Dự kiến trong năm 2021, Việt Nam sẽ tiếp tục phải nhập khẩu nhiều loại nguyên liệu để sản xuất thép như quặng sắt cho các lò cao khoảng hơn 18 triệu tấn, thép phế liệu khoảng 6 - 6,5 triệu tấn cho các lò điện, than mỡ luyện cốc khoảng 6,5 triệu tấn và điện cực graphite khoảng 10.000 tấn.
Trong khi đó, giá quặng sắt, thép phế liệu, quặng nguyên liệu thô và than mỡ luyện cốc được dự báo vẫn duy trì ở mức cao sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp sản xuất thép và thị trường thép trong nước.
SẢN XUẤT VÀ TIÊU THỤ TĂNG CAO
Giá thép liên tục tăng cao thời gian vừa qua đã “khuyến khích” các doanh nghiệp thép trong nước đẩy mạnh sản xuất. Trong 4 tháng đầu năm 2021, các doanh nghiệp đã nâng công suất lên tới 40% so với cùng kỳ năm 2020.
Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong 4 tháng đầu 2021, các doanh nghiệp thành viên của hiệp hội đã sản xuất khoảng 10,5 triệu tấn thép thành phẩm các loại, tăng 38,3% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, sản lượng thép xây dựng tăng 11,4% lên 3,7 triệu tấn. Đây cũng là mặt hàng thép chiếm tỷ trọng lớn nhất.
Thép cuộn cán nóng (HRC) ghi nhận tăng trưởng mạnh nhất lên tới 111%, sản lượng đạt gần 2,3 triệu tấn. Thép cán nguội và tôn mạ ghi nhận lần lượt gần 1,8 triệu tấn và 1,9 triệu tấn, đều tăng trên 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Sản lượng ống thép đạt gần 820.000 tấn, tăng 30%.
Năm 2021 dự kiến kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi và tăng trưởng khoảng trên 6%, dự kiến nhu cầu sản phẩm phôi thép sẽ tăng khoảng 6% với năm 2020 và nhu cầu thép của Việt Nam sẽ tăng khoảng 2-3%. Nhu cầu sản phẩm thép các loại dự tính khoảng 27 triệu tấn.
Trong 4 tháng qua, các doanh nghiệp đã tiêu thụ tổng cộng gần 9,5 triệu tấn thành phẩm thép, tăng trưởng 40% so với 4 tháng đầu 2020. Trong đó, tiêu thụ trong nước đạt hơn 7,3 triệu tấn, tăng xấp xỉ 34%; xuất khẩu đạt gần 2,2 triệu tấn, tăng gần 68%.
Về giá thép, thống kê của Hiệp hội thép cho thấy giá bán thép xây dựng tại các nhà máy (chưa tính thuế VAT, trừ chiết khấu) tháng 5/2021 bình quân khoảng 16,3 - 16,5 triệu đồng/tấn tùy thuộc từng chủng loại sản phẩm và từng doanh nghiệp cụ thể, tăng khoảng 1,2 triệu đồng/tấn so với tháng 4. Dự báo nhu cầu đến hết tháng 5 vẫn tốt, song thị trường sẽ có sự cạnh tranh rất lớn từ các nhà sản xuất thép xây dựng hàng đầu Việt Nam. Giá bán sẽ có khả năng điều chỉnh để bù đắp đà tăng trong giá nguyên liệu đầu vào.
Trong khi đó theo khẳng định của Bộ Công Thương, về nguồn cung thép xây dựng, với việc một số dự án thép đã đi vào hoạt động như Dự án Liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất, Dự án Nhà máy luyện thép Nghi Sơn năm 2020 vừa qua nên năng lực sản xuất của thép xây dựng (khoảng 14 triệu tấn) bảo đảm 100% cho nhu cầu tiêu dùng trong nước cũng như đáp ứng được nhu cầu xuất khẩu.
Về thép cuộn cán nóng (HRC), hiện tại công suất trong nước đạt khoảng từ 5-6 triệu tấn. Tuy nhiên, trong năm 2020, Việt Nam đã nhập siêu thép cuộn cán nóng đến 9,3 triệu tấn (nhập khẩu 10 triệu tấn – xuất khẩu 0,7 triệu tấn). Do vậy, dự kiến trong năm 2021, Việt Nam vẫn tiếp tục phải nhập khẩu một lượng lớn thép cuộn cán nóng để phục vụ nhu cầu sản xuất trong nước.
CHẶN ĐÀ TĂNG GIÁ THÉP
Theo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), nguồn nguyên liệu sản xuất đầu vào của sản phẩm thép hiện nay đa phần phải nhập khẩu, như quặng sắt, thép phế liệu, than mỡ luyện cốc, điện cực graphite... phụ thuộc rất lớn vào giá nguyên liệu thế giới. Trong thời gian gần đây, giá các nguyên vật liệu sản xuất thép tăng cao đột biến trên thị trường toàn cầu, cùng với dịch bệnh, thời gian giao hàng kéo dài cũng là những lý do khiến giá thép tăng mạnh.
Giá sắt, thép xây dựng tăng cao đã khiến nhiều doanh nghiệp xây dựng lâm cảnh khó khăn do chi phí bị đội lên, nhiều nhà thầu được dự báo mất lãi do phụ thuộc vào nguyên liệu và giá đàm phán với chủ đầu tư. Thậm chí có doanh nghiệp đang đứng trước rủi ro phá sản do không thể gánh được mức tăng liên tục của giá sắt, thép trên thị trường hiện nay. Trước nguy cơ lớn từ giá sắt, thép tăng trên thị trường, Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) đã phải có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ “cầu cứu”.
Ngành xây dựng "vất vả" do giá thép tăng cao
Mới đây nhất, Bộ Xây dựng cũng đã có văn bản 1545/BXD-KTXD gửi các Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Tổng hội Xây dựng Việt Nam, Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam, Hội Kinh tế xây dựng Việt Nam kiến nghị thực hiện các giải pháp để giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch Covid-19 và biến động giá thép đến các hoạt động xây dựng.
Trong đó, Bộ Xây dựng đề nghị UBND các địa phương chỉ đạo Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan theo dõi, bám sát diễn biến của thị trường. Đồng thời phải kịp thời cập nhật, điều chỉnh công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng cho phù hợp mặt bằng giá thị trường, lưu ý tránh bị tác động của các hiện tượng đầu cơ, thổi giá.
Nhằm tránh những ảnh hưởng tiêu cực của việc tăng giá thép, Bộ Công Thương cũng đã có văn bản 2612/BCT-CN gửi Hiệp hội thép Việt Nam và một số doanh nghiệp ngành thép về việc thúc đẩy sản xuất thép thành phẩm cung ứng ra thị trường.
Nội dung văn bản nêu rõ, để đảm bảo việc đáp ứng nhu cầu sản phẩm thép trong nước, Bộ Công Thương đề nghị Hiệp hội Thép Việt Nam và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thép khẩn trương rà soát, xem xét các vấn đề liên quan đến nguyên liệu đầu vào, tiết giảm các chi phí sản xuất nhằm hạ giá thành sản phẩm.
Đồng thời có biện pháp tăng công suất sản xuất thép để đáp ứng tối đa nhu cầu trong nước, hạn chế xuất khẩu các mặt hàng, sản phẩm thép trong nước đang có nhu cầu. Bên cạnh đó, cần thực hiện việc rà soát các đại lý phân phối trong việc cung cấp hàng đến các hộ tiêu thụ, người tiêu dùng, tránh các hiện tượng găm hàng, đẩy giá và cạnh tranh không lành mạnh. "Trong quá trình sản xuất kinh doanh, nếu có các khó khăn vướng mắc đề nghị có kiến nghị cụ thể với Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương có liên quan", Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Việt Nam hiện đang là thành viên của 14 hiệp định thương mại tự do (FTA), mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt tại một số hiệp định này đối với các mặt hàng thép xây dựng tương đối thấp như Hiệp định ASEAN (ATIGA), Việt Nam-Nhật Bản (VJFTA), Việt Nam Hàn Quốc (VKFTA)…
Trước đó, Bộ Công Thương đã đề nghị Thủ tướng chỉ đạo một số bộ có cơ chế hỗ trợ; trong đó, có đề nghị Bộ Tài chính có chính sách điều tiết thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng thép có biến động lớn về giá.
Về vấn đề này, Bộ Tài chính cho biết Việt Nam có thể xem xét việc điều chỉnh chính sách thuế tự vệ đối với phôi thép và các sản phẩm thép xây dựng trong giai đoạn hiện nay để giảm giá thành nguyên liệu đầu vào cho các doanh nghiệp sản xuất thép và giá thép xây dựng bán ra trên thị trường trong nước.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, việc đặt vấn đề giảm mức thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng thép thành phẩm cần được cân nhắc, tính toán cẩn trọng để góp phần thúc đẩy ngành thép trong nước phát triển bền vững. Đồng thời, bình ổn thị trường thép trong nước, bảo đảm tuân thủ đúng các nguyên tắc được quy định trong Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu năm 2016. “Điều quan trọng nhất là cần phải có các giải pháp để cân đối cung cầu, nâng cao năng lực sản xuất thép trong nước”, Bộ Tài chính nhấn mạnh.