Vụ nợ tiền viện phí chưa từng có tiền lệ
Sở y tế Vancouver, Canada vừa đâm đơn kiện sản phụ Yan Xia với khoản nợ 1 triệu USD khi người này sinh con tại Bệnh viện Richmond ở British Columbia nhưng không chịu trả viện phí. Yan Xia không phải công dân Canada trong khi Bệnh viện Richmond đang là điểm đến quen thuộc với các bà mẹ Trung Quốc, những người muốn sang Canada sinh con để con họ có quốc tịch của quốc gia Bắc Mỹ này.
Hàng chục "nhà trẻ" đã mọc lên ở British Columbia nhằm phục vụ những phụ nữ mang thai Trung Quốc sang Canada chờ đẻ con với mục đích này. Thậm chí, 1/5 số trường hợp sinh con tại Bệnh viện Richamond là các bà mẹ không phải người Canada và phần lớn trong số đó là người Trung Quốc.
Trở lại trường hợp của Yan Xia, người phụ nữ này sinh con ở Bệnh viện Richmond năm 2012. Tuy nhiên, do không chịu trả tiền viện phí, tương đương 241.000 USD, số tiền này hiện nay đã lên tới 922.000 USD bởi tiền lãi lên tới 2%/tháng.
Dù bệnh viện không nói rõ quốc tịch của người phụ nữ có tên Yan Xia nhưng người ta có thể suy đoán là Trung Quốc bởi trào lưu du lịch sinh con đang nở rộ ở quốc gia này. Carrie Stefanson, một quan chức y tế tại Vancouver cũng nhấn mạnh "áp đảo" những trường hợp phụ nữ nước ngoài sinh con ở đây là người Trung Quốc.
Sở Y tế Vancouver từ chối cung cấp thêm các chi tiết về trường hợp của Yan ngoại trừ việc xác nhận cả hai mẹ con đã được xuất viện trong tình trạng tốt.
"Chúng tôi biết nghĩa vụ của mình là chăm sóc cho những người thực sự cần đến, bất kể họ đến từ đâu. Vì vậy, nếu một phụ nữ đến các bệnh viện của chúng tôi trong lúc đang chuyển dạ, chúng tôi sẽ chẳng bao giờ từ chối tiếp nhận cô ấy bất kể họ đến từ đâu hay khả năng tài chính của họ như thế nào", Đại diện sở y tế Vancouver nhấn mạnh.
Bùng nổ du lịch sinh con
Hàng chục "nhà trẻ" mọc lên ở Canada nhằm cung cấp nơi ăn, chốn ở cho những phụ nữ mang thai người nước ngoài muốn tới Canada sinh con để kiếm quốc tịch. Phần đông trong số này là những người Trung Quốc.
Baoma Inn ở ngoại ô Richmond là một trong những nơi như vậy. Là một tòa nhà cao tầng, vượt hẳn so với các ngôi nhà xung quanh, Baoma Inn có 8 phòng ngủ để phục vụ các bà bầu sắp đẻ. Nó rất đắt khách bởi chỉ cách Bệnh viện Richmond khoảng 4 km.
Những "nhà trẻ" này đỏi hỏi khách đến ở phải có hộ chiếu Canada hoặc Trung Quốc. Những cơ sở này hoạt động công khai và được quảng bá mạnh mẽ trên mạng xã hội, nhằm thu hút người đến ở. Nó hoạt động cũng hoàn toàn phù hợp với luật pháp của Canada. Ngay cả việc du lịch sinh con cũng không bị cấm.
Thậm chí, các "nhà trẻ" này còn cung cấp mọi tư vấn và dịch vụ cần thiết với các bà mẹ, bao gồm đáp ứng phù hợp các quy định của bệnh viện địa phương như yêu cầu đăng ký sinh trước 6-8 tuần để giúp các bệnh viện có thể chủ động hơn trong việc lập kế hoạch cũng như phân công công tác.
Rõ ràng, những bà mẹ không cư trú tạo gánh nặng lên nguồn lực của bệnh viện. Tuy nhiên, việc của các bác sĩ là giúp đỡ bệnh nhân và Canada đã làm rất tốt điều này. Ở chiều ngược lại, các bà mẹ nước ngoài đôi khi không hoàn thành bổn phận của họ - trả tiền viện phí.
Thông thường, mỗi trường hợp sinh đẻ cần đặt cọc 8.000 – 13.000 USD tùy thuộc vào sinh thường hay sinh mổ. Việc phải dùng tới những biện pháp chăm sóc đặc biệt có thể khiến chi phí mỗi ca sinh lên tới 200.000 – 300.000 USD. Như trường hợp của Yan, chi phí lên tới 1 triệu USD bởi tiền lãi lên tới 2% mỗi tháng với hóa đơn chưa thanh toán.
Tháng 9 năm ngoái, bệnh viện đã ngừng nhân lãi với số tiền nợ của Yan. Sau 59 tháng chậm thanh toán, số tiền còn thiếu đã lên tới 1 triệu USD. Bệnh viện khẳng định họ sẽ không từ bỏ quyền thu lại số tiền còn thiếu, dẫn tới hành động pháp lý chống lại Yan.
Thông tin về vụ việc cũng khiến nhiều người tức giận bởi các khoản chi phí liên quan đến giáo dục, y tế và an sinh xã hội của công dân Canada và những người được cho phép ở hợp pháp đã bị chiếm mất bởi những người du lịch sinh con như Yan. Việc bệnh viện công quá tải vì những người nước ngoài cũng khiến nhiều người bản địa phải tìm tới các cơ sở chăm sóc y tế khác.
Nhiều người kêu gọi chính phủ liên bang "khẩn cấp thực hiện các biện pháp cụ thể nhằm giảm thiểu tình trạng này" cũng như công khai gọi di lịch sinh con là bất công bằng với người dân bản địa. Hiện tại, bản kiến nghị này đã nhận được 7.800 chữ ký đồng thuận.
Tuy nhiên, đề nghị này đã không được chấp thuận bởi nhà chức trách lo ngại việc thay đổi luật, vốn tồn tại từ năm 1947, sẽ dẫn tới những thay đổi đáng kể với việc cấp quốc tịch ở quốc gia này.