Báo cáo mới đây với Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) về việc rà soát, hoàn chỉnh hồ sơ Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng cho biết đơn vị này đã phối hợp cơ quan tư vấn - Tổng Công ty Tư vấn Thiết kế GTVT (TEDI) - lập quy hoạch, nghiên cứu tiếp thu, giải trình và rà soát, hoàn thiện lại hồ sơ Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Ưu tiên một số sân bay lớn
Theo Cục trưởng Đinh Việt Thắng, trong báo cáo đã rà soát thêm các vấn đề về dự báo, chú trọng các khu vực có tiềm năng phát triển lớn hiện nay và tương lai như Hải Phòng, Quảng Ninh; khu vực Đà Nẵng, Quảng Nam; khu vực Khánh Hòa.
Theo đó, tại các khu vực có tiềm năng lớn này, mặc dù số liệu dự báo theo các phương pháp khoa học đã được tiến hành, song với ngành hàng không còn cần sử dụng thêm phương pháp chuyên gia để đánh giá tiềm năng phát triển.
Cục Hàng không cũng báo cáo cụ thể các nội dung nghiên cứu tiếp thu sửa đổi trong dự thảo quyết định phê duyệt quy hoạch. Theo đó, thời kỳ 2021-2030, rà soát, cập nhật công suất quy hoạch dự kiến của một số sân bay có tiềm năng, có khả năng tăng trưởng đột biến về nhu cầu vận tải như sân bay Cát Bi (từ 8 triệu hành khách/năm lên 13 triệu hành khách/năm), Chu Lai (từ 5 triệu hành khách/năm lên 10 triệu hành khách/năm).
Giai đoạn tầm nhìn đến năm 2050, rà soát, cập nhật công suất quy hoạch dự kiến của một số sân bay có tiềm năng, có khả năng tăng trưởng đột biến về nhu cầu vận tải như sân bay Vân Đồn (từ 12 triệu hành khách /năm lên 20 triệu hành khách/năm), sân bay Chu Lai (từ 28 triệu hành khách/năm lên 30 triệu hành khách/năm).
Tại dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, mục tiêu đến năm 2030 là ưu tiên tập trung đầu tư một số sân bay lớn, đóng vai trò đầu mối tại vùng thủ đô Hà Nội (Nội Bài) và vùng TP HCM (Tân Sơn Nhất và Long Thành).
Từng bước nâng cấp và khai thác có hiệu quả 22 sân bay hiện hữu, đầu tư 6 sân bay mới để nâng tổng số sân bay của cả nước đưa vào khai thác lên 28 sân bay, tổng công suất thiết kế hệ thống sân bay đáp ứng khoảng 283 triệu hành khách, bảo đảm trên 95% dân số có thể tiếp cận sân bay trong phạm vi 100 km.
Về tầm nhìn đến năm 2050, sẽ hình thành 2 trung tâm vận tải hàng không đầu mối trung chuyển quốc tế mang tầm cỡ khu vực tại vùng thủ đô Hà Nội và vùng TP HCM; đầu tư đưa vào khai thác sân bay mới bảo đảm 100% dân số khu vực đồng bằng và 95% dân số khu vực miền núi có thể tiếp cận sân bay trong phạm vi 100 km.
Liên quan việc nghiên cứu chuyển một số sân bay quân sự thành sân bay lưỡng dụng, Cục Hàng không thống nhất kiến nghị cập nhật nội dung Quy hoạch hệ thống cảng hàng không toàn quốc thời kỳ 2021-2030 "Nghiên cứu, khảo sát, đánh giá khả năng quy hoạch, xây dựng cảng hàng không tại một số sân bay quân sự (Thành Sơn, Biên Hòa...) trong trường hợp đủ điều kiện" trong dự thảo quyết định phê duyệt quy hoạch.
Sân bay Tân Sơn Nhất (TP HCM) - một trong những sân bay đang rơi vào tình trạng quá tải Ảnh: Tấn Thạnh
Trước đó, nhiều chuyên gia hàng không cũng đặt vấn đề hiện quy hoạch có nhiều sân bay lớn mà thiếu các sân bay chuyên dùng quy mô nhỏ, trong khi tiềm năng đối với loại hình sân bay nhỏ là khá lớn.
Đẩy mạnh phân cấp
Văn phòng Chính phủ cũng vừa có công văn gửi Bộ GTVT và UBND tỉnh Lai Châu truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành về việc đầu tư xây dựng Cảng Hàng không Lai Châu theo hình thức hợp tác công - tư (PPP) và giao địa phương làm cơ quan có thẩm quyền triển khai dự án.
Trước đó, UBND tỉnh Sơn La cũng trình Thủ tướng cho phép đầu tư xây dựng Cảng Hàng không Nà Sản theo phương thức PPP, hợp đồng BOT và giao UBND tỉnh Sơn La là cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án.
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn, đối với việc đầu tư các cảng hàng không mới, tinh thần chỉ đạo của Chính phủ đã được Bộ GTVT cập nhật trong hồ sơ Quy hoạch hệ thống cảng hàng không sân bay toàn quốc, đề án Định hướng huy động nguồn vốn xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không là đẩy mạnh phân cấp. UBND các tỉnh, thành phố có thể chủ động triển khai sớm hơn thời gian được đề cập trong quy hoạch nếu có nhu cầu và thu xếp được nguồn vốn.
Nên phát triển sân bay nhỏ, đường băng ngắn
PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Kỹ thuật hàng không Trường ĐH Bách khoa TP HCM, cho rằng các địa phương nên nghiên cứu phát triển mạng lưới sân bay nhỏ với đường băng ngắn, dành cho những máy bay nhỏ dưới 20 chỗ ngồi, tầm bay thấp phục vụ cho cứu thương, an ninh - quốc phòng và những cá nhân có nhu cầu đặc biệt hoặc phục vụ du lịch. Những sân bay nhỏ này có thể tận dụng sân bay quân sự cũ mà đầu tư không quá nhiều.
Tuy nhiên, PGS-TS Nguyễn Thiện Tống nhấn mạnh trước mắt cần có chính sách khuyến khích phát triển các hãng hàng không khai thác dạng máy bay nhỏ phù hợp với sân bay địa phương.
Đề xuất quy hoạch sân bay Thành Sơn thành cảng lưỡng dụng
Ngày 5-9, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Phan Tấn Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, cho biết địa phương này đang đề xuất Chính phủ chấp thuận chủ trương bổ sung quy hoạch sân bay quân sự Thành Sơn thành cảng hàng không có chức năng khai thác dùng chung kết hợp giữa quân sự và dân dụng; đồng thời lập bổ sung quy hoạch tổng thể cảng hàng không, sân bay Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trình Thủ tướng Chính phủ.
"Việc khai thác hàng không dân dụng nhằm tận dụng cơ sở hạ tầng sẵn có của sân bay Thành Sơn, khai thác dịch vụ vận tải hàng không để phát huy các tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy du lịch, thu hút đầu tư, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong đó, du lịch và một số ngành mũi nhọn của tỉnh sẽ được thúc đẩy" - ông Cảnh cho biết.
Theo phương án báo cáo bổ sung quy hoạch sân bay quân sự Thành Sơn thành cảng hàng không có chức năng khai thác dùng chung kết hợp giữa quân sự và dân dụng, tỉnh Ninh Thuận cho biết sân bay Thành Sơn có tổng diện tích khoảng 22 km², tương đối rộng so với các sân bay khác đã đưa vào khai thác dùng chung kết hợp quân sự và dân dụng như: sân bay Đà Nẵng 8,55 km², sân bay Chu Lai 20,06 km², sân bay Thọ Xuân 6,5 km²...
Sân bay Thành Sơn có cơ sở hạ tầng đạt cấp 4C, vị trí địa lý thuận lợi, bảo đảm đầy đủ các tiêu chuẩn về an toàn tĩnh không và an toàn hành lang bay; có đầy đủ hệ thống thông tin liên lạc phục vụ bay hòa mạng quốc gia; bảo đảm cơ sở vật chất, các điều kiện, tiêu chuẩn để sử dụng khai thác sân bay dùng chung kết hợp giữa quân sự và dân dụng. Hiện sân bay Thành Sơn có 2 đường cất/ hạ cánh dài hơn 3.000 m, đón được tàu bay Fokker70, ATR72, Airbus 321 hoặc tương đương, đạt tiêu chuẩn 4C của Tổ chức Hàng không Dân dụng quốc tế ICAO, có thể khai thác các đường bay thương mại nội địa.
"Ninh Thuận vẫn là tỉnh còn nhiều khó khăn so với các tỉnh trong khu vực và cả nước; quy mô nền kinh tế của tỉnh vẫn còn nhỏ (xếp thứ 57/63 tỉnh, thành); cơ sở hạ tầng còn nhiều yếu kém, thiếu các hạ tầng giao thông liên vùng, mang tính kết nối (sân bay, cảng biển), nằm xa các trung tâm kinh tế lớn của cả nước (Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng), khó khăn cho chuyên gia, doanh nghiệp, nhà đầu tư và du khách trong việc đi lại để nghiên cứu, khảo sát, tìm kiếm, tham quan, nghỉ dưỡng. Qua đó, phần nào ảnh hưởng đến kết quả thu hút đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Vì vậy, để tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần củng cố, tăng cường liềm lực cho quốc phòng - an ninh thì việc khai thác sân bay Thành Sơn thành sân bay dùng chung kết hợp quân sự với dân dụng là cần thiết" - trích văn bản của UBND tỉnh Ninh Thuận báo cáo, xin ý kiến của Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung quy hoạch sân bay Thành Sơn để khai thác thành sân bay dùng chung kết hợp quân sự và dân dụng.
Ch.Tỉnh