“Vào nơi đây, có thể mua đôi giày Adidas chỉ với giá 200 ngàn đồng hoặc chiếc điện thoại Vertu chỉ với 760 ngàn đồng, thay vì giá hàng chính hiệu ở mức cao hơn 800 triệu đồng”, ông Khuê minh chứng.
Ngày gần cuối tháng 11-2017, khi vào Google, cho từ khóa “nước hoa hàng hiệu” để tìm mua một chai nước hoa “ngoại” tặng người thân nhân ngày sinh nhật, chúng tôi thật sự giật mình khi có đến trên 2,260 triệu kết quả có liên quan. Nhấp chuột vào một vài địa chỉ nghĩ rằng tin cậy nhất, chúng tôi lại lạc vào “mê hồn trận” khi thấy có rất nhiều loại nước hoa “ngoại” nổi tiếng thế giới nhưng giá bán luôn khác nhau, thậm chí chênh lệch gấp nhiều lần.
Tang vật của một vụ sản xuất nước hoa giả hàng hiệu.
Tôi gọi điện hỏi một cửa hàng nằm trên đường Trương Định, quận 1, thì được một nhân viên nữ giải thích bằng giọng ngọt ngào: “Tại các trung tâm thương mại tên tuổi như Vincom Center, Diamond Plaza, Saigon Center, Parkson Hùng Vương, AEON Mall Tân Phú, nước hoa được bán giá... trên trời là do chi phí thuê mặt bằng ở đây cao quá. Còn bên ngoài như chỗ tụi em, giá thuê mặt bằng nhẹ nhàng hơn rất nhiều nên bán đúng giá. Với lại chỗ em chủ yếu là bán hàng xách tay nên khách không phải lo”.
Khi hỏi một chủ tài khoản mạng xã hội có rao bán “nước hoa chính hãng”, tôi được giải thích do bán trên mạng, chẳng tốn kém phí thuê mặt bằng nên bán rất sát giá gốc, chủ yếu để hưởng hoa hồng (?).
Điều đó thật ra chỉ đúng một phần. Phần còn lại chính là do hàng nhái, hàng giả nên giá... bèo. “Nếu tuyệt đối tin theo lời người bán thì dễ ôm sô”, một người bạn tôi chia sẻ kinh nghiệm.
Nhắc lại quá trình theo dõi, phát hiện hàng chục vụ sản xuất nước hoa giả, một trinh sát kể cho tôi nghe vụ việc gần nhất: “Sau khi phát hiện nhân viên chở hơn 100 bộ test nước hoa đi giao cho khách, chúng tôi lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi bán hàng không xuất hóa đơn, chứng từ; đồng thời kiểm tra nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm thì phát hiện 2 nhân viên khác của Công ty TNHH Sản xuất mỹ phẩm và nước hoa Mastu (146/5 Tân Hương, Tân Quý, Tân Phú) đang chiết xuất nguyên liệu cho giám đốc pha chế vào các chai thủy tinh được dán nhãn nước hoa nhãn hiệu nước ngoài các loại, như: Gucci, Chanel, Boss… ngay tại tầng 1 của căn nhà. Chúng tôi còn phát hiện và thu giữ khoảng 800 chai nước hoa thành phẩm giả nhãn hiệu các loại cùng một số dụng cụ dùng để sản xuất nước hoa”.
Theo các trinh sát, thủ đoạn thường thấy của các đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng giả là dược phẩm (phổ biến là tăng cường chức năng sinh lý), mỹ phẩm và thực phẩm chức năng (làm đẹp cho phụ nữ) hiện nay là nhập lậu các sản phẩm từ Trung Quốc không nhãn mác về Việt Nam, sau đó đóng gói, dán nhãn giả sản phẩm có xuất xứ từ Mỹ, Australia và các nước châu Âu, thậm chí giả các nhãn hiệu của nhà phân phối độc quyền tại Việt Nam để tung ra thị trường.
Khi sản xuất hàng giả, có cơ sở trang bị đầy đủ dụng cụ, máy móc để đóng gói, dán tem; nhưng cũng có nơi làm theo lối thủ công, dụng cụ sản xuất gọn nhẹ, không cần đòi hỏi chuyên môn kỹ thuật cao.
Một vài lần vào Saigon Square 1 nằm gần góc đường Lê Lợi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa, hỏi đôi giày thể thao mang “hàng hiệu”, chúng tôi được giải thích: “Cái này do được... chôm từ công ty làm hàng xuất khẩu, tuồn bán ra. Nếu đúng giá ngoài thị trường, phải tốn gấp ba lần anh mới mua được đôi này. Anh yên tâm. Không có đôi thứ hai đâu”.
Nói thế nhưng khi tôi rút lui, tôi nhờ một người bạn quay lại hỏi mua đôi giày như thế với thì người chủ quầy hàng này lôi từ trong tủ ra một đôi cùng size mà chị ta vừa bán cho khách đứng cạnh tôi lúc nãy. Và rồi chị ta nhiệt tình chào mời với bạn tôi mà không nghĩ mình đang... “giấu đầu lòi đuôi” ấy là hàng giả, rằng: “Đủ size, đủ màu sắc, muốn bao nhiêu cũng có” (?).
Bước lên lầu 1 của trung tâm này, chúng tôi thấy các chủ quầy bày bán rất nhiều quần áo, túi xách, giày dép, đồng hồ, mắt kính các hiệu nổi tiếng thế giới như: Nike, Adidas, Lacoste, Converse, Rayban, Rolex, LV, Chanel, Burberry, Cartier, Montblanc, Dior....
Cũng có người bán thú thật với khách rằng đây là hàng nhái (fake) loại 1 chứ không phải hàng thật, cũng không phải hàng giả. Nhưng quả thật, nếu không phải là dân “sành điệu” chuyên dùng hàng hiệu, hoặc không mang theo hay nhớ những đặc điểm cơ bản của hàng hiệu chính gốc, khó ai có thể phân biệt được đó là hàng fake bởi của các sản phẩm này rất sắc sảo giống đến 99,9% so với hàng hiệu thật.
Một cán bộ thuộc Chi cục Quản lý thị trường thành phố cho biết, trong số những nhãn hiệu nước ngoài (như chúng tôi vừa kể ra), có rất ít nhãn hiệu có đại diện tại Việt Nam (như: Nice, LV, Lacoste...). Khi lực lượng chức năng thông tin phát hiện hàng giả, hàng nhái của họ, các đại diện này phối hợp rất tốt. Còn những nhãn hiệu ở nước ngoài không có đại diện thì… “đành bó tay vì hàng bắt xong, không ai đến xác nhận là hàng giả”.
Nhìn nhận vấn đề từ góc độ của lực lượng chức năng, khi các nhãn hiệu không có đại diện tại Việt Nam để xác nhận hàng, không có mẫu hàng thật để làm chứng cứ xử lý hành vi kinh doanh hàng giả thì cơ quan chức năng đành phải chuyển sang hành vi vi phạm khác là kiểm tra hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa. Nếu chủ kinh doanh không xuất trình được hóa đơn chứng từ cho số hàng đang kinh doanh thì đó là hàng trôi nổi, hàng nhập lậu trốn thuế, mặc dù bản chất đó là hàng giả, hàng nhái.
Chưa hết, theo quy định, lực lượng Quản lý thị trường chỉ giữ hàng tối đa 60 ngày. Nếu quá thời hạn, không có DN, đại diện nhãn hiệu đến xác nhận thì buộc Quản lý thị trường phải trả lại hàng cho chủ hàng. Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến hàng giả tiếp tục công khai lưu hành ngoài thị trường…
Theo Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, trong 10 tháng của năm 2017, lực lượng chức năng của cả nước phát hiện 181.431 vụ hàng giả. Riêng tại TP Hồ Chí Minh, lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý 3.863 vụ sản xuất, buôn bán hàng giả; thu ngân sách trên 390 tỷ đồng.