Nước Mỹ vừa có thêm một động thái chưa từng có, hạ sốc lãi suất xuống 0% trước kỳ họp chính thức và bơm thêm hàng trăm tỷ USD. Đây là quyết định đúng theo mong đợi của ông Donald Trump nhưng thế giới lo sợ.
Hạ lãi suất xuống 0% trong 2 tuần
Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vừa có thêm một quyết định chưa từng thấy trong lịch sử: giảm mạnh lãi suất và giảm trước một cuộc họp chính sách. Đây là một động thái bất ngờ nữa và nó khiến giới đầu tư lo lắng, không biết triển vọng kinh tế Mỹ như thế nào.
Cụ thể, đêm qua (giờ Việt Nam), Fed đã quyết định hạ lãi suất cơ bản bớt 100 điểm phần trăm từ mức 1-1,25% xuống 0-0,25% - bằng đúng với mức thấp nhất mà Ngân hàng Trung ương Mỹ áp dụng trước cuộc khủng hoảng tài chính 2008.
Bên cạnh đó, Fed sẽ mua trái phiếu và chứng khoán đảm bảo thêm ít nhất 700 tỷ USD, nhằm bơm tiền giải cứu nền kinh tế khỏi những tác động của dịch Covid-19 đang hoành hành và lan rộng lên tới 160 nước trên thế giới, trong đó có Mỹ.
Trước đó, hôm 3/3, Cục Dự trữ liên bang Mỹ cũng đã bất ngờ đảo chiều chính sách, cắt giảm lãi suất 50 điểm phần trăm từ mức 1,5 - 1,75% xuống 1% - 1,25% nhằm khẩn cấp hỗ trợ nền kinh tế Mỹ trước nguy cơ suy giảm tăng trưởng do dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19.
Fed cắt giảm lãi suất bớt 100 điểm phần trăm xuống 0-0,25%. |
Trong tuần qua, Fed cũng đã bơm thêm 1.500 tỷ USD vào thị trường tài chính, thông qua việc mua các tài sản tài chính, trong một nỗ lực lớn nhằm bơm tiền vào thị trường trái phiếu giữa lúc thị trường Phố Wall đang hoảng loạn và biến động chưa từng có trong lịch sử, tăng giảm 1000-2000 điểm thường xuyên và khó lường.
Trong ngày 12/3, Fed đã mua lại trái phiếu kho bạc và các chứng khoán khác từ các ngân hàng và thương nhân với tổng trị giá 500 tỷ USD. Sau đó, Fed lại mua 1.000 tỷ USD vào ngày 13/3 nhằm giải quyết sự gián đoạn bất thường trên thị trường tài chính kho bạc.
Như vậy, thay vì đợi đến cuộc họp 18/3, Fed đã có 2 lần cắt giảm lãi suất với mức độ cao hiếm thấy. Trong hơn một thập kỷ trước đó, Fed có nhiều lần tăng và giảm lãi suất nhưng mỗi lần chỉ 25 điểm phần trăm và mỗi lần cắt giảm đều được thực hiện trong các cuộc họp chính sách định kỳ và cách nhau nhiều tháng.
Đây là lần đầu tiên trong hơn một thập kỷ qua, Fed đưa ra quyết định cắt giảm lãi suất trong những cuộc họp bất thường và mức độ cắt giảm cao gấp 2-4 lần so với trước đó.
Hai quyết định cắt giảm lãi suất lần này cũng chính thức xác nhận chính sách mới của Fed: tiếp tục nới lỏng mạnh chính sách tiền tệ, thay vì như trước đó đã cân nhắc tới việc nâng lãi suất trở lại sau khi kinh tế Mỹ có nhiều dấu hiệu tích cực.
Chứng khoán tương lai của Mỹ giảm mạnh sau quyết định lịch sử. |
Động thái mới của Fed được đưa ra trong bối cảnh tâm lý lo ngại về suy thoái toàn cầu bao trùm các nhà kinh tế và giới đầu tư kể từ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố cấm tất cả các hoạt động đi lại từ châu Âu tới Mỹ trong vòng một tháng để ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan.
Donald Trump hài lòng, thế giới lo ngại
Cũng như các quyết định cắt giảm lãi suất trước đó, quyết định lần này đến trong bối cảnh tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục gây sức ép, tấn công Fed vì không hạ lãi suất nhanh hơn và sâu hơn.
Ngay hôm thứ Bảy, ông Trump tiếp tục chỉ trích Fed vì đã không hành động nhanh, trong bối cảnh thị trường chứng khoán Mỹ siêu biến động do giới đầu tư lo ngại về triển vọng của kinh tế Mỹ trước những tác động của dịch Covid-19.
Trước đó, ông Trump cho rằng, Chủ tịch Fed Jerome Powell mới có thể khắc phục “vấn đề” của ngân hàng trung ương này. Ông Trump cũng so sánh tình hình lãi suất “quá cao” ở Mỹ với chính sách lãi suất âm ở châu Âu.
Ông Donald Trump cấm các chuyến bay từ châu Âu tới Mỹ. |
Hồi đầu tháng 10/2019, ông Trump gọi Fed là “kẻ thù tồi tệ nhất”, là những người “chẳng biết gì hết” và là “thủ phạm” gây ra sự suy giảm tệ hại nhất trong 10 năm của ngành sản xuất Mỹ...
Ông Trump cho rằng, Fed đã tăng lãi suất quá nhanh trong năm 2018 (4 lần với tổng mức nâng 100 điểm phần trăm) và không hạ lãi suất đủ mạnh trong năm 2019. Trước áp lực của ông Trump, trong năm 2019, Fed đã có 3 lần giảm lãi suất (sau 1 thập kỷ lãi suất theo một chiều tăng lên sau khủng hoảng 2008), mỗi lần hạ 25 điểm cơ bản xuống mức 1,5-1,75%/năm.
Tuy nhiên, cuối 2019 và đầu 2020, Fed đã phát đi tín hiệu cho biết có thể sẽ ngừng cắt giảm lãi suất thêm nữa. Nền kinh tế Mỹ được cho là chịu ảnh hưởng không lớn từ dịch cúm đang bùng phát ở châu Á. Đây có thể là lý do khiến Fed có thêm thời gian để cân nhắc.
Nhưng dịch Covid-19 đã nhanh chóng làm thay đổi quan điểm chính sách của Fed với 2 lần giảm sốc trong tháng 3/2020.
Phản ứng với quyết định này của Fed, ông Trump cho biết đây là một bước tiến lớn. Vị tổng thống thứ 45 của Mỹ rất vui và muốn chúc mừng Fed.
Với quyết định của Fed, nước Mỹ đã chính thức tham gia sâu vào cuộc đua hạ lãi suất đang diễn ra trên phạm vi toàn thế giới. Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) hôm 11/3 đã cắt 50 điểm phần trăm, đưa lãi suất cơ bản từ mức 0,75% xuống 0,25%/năm; Ngân hàng Canada (BoC) hôm 5/3 đã cắt giảm mạnh lãi suất 50 điểm cơ bản xuống 1,25%.
Các lần cắt giảm lãi suất của Fed. |
Mặc dù vậy, quyết định sốc của Fed chưa trấn an được giới đầu tư. Chứng khoán tương lai của Mỹ mở cửa đầu tuần mới đã giảm sâu tới 900 điểm. Giá vàng tăng nhanh trở lại. Đồng USD giảm sâu. Chứng khoán châu Á tiếp tục chao đảo. Giới đầu tư lo ngại các biện pháp khẩn cấp là không đủ để đối phó với những thiệt hại mà dịch Covid-19 gây ra cho nền kinh tế.
Hơn thế, các quyết định dồn dập của nhà tạo lập chính sách khiến giới đầu tư lo lắng, không biết triển vọng kinh tế Mỹ như thế nào.
Nền kinh tế Mỹ nói riêng và thế giới nói chung đang đứng trước nguy cơ suy giảm mạnh về cả cung và cầu. Dịch bệnh khiến nền kinh tế Mỹ bị ảnh hưởng nặng nền khi mà mọi thứ từ các hoạt động thể thao, du lịch, nhà hàng, vận tải, sản xuất… đều bị đình trệ. Doanh thu của cộng đồng doanh nghiệp bị ảnh hưởng và một lượng lớn việc làm bị đe dọa, thậm chí là cắt giảm.
Trong buổi họp báo, Chủ tịch Fed Jerome Powell nhấn mạnh rằng Fed sẽ không áp dụng chính sách lãi suất âm như một số nước đang sử dụng.
Như vậy, cho tới thời điểm hiện tại, Fed gần như đã dùng tới vũ khí lớn nhất có trong tay, hạ lãi suất xuống 0%, và không còn nhiều dư địa chính sách tiền tệ để đối phó thêm với một cú sốc nào nữa. Nhiều người lo ngại, đà tăng trưởng kỷ lục đã kéo dài 11 năm sẽ sớm kết thúc và thay vào đó là suy thoái. Đây cũng là một tín hiệu không mấy sáng sủa cho ông Donald Trump trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng sắp tới.
M. Hà