Chất bán dẫn xuất hiện trong mọi thứ, từ điện thoại di động cho đến những máy chủ tạo nên một siêu máy tính. Dù Trung Quốc từ lâu đã làm chủ việc lắp ráp các sản phẩm có các linh kiện bán dẫn được sản xuất ở các nước khác (mà iPhone là ví dụ điển hình nhất), thế nhưng giờ đây Bắc Kinh không muốn hài lòng với vị trí chỉ là một nước lắp ráp nữa. Trung Quốc khao khát trở thành nhà kiến tạo ra nhiều sản phẩm và ý tưởng, đặc biệt là trong những ngành tiên tiến và mới mẻ nhất như ô tô tự hành. Để làm được điều đó, Trung Quốc cần phải sản xuất được sản phẩm bán dẫn của riêng mình.
Đây không phải là một thách thức nhỏ. Trung Quốc hiện là thị trường chip lớn nhất thế giới, nhưng chỉ tự sản xuất 16% lượng sản phẩm bán dẫn được sử dụng trong nước. Kim ngạch nhập khẩu các sản phẩm bán dẫn của Trung Quốc hàng năm lên tới khoảng 200 triệu USD, còn nhiều hơn cả kim ngạch nhập khẩu dầu của nước này. Để xây dựng một ngành bán dẫn trong nước, Chính phủ Trung Quốc đã cắt giảm thuế cho các nhà sản xuất chip và dự định đầu tư 32 tỷ USD để trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới về sản xuất và thiết kế. Thế như lịch sử đã chứng minh rằng chỉ chi tiền thôi là chưa đủ.
Sản phẩm bán dẫn sơ khai nhất của Trung Quốc được sản xuất vào năm 1956, không lâu sau khi công nghệ này ra đời ở Mỹ. Nhưng sự hỗn loạn của cuộc Cách mạng Văn hóa đã khiến những thành quả mà các nhà khoa học và kỹ sư của nước này đạt được đều sớm "đổ sông đổ bể".
Khi Trung Quốc bắt đầu mở cửa nền kinh tế vào những năm 1970, giới chức nước này nhanh chóng nhận ra rằng các sản phẩm bán dẫn sẽ là bộ phận chủ chốt của bất kỳ một nền kinh tế dựa vào thị trường nào trong tương lai. Tuy nhiên, ngay từ lúc khởi sự, cơ chế kế hoạch hóa tập trung tỏ ra là một chướng ngại lớn. Trong những ý tưởng ban đầu của chính phủ có sáng kiến nhập khẩu các sản phẩm bán dẫn đã qua sử dụng của Nhật Bản, nhưng các sản phẩm này đã trở nên lỗi thời trước khi chúng thật sự được nhập khẩu vào Trung Quốc.
Những nỗ lực tốn kém để xây dựng một ngành công nghiệp bán dẫn trong nước từ con số 0 vào những năm 1990 đã trở nên loạng choạng do tệ quan liêu, trì hoãn và không nhiều khách hàng có hứng thú các loại chip mà Trung Quốc sản xuất lúc đó.
Bên cạnh đó, một điểm yếu nữa là thiếu hụt nguồn vốn. Suốt hàng chục năm qua, các ngành cần nhiều lao động, như lắp ráp điện thoại di động, là con đường làm giàu ở Trung Quốc. Ngược lại, sản xuất bán dẫn lại đòi hỏi phải đầu tư trước hàng tỷ USD và phải mất cả chục năm hơn mới thấy được kết quả. Năm 2016, chỉ riêng Intel đã đầu tư 12,7 tỷ USD vào hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D). Hầu như không có doanh nghiệp Trung Quốc nào có khả năng hoặc đã từng đầu tư mạnh tay như thế. Và các nhà kế hoạch hóa tập trung lại thường "né" kiểu chi tiêu rủi ro và lo xa như vậy.
Trung Quốc dường như nhận ra vấn đề này. Kể từ năm 2000, nước này đã chuyển hướng từ trợ cấp cho hoạt động sản xuất và nghiên cứu về bán dẫn sang thu hút vốn đầu tư bằng cổ phần, với hy vọng rằng các lực lượng trên thị trường có thể đóng vai trò lớn hơn. Tuy nhiên, vốn đầu tư lại tiếp tục bị đặt sai chỗ, khi trong 18 tháng qua, Bắc Kinh đã đầu tư quá nhiều vào các nhà máy sản xuất bán dẫn, nhiều cơ sở trong số đó thiếu công nghệ phù hợp. Những nhà máy mở ra sau này có thể sẽ góp phần khiến thị trường chip nhớ rơi vào tình trạng dư cung, từ đó gây ra nhiều rắc rối về tài chính cho ngành sản xuất bán dẫn trong nước.
Không chỉ thế, có lẽ thách thức lớn nhất trong dài hạn đối với Trung Quốc là công nghệ. Dù Bắc Kinh mong muốn gây dựng ngành bán dẫn từ con số 0, nhưng những nỗ lực về công nghệ tốt nhất của nước này cũng đứng sau Mỹ cả một hoặc hai thế hệ. Giải pháp hợp lý nhất trong trường hợp này là mua lại công nghệ của các công ty Mỹ hoặc liên kết với họ. Đây cũng là con đường mà các công ty công nghệ hàng đầu của Nhật Bản, Hàn Quốc và đảo Đài Loan lựa chọn.
Thế nhưng, Trung Quốc lại không thể làm điều tương tự. Những nỗ lực của Bắc Kinh trong việc thâu tóm các công ty sản xuất bán dẫn của Mỹ (thường với giá cao ngất ngưỡng) thường bị chặn đứng vì các lý lo an ninh. Nhật Bản, Hàn Quốc cũng đặt các thương vụ thâu tóm của Trung Quốc dưới sự kiểm soát chặt chẽ như vậy. Chỉ tính từ năm 2015, các thương vụ mà Trung Quốc đề nghị mua lại các công ty bán dẫn Mỹ đạt giá trị lên đến 34 tỷ USD, nhưng Bắc Kinh chỉ "chốt" được số thương vụ trị giá 4,4 tỷ USD trên toàn cầu trong khoảng thời gian này.
Bất chấp những chướng ngại nói trên, Trung Quốc trên thực tế đã đạt được những bước đi dài trong những năm gần đây. Các công ty như Spreadtrum Communications Inc. có trụ sở ở Thượng Hải đang thiết kế các sản phẩm bán dẫn cho điện thoại di động và các công nghệ khác, sau đó thuê gia công ở các nhà máy nước ngoài. Cùng lúc đó, các khoản đầu tư lớn vào các nhà máy sản xuất các công nghệ cũ hơn cũng đem lại cho các nhà quản lý, kỹ sư, và các nhà khoa học của nước này những bài học thiết thực trong việc làm thế nào để vận hành một công ty sản xuất bán dẫn .
Dù không một nỗ lực nào trong số này giúp giới chức Trung Quốc đi đường tắt như họ muốn, nhưng chúng có thể đặt những viên gạch đầu tiên để xây dựng nên một ngành công nghiệp bán dẫn mà nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã dành cả nửa thế kỷ để nỗ lực gây dựng và nếm trải thất bại.