Sốt đất ở nhiều tỉnh thành
Tiếp nối cơn sốt đất ở một số khu vực dự kiến trở thành đặc khu kinh tế như Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc từ cuối năm trước, thị trường cũng có nhiều đợt sốt ảo trong mấy tháng đầu năm nay.
Ở khu vực phía Bắc, thông tin Hà Nội xin cơ chế đặc thù để đưa 4 huyện Hoài Đức, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì lên quận vào năm 2020 khiến giá đất khu vực này tăng mạnh. Theo khảo sát của Người Đồng Hành vào giữa tháng 2, giá đất Đông Anh cao nhất 180 triệu đồng/m2, tăng 50% giai đoạn trước.
Báo cáo của Batdongsan.com.vn cũng cho thấy trong 5 năm qua, đất Đông Anh tăng giá 61%, là "điểm nóng" của thị trường Hà Nội. Lượng tìm kiếm nhiều nhất ở mức giá 20 triệu đồng/m2 cho diện tích 30 - 60 m2 hay 60 - 90 m2.
Tại Vân Đồn, Quảng Ninh, giá đất cũng tăng từng ngày, hơn cả Cẩm Phả, thậm chí đắt ngang TP Hạ Long. Giá lên cao nhất chừng 40 - 60 triệu đồng/m2, tăng khoảng 50% chỉ trong 3 tháng.
Vân Đồn thành "đại công trường" trong cơn sốt đất với nhiều dự án phân lô bán nền. Ảnh: Tuấn Tú.
Cơn sốt đất còn lan sang các tỉnh miền Trung như Đà Nẵng, Quảng Nam, tới mức theo thông tin trên truyền thông, từng bờ ao, gốc chuối cũng được định giá cả tỷ đồng. Nguyên nhân từ việc có tin đồn huyện Hoà Vang (Đà Nẵng) lên quận, một số xã thuộc huyện Điện Bàn (Quảng Nam) có thể sáp nhập về Đà Nẵng.
Lãnh đạo các địa phương này cho rằng một số đối tượng "cò" đất đã lợi dụng sự sôi động của thị trường bất động sản, tung tin thất thiệt. Thủ tướng phải ra văn bản chỉ đạo UBND TP Đà Nẵng và UBND tỉnh Quảng Nam ổn định thị trường đất đai trên địa bàn, ổn định tâm lý người dân, tranh nguy cơ “vỡ trận”.
Sau đó, UBND TP Đà Nẵng còn đề nghị Công an TP khẩn trương xử lý các trường hợp tung tin đồn thất thiệt, bịa đặt thông tin không đúng sự thật nhằm gây sốt giá đất để trục lợi và sớm đưa ra xét xử công khai; phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông xử lý các trường hợp đưa thông tin không đúng sự thật trên mạng xã hội.
Sâu hơn vào tới TP Phan Thiết, Bình Thuận, giá đất nền cũng được đẩy lên cao "ăn theo" các dự án lớn của Novaland, VNGroup hay chuẩn bị khởi công sân bay. Khu vực phía Nam, TP HCM và Cần Thơ cũng diễn ra hiện tượng sốt đất cục bộ ở một số khu vực như Cần Giờ, quận 9 hay Cái Răng.
Giao dịch ảo?
Trong một hội thảo đầu tháng 4, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, cho biết quý đầu năm, đất Quảng Ninh, Đà Nẵng và một vài nơi khác sốt nóng nhưng số liệu giao dịch thấp, ít. Thống kê cho thấy Đà Nẵng chỉ có 100 giao dịch, Vân Đồn là 165 giao dịch. Giá bán hàng đến từ các nhà đầu tư và nhà đầu tư thứ cấp, còn khách hàng thì đang có tâm lý chững lại, thăm dò.
Ông Nguyễn Văn Đính còn nêu các địa phương có quy hoạch, chuyển đổi từ nông thôn thành đô thị, chắc chắn giá BĐS sẽ tăng. Tuy nhiên, mức tăng 3 - 5% đối với đất nền là phù hợp, còn nếu tăng 20 - 30% thì cần phải xem xét lại.
Một nhà đầu tư lâu năm trên thị trường xin phép giấu tên đánh giá việc sốt đất phần lớn do môi giới truyền tay nhau đẩy giá, người dân lao vào đầu tư theo. Những thông tin tích cực hỗ trợ chỉ là phần nào, nếu tăng phi mã trong một thời gian ngắn thì nên đề phòng, bởi khi ở mức giá quá cao hơn thực tế thì thanh khoản không dễ dàng.
Ông Phạm Lâm, Tổng giám đốc Công ty cổ phần DKRA Việt Nam, chỉ ra trong lúc hỗn loạn giá đất luôn có những bất thường và mập mờ về thông tin. Chỉ ra nguyên nhân sốt đất nền, ông Lâm nhấn mạnh yếu tố hạ tầng giao thông, quỹ đất lớn từ các chủ đầu tư, quỹ đất TP HCM khan hiếm giá cao... Nhưng yếu tố ông Lâm nhận thấy chính là tâm lý nặng về sở hữu nhà đất của người dân, coi đất là tài sản lâu dài còn mãi với sổ đỏ riêng biệt.
Vì vậy, đại diện DKRA Việt Nam nhấn mạnh thị trường đang có nhiều điểm hút nhà đầu tư, kể cả đầu cơ, nhưng khi có nhiều thông tin nhiễu loạn thì người mua cần bình tĩnh đưa ra quyết định hợp lý. Khi quyết định rót tiền, quan trọng nhất là người dân phải cân nhắc sự an toàn đầu tư, cần đề phòng khả năng mất vốn trước khi nghĩ rằng mình lời bao nhiêu.
Mới đây, trong Chỉ thị số 11 về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản, Thủ tướng tiếp tục chỉ đạo UBND các tỉnh, thành theo dõi, nắm bắt thông tin, tình hình diễn biến của thị trường và thực hiện các biện pháp xử lý kịp thời để bình ổn thị trường, không để xảy ra tình trạng sốt giá, bong bóng bất động sản trên địa bàn.