Ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, HAG) vừa đăng ký bán ra 75 triệu cổ phiếu HAGL Agrico (HNG), tương đương giảm tỷ lệ sở hữu từ 36,55% xuống còn 29,78% vốn - tương ứng hơn 330 triệu cổ phần.
Giao dịch được thực hiện thông qua phương thức thoả thuận, mục đích cơ cấu khoản nợ tại ngân hàng. Thời gian giao dịch dự kiến từ 5/2-5/3/2021.
Cùng thời gian trên, bầu Đức cũng đăng ký bán ra gần 22 triệu cổ phần tại HAGL (HAG), giảm sở hữu từ mức 36,85% xuống mức 34,5%, tương ứng còn nắm giữ 320 triệu cổ phần.
Giao dịch được thực hiện theo phương thức thoả thuận, mục đích tái cơ cấu tài chính.
Tổng giá trị dự kiến bầu Đức thu về cho 2 thương vụ trên là 968 tỷ đồng.
Được biết, sau 2 năm tái cơ cấu với sự hỗ trợ từ Thaco, bầu Đức đã giảm được phần lớn nợ vay. Dù vậy, áp lực nợ tại HAG và HNG vẫn còn khá lớn. Theo đó, quyết định cuối cùng được công bố tại ĐHĐCĐ bất thường ngày 8/1, bầu Đức chính thức rút lui khỏi HAGL Agirco, nhường lại cho Thaco cầm lái.
Công ty HNG đã thông qua phương án chào bán gần 741,5 triệu cổ phiếu theo phương thức riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược là Thaco, giá 10.000 đồng/cp. Trong đó, 550 triệu cổ phiếu sẽ chào bán để hoán đổi nợ, gần 191,5 triệu đơn vị còn lại mục tiêu bổ sung vốn hoạt động.
Hiện tại, HNG đang có vốn điều lệ 11.085 tỷ đồng, nhóm HAG đang sở hữu hơn 496 triệu cổ phiếu, tương ứng 44,8% vốn và nhóm Thaco sở hữu 38,2% vốn. Nếu thực hiện tăng vốn thành công, vốn điều lệ của công ty sẽ tăng lên 18.500 tỷ đồng, đồng thời tỷ lệ sở hữu của nhóm HAG tại HNG sẽ giảm xuống còn khoảng 24,3% cổ phần.
Bày tỏ với cổ đông, bầu Đức cho biết đây là phương án tốt nhất để HNG tiếp tục phát triển. Sinh ra công ty, bản thân ông mong muốn để HNG phát triển mạnh, chứ không thể èo uột mãi. Với số tiền thu về từ phát hành cũng như bán tài sản (4 công ty), HNG sẽ giảm hết được nợ vay, phần còn lại sẽ bổ sung vốn lưu động để phát triển mảng cây ăn trái, nuôi bò: tạo nền tảng cho hệ sinh thái nông nghiệp theo hướng công nghệ cao theo định hướng của Thaco.
Về phía bầu Đức, HAG những năm tiếp theo cũng đặt mục tiêu hàng đầu là trả hết nợ vay, sau đó sẽ phát triển kinh doanh.
Luỹ kế cả năm 2020, HAG ghi nhận doanh thu 3.105 tỷ đồng, tăng so với mức 2.092 tỷ năm ngoái. Khấu trừ chi phí, HAG lỗ sau thuế 2.175 tỷ, lỗ ròng 1.201 tỷ đồng – trong khi năm 2019 có lãi ròng trở lại với 190 triệu đồng.
Theo giải trình, giá bán sản phẩm bị ảnh hưởng bởi Covid-19 dẫn tới lỗ gộp 168 tỷ trong quý 4/2020 (mảng cây ăn trái lỗ lớn), chưa kể Công ty cũng ghi nhận dự phòng theo nguyên tắc thận trọng trong bối cảnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, chi phí lãi vay vẫn ở mức cao.
Trong đó, HAG cũng đã thực hiện điều chỉnh hồi tố theo ý kiến kiểm toán tại BCTC 2018, 2019, liên quan đến các khoản phải thu ngắn & dài hạn tồn đọng. Đến nay, trong bối cảnh hoạt động SXKD bị ảnh hưởng nặng bởi Covid-19, Ban Tổng Giám đốc HAG đã thực hiện theo nguyên tắc thận trọng, rà soát lại số liệu quá khứ liên quan đến ước tính và dự phòng giá trị thu hồi các khoản phải thu. Công ty theo đó quyết định điều chỉnh hồi tố BCTC hợp nhất 2019 bằng cách trích lập dự phòng cho năm 2020, nhằm không tiếp tục nhận ý kiến ngoại trừ của kiểm toán viên.
"Trong tương lai, khi các dự án và tài sản làm cơ sở đảm bảo cho phát triển và tăng giá trị thì các khoản dự phòng này có thể được hoàn nhập dần", phía HAG cho biết thêm.