Dù đã ban hành liên tiếp 3 quyết định cưỡng chế nhưng Cục Thuế tỉnh Quảng Bình vẫn chưa thể thu 220 tỉ đồng nợ quá hạn trong tổng số 451 tỉ đồng mà Tập đoàn FLC nợ tiền thuê đất. Số nợ thuế quá hạn 220 tỉ đồng này là của Dự án Trung tâm hội nghị, khách sạn, du lịch nghỉ dưỡng và biệt thự nghỉ dưỡng FLC Quảng Bình. Dự án này được tỉnh Quảng Bình cho thuê đất trả tiền một lần, khác với những dự án còn lại được trả hằng năm.
Thời điểm UBND tỉnh phê duyệt giá đất và ban hành thông báo nộp tiền là đầu tháng 1/2022. Theo quy định, Tập đoàn FLC phải trả 50% tổng số tiền thuê đất, chậm nhất trong 30 ngày đầu tiên và 50% còn lại chậm nhất trong 90 ngày. Tuy nhiên, phía Tập đoàn FLC không thực hiện đúng quy định. Quá thời hạn 90 ngày, số tiền thuê đất này vẫn chưa được thanh toán. Ông Đoàn Vỹ Tuyến, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Quảng Bình cho biết, đơn vị ban hành liên tiếp 3 quyết định cưỡng chế gửi đến các ngân hàng liên quan đến Tập đoàn FLC để trích tiền từ tài khoản của Tập đoàn FLC chuyển về ngân sách tỉnh Quảng Bình, hiện đã có 2 ngân hàng chuyển về ngân sách nhà nước 21 tỷ đồng.
“Vừa rồi tiếp tục cưỡng chế từ 29/7 cho đến 29/8, tức là hết thời hạn mà không nộp thì ban hành cưỡng chế. Nếu sau 3 lần cưỡng chế mà không nộp thì sẽ đề nghị ở Hà Nội cưỡng chế hóa đơn. Theo thứ tự, ví dụ 1 hình thức cưỡng chế tài khoản phải 3 lần trở lên khi đó mới đề xuất tiếp, nếu không được nữa thì đề xuất các giải pháp tiếp theo”- ông Tuyến nói.
Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã có văn bản gửi Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình đề nghị chỉ đạo các cơ quan liên quan cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến 10 dự án FLC ở Quảng Bình. Các dự án này, gồm: Dự án Trung tâm hội nghị khách sạn, du lịch nghỉ dưỡng và biệt thự nghỉ dưỡng FLC Quảng Bình; Dự án Khu biệt thự nghỉ dưỡng FLC Hải Ninh; Dự án Công viên động vật hoang dã FLC Quảng Bình; Dự án Sân golf FLC Quảng Bình… Thời hạn Bộ Công an yêu cầu tỉnh Quảng Bình cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến các dự án nói trên được giới hạn trước ngày 30/7.