Theo những ngư dân đánh bắt cá lìm kìm ở ấp Bến Nôm 2, xã Phú Cường (huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai), vào mùa cá lìm kìm, một đêm (từ 7 giờ tối tới 4 giờ sáng) đi ủi vồn (là một loại dụng cụ đánh bắt cá làm bằng tre với phần phía trước rộng, phần phía sau hẹp), chí ít mỗi ghe cũng thu được từ 40-50kg cá, còn nhiều thì từ 70-100 kg/ghe. Giá cá ngư dân đem lên bờ bán được 30 ngàn đồng/kg.
Không sợ “mo” chỉ sợ mưa
Ấp Bến Nôm 2 có 7 ghe vồn đánh bắt cá lìm kìm. Vào mùa đánh bắt cá lìm kìm, nét mặt ngư dân nào cũng hồ hởi. “Gió càng mạnh, sóng càng lớn thì cá càng dễ say đèn. Vồn được cất lên nặng trịch hay nhẹ tênh là phụ thuộc vào tài nghệ lướt sóng, “chặt cua” của ngư dân ghe vồn chuyên đánh bắt cá lìm kìm” - ông Lê Quang Cường (ấp Bến Nôm 2, xã Phú Cường) nói.
Ngư dân Lê Văn Cường (ngụ ấp Bến Nôm 2, xã Phú cường, H.Định Quán) với chiếc ghe vồn bắt cá lìm kìm của mình.
6 tuổi, ngư dân Cường đã biết theo cha lênh đênh trên mặt hồ Trị An lùng bắt đủ loại cá như: lóc, rô, trắm cỏ, chép, mè... bằng tất cả các loại ngư cụ mà cha của ông có được trên ghe. Riêng nghề ủi vồn cá lìm kìm thì ông có 17 năm kinh nghiệm và đã đào tạo gần chục “đệ tử” chuyên đánh bắt cá này trên hồ Trị An.
Được ví là “con rái cá” của hồ Trị An, “sát thủ” cá lìm kìm bến cá Bến Nôm 2, ngư dân Cường tuyên bố chắc nịch, nghề ủi vồn cá lìm kìm không sợ “mo” (thất bát), chỉ sợ trời mưa. Vì hạt mưa lay động mặt nước, cá lìm kìm không “ăn đèn” buộc phải ngừng đánh bắt. Còn trong thời điểm hiện nay, thời tiết khá thuận lợi vì mùa này hồ Trị An có sóng to, gió lớn, cá lìm kìm rất dễ “ăn đèn”, ngư dân tha hồ đánh bắt.
Ông Cường chia sẻ, để đánh bắt được mẻ cá lớn, ông phải điều khiển chiếc ghe hướng mũi vồn về đàn cá đang bay nhảy trước đèn xúc. Sau đó, ông nhanh tay bẻ bánh lái quay đầu ghe trở lại và cứ vậy khi nào bầy cá lìm kìm tản mát ra khỏi ánh đèn pha trước mũi ghe thì ông đi tìm luồng cá khác.
Trong nghề đánh bắt cá trên hồ Trị An, nhiều ngư dân cho rằng, nghề ủi vồn cá lìm kìm có hai cái sướng. Cái sướng thứ nhất là ít khi bị “mo”, có mối lái thu mua và chế biến ngay tại chỗ nên cá đánh bắt được không sợ dội chợ. Cái sướng thứ hai là cứ cho ghe chạy cặp bờ hồ hoặc theo các phao chỉ dẫn lòng hồ mà xúc cá, không phiền phức, va chạm chuyện làm nghề với người làm các ngư cụ khác vì miệng vồn chỉ ăn xuống mặt nước 30cm.
Đặc sản khô lìm kìm
Những năm 2000 trở về trước, cá lìm kìm nổi dềnh trên mặt hồ Trị An mỗi khi gặp ánh đèn của ngư dân. Tuy nhiên vào thời điểm đó, cá lìm kìm không có giá, ngư dân đánh bắt cá lìm kìm chủ yếu để làm thức ăn cho cá ở các bè cá, bán lẻ ra thị trường rất ít. Do đó, ngư dân ấp Bến Nôm 2 và nhiều nơi khác ở hồ Trị An xem việc đánh bắt cá lìm kìm chỉ là nghề tay trái.
Phụ nữ ấp Bến Nôm 2, xã Phú Cường (H.Định Quán) làm sạch cá lìm kìm tươi để phơi khô.
Đến năm 2011, ông Nguyễn Thanh Hoàng (lúc đó là Trưởng ấp Bến Nôm 2, xã Phú Cường) mới mày mò học cách làm khô cá lìm kìm. Sau đó, ông phổ biến cho nhiều gia đình ngư dân khác trong ấp cùng làm. Khi sản phẩm khô cá lìm kìm bán được ra thị trường thì cá lìm kìm có giá trị hơn hẳn. Tuy vậy, lúc đó, đầu ra của khô cá lìm kìm vẫn còn quanh quẩn trong xã, trong huyện.
Nghề làm khô cá lìm kìm bắt đầu phát triển mạnh tại ấp Bến Nôm 2 vào năm 2017 khi khô cá lìm kìm hồ Trị An được phân phối ở chợ đầu mối, bán ra ngoài tỉnh. Từ đó địa phương tập hợp những hộ đánh bắt, làm khô cá lìm kìm lại để thành lập Tổ hợp tác khô cá lìm kìm sông nước ấp Bến Nôm 2. Lúc này, khô cá lìm kìm trở thành đặc sản của vùng hồ Trị An, theo đúng tinh thần của chủ trương xây dựng nông thôn mới: “Mỗi địa phương một sản phẩm”.
Từ đó, nghề ủi vồn cá lìm kìm ở ấp Bến Nôm 2 phát triển mạnh mẽ. Từ vài ghe chuyên đánh bắt cá lìm kìm lúc đầu, nay số ghe làm nghề này lên tới hơn chục chiếc (ấp Bến Nôm 2 có 7 chiếc, ngoài ấp có 6-7 chiếc). Tổ trưởng Tổ hợp tác khô cá lìm kìm sông nước ấp Bến Nôm 2 Nguyễn Thanh Hoàng cho biết, hiện tổ hợp tác có 15 thành viên (người đánh bắt và làm khô).
Cá lìm kìm tươi được các tổ viên thu mua, làm sạch, phơi khô để bán. Hiện sản phẩm cá lìm kìm khô của tổ hợp tác cung không đủ cầu nên nghề đánh bắt và làm khô cá lìm kìm đã tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho trên 100 lao động địa phương.
Vào sáng sớm những ngày tháng 4 mặt nước hồ Trị An dậy sóng, ngồi nơi bến ghe Bến Nôm 2 nhìn các vồn cá đầy của các ngư dân sau một đêm đánh bắt cá bội thu trở về khiến ai cũng phấn khởi. Nhờ giá cả ổn định, không lo đầu ra sản phẩm nên vào mùa này, ngư dân đánh bắt cá lìm kìm có thu nhập cao hơn, đời sống của họ cũng sung túc hơn.
Theo các ngư dân ấp Bến Nôm 2, xã Phú Cường (H.Định Quán), cá lìm kìm hồ Trị An chủ yếu ăn thức ăn từ nguồn nước tự nhiên nên chất thịt thơm ngon, ngọt và mềm. Khi được phơi khô, thịt cá lìm kìm ngọt và dai. Cá lìm kìm và khô cá lìm kìm có thể chế biến thành nhiều món ngon, hấp dẫn như: cá lìm kìm chiên giòn, cá lìm kìm kho tiêu, gỏi xoài với khô cá lìm kìm, cá lìm kìm khô nướng chấm nước mắm me... |