19 loại cơ sở có nguy hiểm bắt buộc phải mua bảo hiểm
Cháy nổ xảy ra tại nhiều chung cư trong thời gian gần đây khiến người dân sống ở chung cư không khỏi lo lắng. Bên cạnh việc yêu cầu chủ đầu tư các tòa nhà phải đảm bảo quy định về PCCC theo Luật Phòng cháy chữa cháy, Chính phủ còn ban hành quy định nhà chung cư phải mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc.
Theo khoản 1 Điều 4 Nghị định số 23/2018/NĐ-CP quy định về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc (có hiệu lực thi hành từ ngày 15-4-2018) thì đối tượng bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc là toàn bộ tài sản của cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ, bao gồm: nhà, công trình và các tài sản gắn liền với nhà, công trình; máy móc, thiết bị; các loại hàng hóa, vật tư (bao gồm cả nguyên vật liệu, bán thành phẩm, thành phẩm).
Kèm theo Nghị định này là phụ lục danh mục 19 loại các công trình, cơ sở có nguy hiểm về cháy nổ bắt buộc phải mua bảo hiểm cháy nổ, trong đó có nhà chung cư, BV, trường học, vũ trường, khách sạn, cơ sở dịch vụ vui chơi giải trí đông người, rạp chiếu phim, trung tâm hội nghị, nhà văn hóa, chợ, siêu thị, trung tâm thương mại…
Tại cuộc họp báo của Chính phủ tháng 3 vừa qua, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, trên 1.000 vụ cháy nổ xảy ra đã làm 33 người chết, 66 người bị thương, tài sản của người dân, doanh nghiệp thiệt hại rất lớn. Sau một số vụ cháy nổ, giá chung cư có thể giảm xuống. Thủ tướng đã giao cho các Bộ, chính quyền tỉnh, TP với chức năng của mình yêu cầu rà soát toàn bộ vấn đề này. Tỉ lệ các chung cư bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy rất thấp, từ đó yêu cầu kiểm tra rà soát toàn bộ lại công tác bảo đảm phòng cháy chữa cháy.
Còn theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng, trước năm 2001 khi Luật PCCC chưa được ban hành, các chung cư cũ được xây dựng theo các tiêu chuẩn cũ. Từ sau năm 2001, Luật PCCC ra đời quy định rõ tất cả chung cư phải được thẩm duyệt nghiệm thu PCCC.
Theo ông Hùng, số lượng chung cư cao tầng sau 2001 xây dựng ước chừng xấp xỉ 3.000 tòa nhà. Số vụ việc xảy ra gần đây chiếm một tỉ lệ nhất định trong số 3.000 tòa nhà này, nhưng điều đó không mặc định là 3.000 tòa nhà đều không bảo đảm an toàn cháy nổ. Cụ thể bao nhiêu tòa nhà trong số 3.000 này là không bảo đảm thì các địa phương đang rà soát tổng thể. Trước hết là kiểm tra đã được nghiệm thu thẩm duyệt hay chưa, nếu có thì công tác vận hành thế nào. Nếu không được thẩm duyệt, nghiệm thu, hay có được thẩm duyệt PCCC nhưng còn thiếu một số điều kiện thì sẽ xử lý tình huống…
Diễn tập PCCC tại chung cư. ẢNH MINH HỌA |
Chi phí mua bảo hiểm được tính vào giá sản phẩm
Theo Nghị định số 23/2018/NĐ-CP, bên mua bảo hiểm được tính chi phí mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc vào giá thành sản phẩm, dịch vụ (đối với cơ sở sản xuất kinh doanh) hoặc vào chi thường xuyên (đối với cơ quan hành chính Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị xã hội và các tổ chức khác).
Ngoài việc tham gia bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc theo điều kiện, mức phí bảo hiểm, số tiền bảo hiểm tối thiểu quy định tại Nghị định số 23/2018/NĐ-CP, bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm có thể thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm về mở rộng điều kiện bảo hiểm, số tiền bảo hiểm tăng thêm và mức phí bảo hiểm bổ sung tương ứng. Trong trường hợp này, doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm tách riêng phần bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc trong hợp đồng bảo hiểm.
Đáng quan tâm, doanh nghiệp bảo hiểm có quyền từ chối bán bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc trong các trường hợp sau: Cơ sở chưa được nghiệm thu về PCCC theo quy định pháp luật; Cơ sở không có biên bản kiểm tra an toàn về PCCC của cơ quan Cảnh sát PCCC hoặc biên bản kiểm tra đã quá 01 năm tính từ thời điểm lập đến thời điểm mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc; Cơ sở đang bị tạm đình chỉ hoặc đình chỉ hoạt động do vi phạm quy định về PCCC.
Số tiền bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc tối thiểu là giá trị tính thành tiền theo giá thị trường của các tài sản trên tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm. Trường hợp không xác định được giá thị trường của tài sản thì số tiền bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc do các bên thỏa thuận theo quy định.
Đối với cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ (trong đó có nhà chung cư) trừ cơ sở hạt nhân có tổng số tiền bảo hiểm của các tài sản tại một địa điểm dưới 1.000 tỷ đồng thì mức phí bảo hiểm thực hiện theo quy định tại Nghị định số 23/2018/NĐ-CP và trên cơ sở mức phí bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm có thể thỏa thuận tăng mức phí bảo hiểm áp dụng đối với từng cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ căn cứ vào mức độ rủi ro của từng cơ sở và theo quy định pháp luật.
Đối với cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ có tổng số tiền bảo hiểm của các tài sản tại một địa điểm từ 1.000 tỷ đồng trở lên và cơ sở hạt nhân, doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm thỏa thuận mức phí bảo hiểm theo quy định pháp luật.