Thị trường tài chính tiêu dùng (TCTD) vẫn tăng trưởng nóng, thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp nhảy vào khai thác khiến cuộc đua trong lĩnh vực này rất khốc liệt. Trong một báo cáo mới đây của Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC), quy mô thị trường TCTD Việt Nam sẽ đạt mốc 1 triệu tỉ đồng vào năm 2019.
Xuất hiện nhiều gương mặt mới
VietCredit là cái tên mới nhất tham gia vào thị trường TCTD. Lý giải về việc gia nhập vào thị trường vốn đã khá đông đối thủ mạnh cạnh tranh này, ông Hồ Minh Tâm, Tổng Giám đốc VietCredit, cho biết: “Vẫn còn nhiều khách hàng hiện nay chưa tiếp cận dịch vụ tài chính ngân hàng chính thống vì không có tài sản thế chấp, không chứng minh được thu nhập… nên dư địa cho các công ty TCTD vẫn còn rất lớn. Vấn đề là chúng tôi tham gia thị trường với vị thế như thế nào, với các điểm khác biệt ra sao để cạnh tranh”.
Ngân hàng Nhà nước trước đó cũng đã chấp thuận cho Công ty Tài chính điện lực (EVN Finance) tham gia vào lĩnh vực cho vay tiêu dùng, thay vì chỉ cấp tín dụng cho doanh nghiệp, cá nhân trong ngành điện như trước đây. Không chỉ vậy, thông qua các thương vụ mua bán và sáp nhập, thị trường TCTD có thêm thành viên mới như Ngân hàng SeABank và hai đại gia đến từ Hàn Quốc là Lotte Card và Shinhan Card.
Cụ thể, SeABank rót 710 tỉ đồng mua lại Công ty Tài chính bưu điện; Lotte Card (thành viên của Tập đoàn Lotte) chi 1.700 tỉ đồng mua lại toàn bộ bộ phận TCTD TechcomFinance của Techcombank; Shinhan Card rót hơn 151 triệu USD mua lại Công ty Tài chính Prudential Việt Nam (PVFC).
Đáng chú ý, nhiều ngân hàng đã đặt mục tiêu đầy tham vọng chiếm lĩnh thị phần vay tiêu dùng. Chẳng hạn, một liên doanh giữa Ngân hàng Quân đội (MB) và Shinsei Bank (Nhật) đã thành lập Công ty Tài chính MBShinsei với mục tiêu lọt vào tốp 5 các công ty TCTD.
Chưa kể nhiều nhà đầu tư khác đến từ Nhật Bản , Hàn Quốc cũng đang nhòm ngó lĩnh vực này. Điều này sẽ khiến sự cạnh tranh trên thị trường TCTD ngày càng gay gắt hơn.
Việt Nam là một thị trường đầy tiềm năng với hoạt động cho vay tiêu dùng. Ảnh: TL
“Con gà đẻ trứng vàng”
Theo tính toán của Công ty Chứng khoán Bản Việt, tỉ lệ thu nhập lãi thuần ngành ngân hàng chỉ 2,9% nhưng của lĩnh vực cho vay tiêu dùng lên tới 20%, tức 100 đồng cho vay có thể mang lại 20 đồng thu nhập.
Đơn cử riêng năm 2017, FECredit đạt 4.000 tỉ đồng lợi nhuận. Các công ty TCTD khác như Home Credit, HD Saison, Prudential Finance… cũng đạt lợi nhuận lên đến hàng ngàn tỉ đồng.
Nhìn ở góc độ vĩ mô, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, phân tích: Tỉ trọng tiêu dùng trong tổng GDP của Việt Nam liên tục tăng cao, tầng lớp trung lưu đang phát triển, tốc độ tăng trưởng kinh tế trên 6%/năm đang là bệ đỡ rất tốt cho thị trường TCTD.
Trong khi đó dư nợ tín dụng tiêu dùng Việt Nam mới chỉ đạt khoảng 11,7% tổng dư nợ, trong khi tại nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á tỉ lệ này là 34,6%. “Điều này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng mức tiêu thụ và gián tiếp gia tăng nhu cầu TCTD tại thị trường Việt Nam” - ông Lực nhận định.
Phó Tổng Giám đốc Công ty Tài chính HD Saison Đàm Thế Thái cũng cho rằng với dân số hơn 90 triệu người, trong đó 75% đang sống ở khu vực nông thôn, ước tính có khoảng 68 triệu người chưa được tiếp cận toàn diện các nhu cầu TCTD. Hơn nữa, trong khoảng 22 triệu người sống ở thành thị cũng là một thị trường chưa được khai thác hết, do đó Việt Nam là một thị trường đầy tiềm năng với hoạt động cho vay tiêu dùng.
Cạnh tranh khốc liệt
TS Cấn Văn Lực cho rằng để thành công trên thị trường TCTD, các công ty phải có vốn mạnh, sản phẩm phù hợp và linh hoạt dành cho từng đối tượng khách hàng. Đặc biệt mạng lưới phân phối rộng khắp, đội ngũ nhân sự dày dạn kinh nghiệm; có chính sách tín dụng, hệ thống quản trị phù hợp, đặc biệt là quản trị rủi ro và những hoạt động thực thi hiệu quả.
Ông Kalidas Ghose, Tổng Giám đốc Công ty Tài chính FE Credit, cho biết để cạnh tranh và thu hút khách hàng, công ty xây dựng một hệ thống công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây… để đưa ra quyết định cho vay một khách hàng không quá 15 phút. Tất cả máy móc quyết định và con người hầu như ít can thiệp.
“FE Credit cũng thấy rằng không thể giữ mãi vị thế hàng đầu vì ngày càng nhiều đối thủ mạnh gia nhập thị trường. Do đó, chúng tôi phải luôn có các giải pháp phù hợp với thị trường để cạnh tranh” - ông Kalidas Ghose nói.
Là người đến sau nhưng VietCredit rất tự tin vào khả năng cạnh tranh. Ông Hồ Minh Tâm, Tổng Giám đốc VietCredit, nói: “Chúng tôi xác định công nghệ thông tin là chìa khóa xây dựng những quy trình, kênh phân phối để giúp công ty hoạt động chi phí thấp nhất, yếu tố để phát triển cạnh tranh và bền vững. Công ty cũng không lao vào cho vay trả góp vì các công ty tài chính khác có thị phần nhất định mà chủ yếu cho vay qua thẻ tín dụng. Đây là xu thế của tương lai”.
Nhưng cuộc cạnh tranh này không chỉ vốn mạnh, công nghệ tốt mà còn tính đến chất lượng khách hàng. Mảng cho vay tiêu dùng rất béo bở, tuy nhiên càng nhiều đơn vị tham gia thì miếng bánh lợi nhuận sẽ càng bị chia nhỏ, cứ đua nhau tham gia chưa chắc tất cả đã thành công. Đặc biệt, nợ xấu luôn là nỗi ám ảnh của các công ty tài chính.
“Chi phí thu hồi nợ cũng là bài toán đau đầu cho các doanh nghiệp, vì việc gọi điện thoại hoặc nhắn tin nhắc nợ, thậm chí đến tận nhà người vay để đòi tiền là khá lớn” - ông Đàm Thế Thái, Phó Tổng Giám đốc HD Saison, thừa nhận.
Lãi suất 55%-84%/năm
Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng thuộc Bộ Công Thương, trong giai đoạn 10 năm (2007-2017), lĩnh vực cho vay tiêu dùng liên tục có tốc độ tăng trưởng cao, trung bình 20%/năm, đạt quy mô 646.000 tỉ đồng, phục vụ 20 triệu lượt khách hàng trên cả nước.
Thông thường các ngân hàng có mức lãi suất cho vay thấp nhưng thủ tục giấy tờ và thời gian phê duyệt khoản vay thường phức tạp và lâu hơn công ty tài chính. Trong khi đó các công ty tài chính có thủ tục vay, bộ hồ sơ giấy tờ đơn giản, gọn nhẹ hơn nhưng đi kèm là mức lãi suất cao hơn so với mức của các ngân hàng.
Chẳng hạn, đối với mức lãi suất mua hàng trả góp, trong khi các ngân hàng thương mại có mức lãi suất trung bình dao động 10%-25%/năm thì mức lãi suất của công ty tài chính 55%- 84%/năm.