doanh nghiệp. Theo đó, ông Lê Văn Vọng đã không còn là Tổng Giám đốc, người đại diện pháp luật cho Tập đoàn Lã Vọng. Thay cho vị trí của ông Vọng là ông Đỗ Minh Đàm – chức vụ Tổng giám đốc sẽ là người đại diện pháp luật cho Tập đoàn Lã Vọng. Đặc biệt, cả 3 cổ đông sáng lập ra Tập đoàn Lã Vọng gồm ông Lê Văn Vọng, ông Lê Văn Hải và bà Đặng Thị Như Trang đồng loạt thoái toàn bộ vốn tại Tập đoàn Lã Vọng từ 18/1/2018. Hiện chưa rõ cơ cấu cổ đông tại Tập đoàn Lã Vọng ra sao.
Mới đây, ngày 27/7/2018, Thanh tra Chính phủ đã có Quyết định số 687/QĐ-TTCP về việc thanh tra toàn diện các dự án của Cty CP Thương mại và Dịch vụ Lã Vọng và các đơn vị thành viên trên địa bàn Hà Nội. Tại Điều 1 của Quyết định nêu rõ: Thanh tra toàn diện các dự án của Cty CP Thương mại và Dịch vụ Lã Vọng và các đơn vị thành viên trên địa bàn Hà Nội trong việc chấp hành các quy định của pháp luật theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 5387/VPCP-V.I ngày 7/6/2018 của Văn phòng Chính phủ. Thời hạn thanh tra là 70 ngày làm việc, kể từ ngày công bố quyết định thanh tra (không tính ngày lễ, ngày nghỉ theo quy định).
Liên quan đến hàng loạt dấu hiệu vi phạm của Tập đoàn Lã Vọng, Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục theo dõi và thông tin tới bạn đọc.