Xu hướng thời trang thay đổi chóng mặt và sự phát triển của công nghiệp "thời trang ăn liền" đã làm tổn hại nghiêm trọng đến môi trường. Dệt may vốn là một trong những ngành công nghiệp tạo ra nhiều khí thải nhất. Và mốt thì chỉ duy trì trong ngắn hạn. Khi quần áo càng rẻ, người ta càng mua nhiều và thường chỉ mặc trong thời gian ngắn (trong khi còn mốt), rồi lại tiếp tục mua thêm đồ, nhiều hơn mức cần thiết.
Theo báo cáo của Ủy ban Kinh tế Liên Hợp Quốc châu Âu (UNECE): so với năm 2000, người tiêu dùng ngày nay mua nhiều quần áo hơn tới 60%. Song thời gian sử dụng chúng lại chỉ bằng một nửa so với trước đây.
Ý nghĩa thực sự của câu nói "Quần áo giá rẻ sẽ khiến chúng ta phải trả giá đắt" là gì?
UNECE cho biết, ngành công nghiệp "thời trang ăn liền" hiện trị giá 2,5 nghìn tỷ USD. đứng thứ 2 trong số các lĩnh vực tiêu thụ nhiều nước nhất thế giới. Để sản xuất ra 1 chiếc áo cotton, ngành công nghiệp này tiêu tốn tới 2.700 lít nước. Lượng nước này đủ để cho một người uống trong 2,5 năm.
Theo Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ (EPA), 84% quần áo đã qua sử dụng ở Mỹ không được tái sử dụng hay tái chế mà bị chôn lấp hoặc đốt. Tuy nhiên rất nhiều loại vải vô cùng khó phân hủy, hoặc chúng sẽ tự phân giải thành các hạt nhỏ li ti, gây ô nhiễm không khí.
Ủy ban Kiểm toán Môi trường Anh cho biết, hơn 1 triệu tấn quần áo ở Anh, trị giá 140 triệu GBP (tương đương 4,24 nghìn tỷ VND), bị chuyển đến bãi rác hàng năm.
Chính phủ các nước đã đề xuất một loạt các biện pháp, ví dụ như ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp có kế hoạch tái sử dụng, tái chế và sửa chữa quần, vải vóc.
Thời trang "ăn liền" đáng sợ như thế nào?
Nhưng trên thực tế, cho dù nhận thức được việc tái sử dụng, tái chế trang phục sẽ giúp doanh nghiệp nhận được ưu đãi thuế, thì các doanh nghiệp lớn cũng khó để thay đổi triệt để các khâu sản xuất cũng như chiến lược "thời trang ăn liền" mà họ đang theo đuổi. Rõ ràng "thời trang ăn liền" đang là siêu lợi nhuận ở châu Âu. Cứ trông vào ZARA thì đủ hiểu là ngành này mang lại lợi nhuận khổng lồ ra sao.
Trong khi đó, các thương hiệu mới và những startup nhỏ mới chính là những người đang xây dựng doanh nghiệp bằng chuỗi cung ứng bền vững hơn thân thiện với môi trường và ít lãng phí hơn.
"Quy mô nhỏ cho phép chúng tôi được hoạt động theo cách của riêng mình. Chúng tôi không cần phải tiêu tốn quá nhiều nguồn lực để cố gắng bắt kịp hay cạnh tranh với hãng khác. Thay vào đó, chúng tôi tập trung năng lượng vào việc xây dựng thương hiệu nhưng vẫn có ích cho cộng đồng" - ông Quang Đinh - nhà đồng sáng lập thương hiệu thời trang thể thao Girlfriend Collective ở Anh cho biết.
Girlfriend Collective là một hãng thời trang có trụ sở tại Seattle, Washington. Chuyên sản xuất quần áo thể thao sang trọng và thân thiện với môi trường.
Năm 2016, ông Quang và vợ ông đã sáng lập Girlfriend Collective. Ông cho biết, nạn "ô nhiễm trắng" nghiêm trọng đã khiến ông và vợ quyết tâm thay đổi điều gì đó. "Trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi đã phát hiện ra, có thể tạo ra một loại polyester bền nhưng vẫn có độ mềm mại từ chai nhựa đã qua sử dụng. Và rất may mắn, chúng tôi đã tìm được những đối tác chung chí hướng tuyệt vời. Họ đã giúp đỡ chúng tôi thực hiện nó". Girlfriend Collective đã sáng chế ra một loại vải mới - nylon econyl.
Nylon econyl có chất lượng tương đương với nylon thông thường nhưng thân thiện với môi trường hơn nhiều. Nylon econyl được sản xuất từ các sản phẩm nylon thải, chẳng hạn như thảm cũ, lưới đánh cá và các sản phẩm thải khác. Chúng giúp bảo tồn tài nguyên thiên nhiên bằng cách tránh khai thác dầu thô, giảm phát thải khí nhà kính và giảm tiêu thụ năng lượng, hạn chế việc thải nhựa ra môi trường.
Bên cạnh việc sử dụng vải làm từ nhựa tái chế, chuỗi cung ứng của Girlfriend Collective cũng hoàn toàn minh bạch. Họ làm rất tốt công đoạn xử lý chất thải màu. Trong khi rất nhiều nhà máy dệt may khác làm ô nhiễm đất và ô nhiễm nguồn nước bằng việc xả trực tiếp cặn thuốc nhuộm vải ra môi trường, Girlfriend Collective đã không làm vậy. Họ chuyển chất thải đó đến một nhà máy, biến chúng thành gạch lát đường.
Quần legging đen, sản phẩm đầu tiên của Girlfriend Collective trên thị trường được sản xuất tại một nhà máy ở Hà Nội, sử dụng sợi làm từ chai nhựa tái chế. Sau khi loại bỏ nắp chai và giấy nhãn, chai được cắt thành các mảnh nhỏ, sau đó được xử lý thành sợi. Cứ 2 chiếc legging sẽ sử dụng 25 chai nhựa tái chế.
Khi mới thành lập, để quảng bá thương hiệu, Girlfriend Collective đã chạy chiến dịch quảng cáo. Họ tặng miễn phí quần legging cho khách hàng, khách hàng chỉ phải trả phí vận chuyển. Cách marketing truyền miệng này giúp giảm bớt chi phí quảng cáo cũng như sự tham gia của bên thứ ba - ngoài nhà cung cấp và khách hàng.
"Rõ ràng, chẳng có cách nào để làm mọi thứ thân thiện với môi trường mà lại không khó khăn hơn và không tốn thời gian hơn. Nếu các thương hiệu muốn thay đổi và hạn chế tác động đến môi trường, họ sẽ phải đi một chặng đường rất dài và gian nan, tuân thủ các nguyên tắc về môi trường, chẳng có lối tắt nào đâu" - ông Quang Đinh nói.