Theo Phó tổng thống Bharrat Jagdeo, Guyana, quốc gia có nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới, đang cố gắng ngăn chặn làn sóng dầu mỏ dồi dào mang lại tác dụng phụ không mong muốn.
Chính phủ muốn bảo vệ đất nước khỏi "căn bệnh Hà Lan". Đây là một thuật ngữ chỉ nghịch lý của nền kinh tế khi phải gánh chịu tai ương từ một tin tốt như phát hiện nguồn tài nguyên thiên nhiên lớn. Theo đó, sự bùng nổ tài nguyên dẫn đến sự mất cân bằng kinh tế và suy giảm trong các lĩnh vực khác.
Trong cuộc phỏng vấn trên Bloomberg hôm 19/4, Ông Jagdeo khẳng định: "Chúng tôi quyết không đi theo con đường đó. Đó là lý do tại sao đa dạng hóa nền kinh tế là rất quan trọng vào thời điểm này".
Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nền kinh tế Guyana sẽ tăng trưởng 47% trong năm nay. Đó là mức tăng cao hơn mức 20% năm 2021 và 43% trong năm 2020.
Đất nước 800.000 dân có biên giới giáp Brazil và Venezuela đang biến đổi nhờ các mỏ dầu lớn ngoài khơi do công ty Exxon Mobil Corp phát hiện vào năm 2015.
Năm 2021, chính phủ đã thông qua luật để thành lập quỹ đầu tư quốc gia (SWF) và tăng cường cường đầu tư cho giáo dục, y tế và cơ sở hạ tầng, nhằm đảm bảo các nguồn lực không bị lãng phí.
Phó tổng thống cho biết quốc gia duy nhất tại Nam Mỹ có ngôn ngữ chính thức là tiếng Anh này cũng đang xem xét dẫn nguồn lực vào một công ty dầu khí quốc gia để tìm kiếm đối tác chiến lược.
Ông Jagdeo cho biết sản lượng dầu sẽ tăng lên khoảng 800.000 thùng/ngày vào năm 2025. Điều đó có nghĩa là Guyana có thể vượt Kuwait trở thành nhà sản xuất dầu bình quân đầu người lớn nhất thế giới.
Cho đến gần đây, Guyana hoàn toàn không sản xuất dầu thô, mặc dù nước láng giềng Venezuela có trữ lượng lớn nhất thế giới.
Theo IMF, tổng sản phẩm quốc nội hàng năm sẽ tăng lên hơn 16 tỷ USD vào năm tới, gấp 3 lần mức tăng năm 2020.
Nguồn: Bloomberg