Sáng nay, Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) đã tổ chức Lễ ra mắt "Cổng hỗ trợ thanh toán quốc gia (Cổng PayGov)". Sự kiện có sự tham gia của đại diện Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Tổng Cục thuế, các đơn vị chuyên trách về CNTT của các Bộ, ngành cùng nhiều doanh nghiệp, trung gian thanh toán. "Cổng hỗ trợ thanh toán quốc gia (PayGov)" đưa vào hoạt động góp phần thực hiện mục tiêu "Thuận lợi - Minh bạch - Tin cậy" cho người dân và doanh nghiệp khi thực hiện các dịch vụ công.
Việc Bộ TT&TT đưa vào sử dụng "Cổng hỗ trợ thanh toán quốc gia" sẽ giúp các bộ, ngành, địa phương thực hiện kết nối, sử dụng Cổng hỗ trợ thanh toán quốc gia hoàn thành chỉ tiêu về dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trong năm 2020 và giúp người dân thanh toán dễ dàng, thuận tiện khi sử dụng dịch vụ công.
Cổng PayGov được phát triển không làm chức năng thanh toán trực tuyến mà thực hiện chức năng tạo lập nền tảng hỗ trợ cho các Cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử của Bộ, ngành, địa phương kết nối với các hệ thống trung gian thanh toán. Hệ thống được thiết kế để giải quyết các vấn đề chính như sau:
Một là giải quyết vấn đề về kết nối: Cổng dịch vụ công trực tuyến của các bộ, ngành địa phương chỉ cần kết nối với Cổng PayGov với một giao điện thống nhất là có thể sử dụng các tiện ích của tất cả các trung gian thanh toán. Đồng thời, các trung gian thanh toán chỉ cần kết nối đến Cổng PayGov là có thể tiếp cận, cung cấp dịch vụ cho tất cả các bộ, ngành, địa phương.
Hai là giải quyết vấn đề về tra soát, đối soát, quyết toán: Cổng PayGov cung cấp công cụ hỗ trợ giải quyết vấn đề về tra soát, đối soát, quyết toán giữa các bên liên quan; đặc biệt là hỗ trợ đối soát, quyết toán một cách tự động với kho bạc.
Ba là giải quyết vấn đề về một địa chỉ thanh toán thống nhất: Cổng PayGov không chỉ đáp ứng nhu cầu thanh toán cho dịch vụ công trực tuyến mà còn có thể mở rộng đáp ứng nhu cầu thanh toán trực tuyến của người dân đối với dịch vụ, tiện ích khác như: y tế, giáo dục, điện, nước,…
Cổng PayGov sẽ giúp hiện thực hóa mục tiêu đặt ra tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030": Đến năm 2025, tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 50%; Đến năm 2030 tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 80%.
Hiện tại, Cổng PayGov đã triển khai hợp tác và kết nối với 9 Trung gian thanh toán bao gồm: Công ty CP Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS), Tổng Công ty Dịch vụ số Viettel - Chi nhánh Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (VIETTEL DIGITAL), Công ty Cổ phần Giải pháp Thanh toán Việt Nam (VNPAY), CTCP Dịch vụ Di động trực tuyến (M_SERVICE) - đơn vị sở hữu Ví MoMo, CTCP dịch vụ trực tuyến Cộng đồng Việt (VIETUNION), Tổng công ty truyền thông đa phương tiện – Công ty TNHH 1TV (VTC), CTCP Ngân lượng (NGANLUONG JSC), CTCP Dịch vụ nền di động Việt Nam (VIMASS JSC), CTCP Viễn thông FPT (FPT TELECOM).
Chia sẻ về sự kiện này, Ông Nguyễn Bá Diệp, Phó Chủ tịch, đồng sáng lập Ví MoMo cho biết: " Cổng hỗ trợ thanh toán quốc gia sẽ hỗ trợ thanh toán dịch vụ công một cách thuận lợi, minh bạch, tin cậy là công cụ quan trọng cho quá trình đẩy mạnh phát triển Chính phủ số của Việt Nam. Hướng tới phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội đất nước. Ví MoMo vinh hạnh khi liên tục nhận được sự tin tưởng của cơ quan Nhà nước lựa chọn đồng hành và sẽ nỗ lực hết mình để triển khai tốt nhất, hướng tới mục tiêu chung thúc đẩy thanh toán không tiền mặt phát triển tại Việt Nam."
MoMo là ví điện tử chủ động phối hợp với các tỉnh thành phố trong việc thúc đẩy thanh toán không tiền mặt. Tháng 12/2019, Ví MoMo là một trong 4 đối tác thanh toán điện tử đầu tiên của Cổng dịch vụ công Quốc gia. Từ đầu tháng 4/2019, Ví MoMo được thành phố Đà Nẵng lựa chọn là đối tác khai thanh toán điện tử cho dịch vụ công tại thành phố. Tháng 9/2019, hợp tác cùng Trung tâm Hành chính công trực tuyến tỉnh Khánh Hòa. Đặc biệt, tại Hội nghị "Sơ kết 2 năm hoạt động Trung tâm Hành chính công trực tuyến tỉnh Khánh Hòa" ngày 6/7 vừa qua số liệu công bố cho thấy, Ví MoMo là kênh thanh toán dẫn đầu khi chiếm tới 75% lượng giao dịch và doanh thu thanh toán dịch vụ hành chính công trực tuyến tại Khánh Hòa.