Bộ Y tế đang lấy ý kiến góp ý dự thảo lần I Thông tư quy định tiêu chuẩn sức khỏe của nhân viên làm việc trong ngành đường sắt. Một lần nữa, những nội dung do Bộ Y tế đưa ra được cho là "có vấn đề" khi một số quy định như: vòng ngực, bộ phận sinh dục, răng vẩu... là tiêu chí cho việc khám tuyển dụng và khám định kỳ.
Khám tất tần tật
Theo dự thảo lần này, với lái tàu, phụ lái tàu, tiêu chuẩn tuyển của nam giới phải cao từ 1,64 m trở lên, cân nặng từ 52 kg, vòng ngực trung bình từ 80 cm, lực bóp tay thuận từ 37 kg. Tương tự, với nữ là cao từ 1,58 m, cân nặng từ 47 kg, vòng ngực trung bình từ 75 cm.
Trong phụ lục về tiêu chuẩn chức năng sinh lý, bệnh tật, các trường hợp bị lác, dị dạng vành tai, viêm mũi mạn tính, viêm mũi dị ứng, nói lắp, răng vẩu (khoảng cách 2 hàm lớn hơn 0,5 cm), răng sâu men, ngà trên 3 cái, khớp cắn di lệch, cắt một thận, bệnh tâm thần phân liệt, bệnh giun chỉ, viêm dạ dày, trĩ... đều không đủ điều kiện tuyển.
Đặc biệt, với những hạng mục liên quan đến chức năng sinh lý, sinh dục, nếu nam giới bị tràn dịch màng tinh hoàn, thiếu tinh hoàn hoặc tinh hoàn ẩn, mắc bệnh niệu đạo, dương vật phải can thiệp... được xếp vào không đủ điều kiện tuyển cho vị trí lái tàu, phụ lái tàu.
Cũng ở những vị trí này, sẽ loại các trường hợp nữ bị sa âm đạo, tử cung, biểu hiện viêm cạnh tử cung, viêm mạn tính vòi trứng với các cơ quan bên cạnh điều trị không kết quả, u xơ tử cung chưa mổ hoặc đã mổ...
Ông Lê Lương Đống, Trưởng Phòng Phục hồi chức năng, Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế - thành viên ban soạn thảo thông tư trên, cho rằng lái tàu là nghề đặc biệt hơn các ngành nghề khác, sức khỏe người lái tàu có ảnh hưởng đến nhiều người. Người lái tàu thường lái đường dài, đường rừng núi. Không giống như nghề lái xe, nghề lái tàu nếu có bệnh thì không thể tự nhiên dừng lại để vào trạm xá hay bệnh viện chữa được. Do đó, các điều kiện sức khỏe với người lái tàu cũng phải sàng lọc ngay từ khâu đầu vào bằng việc khám sức khỏe. Nếu có bệnh thì phải điều trị ngay, không khỏi phải bố trí công việc khác.
Hàng loạt tiêu chí phi lý được đưa vào dự thảo thông tư quy định tiêu chuẩn sức khỏe của nhân viên làm việc trong ngành đường sắt. Ảnh: HUY THANH
Nhiều tiêu chí chẳng liên quan
Dưới góc độ chuyên môn, một bác sĩ có kinh nghiệm trong lĩnh vực khám sức khỏe cho biết với những quy định về vòng ngực ở nữ là không phù hợp. "Hiện tại, ở Việt Nam chưa có quy chuẩn về số đo hình thể để đưa ra so sánh xem nữ nhân viên phục vụ có đủ sức khỏe hay không" - vị bác sĩ nói.
Với những mục liên quan đến chức năng sinh lý, sinh dục, vị này cho rằng khó để đánh giá tình trạng sức khỏe của lái tàu. "Những vẫn đề như tràn dịch tinh hoàn, viêm cạnh tử cung, u nang buồng trứng chỉ là vấn đề sinh lý, không quyết định họ khỏe hay không" - chuyên gia này cho hay.
Theo bác sĩ này, phải xem xét điều kiện tiên quyết của người lái tàu cần gì, dựa trên đó mới xây dựng tiêu chuẩn sức khỏe cho người lái tàu. Chẳng hạn, vô lăng của tàu cao bao nhiêu để quy định chiều cao của người lái tàu, thuận lợi cho việc điều khiển tàu; cơ lực như thế nào thì bẻ lái tàu được, còn vòng ngực không quyết định việc có đủ sức lái tàu hay không. Hay không thể quy định người răng vẩu không được lái tàu bởi răng vẩu không liên quan đến nghề nghiệp.
Bình luận về dự thảo của Bộ Y tế, ông Bùi Văn Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế đường sắt, cho rằng khi xây dựng dự thảo, Bộ Y tế đã mời "rất nhiều chuyên gia y tế ở các bệnh viện hàng đầu như Bạch Mai, Việt Đức, Tai Mũi Họng, Nội tiết, Tâm thần, Phụ sản trung ương để tham vấn xây dựng dự thảo". Ngành đường sắt cũng đang xem xét dự thảo chứ chưa có ý kiến.
Về những quy định liên quan đến quy định khám bộ phận sinh dục, chức năng sinh sản hay quy định về "ngực lép", giám đốc Trung tâm Y tế đường sắt cho biết đây không phải quy định chỉ có ở Việt Nam, các nước khác cũng vậy, vì "liên quan đến an toàn".