Sau Kiên Giang, Quảng Ninh giờ đến lượt Khánh Hòa yêu cầu tạm dừng chuyển mục địch sử dụng đất, tách thửa, chuyển quyền sử dụng đất tại khu vực dự kiến hình thành đặc khu kinh tế. Tuy nhiên, mặc cho chính quyền đang vào cuộc chặn cơn sốt đất thì những ngày gần đây, thông tin rao bán đất lâm nghiệp, đất rừng, thậm chỉ rao bản cả một phần hòn đảo vẫn đang diễn ra rầm rộ.
Cụ thể, tại vân Đồn một môi giới tên Nghĩa rao bán "Bán đảo tư nhân tại Ngọc Vừng, Vân Đồn, Quảng Ninh, diện tích 2 ha, giá 1.5 tỷ - Loại đất 50 năm, tất cả được bao bọc bởi biển". Thậm chí môi giới này còn trưng giáy chứng nhận quyền sử dụng đất kèm theo.
Môi giới rao bán cả đảo tư nhân.
Cũng tại Vân Đồn, một môi giới bất động sản khác cũng đang rao bán đảo Sậu Nam, một hòn đảo nguyên sinh tại đây. Theo giới thiệu, đảo có diện tích 650 ha, chiều dài khoảng 9km. Trong đó, đất rừng tự nhiên là hơn 400 ha, còn hơn 200 ha là rừng trồng.
Bên cạnh những hòn đảo, không ít lô đất rừng có diện tích vài ha cũng được rao bán với những lời quảng cáo phù hợp để làm khách sạn, resort... Giá bán của những lô đất này được chào mời dao động từ 400 đến 600 triệu đồng mỗi ha.
Trước lo lắng về lệnh tạm dừng chuyển nhượng mọi giao dịch, chuyển nhượng đất trên địa bàn huyện Vân Đồn, một môi giới tên Huy cho chúng tôi biết: "Ở Vân Đồn thời gian gần đây giao dịch vẫn được thực hiện bình thường. Nếu có nhu cầu chỉ cần ra phòng công chứng rồi nộp hồ sơ tại phòng Tài nguyên & Môi trường chờ khoảng 1 tháng đến 1,5 tháng là xong".
"Hiện tỉnh Quảng Ninh chỉ cấm việc sang tên nhưng phòng Tài nguyên & Môi trường vẫn nhận hồ sơ nên khách hàng có thể hoàn toàn yên tâm về tính pháp lý của giao dịch", môi giới này khẳng định.
Giống như Vân Đồn, tình trạng rao bán đất lâm nghiệp tại Phú Quốc vẫn đang diễn ra rầm rộ bất chấp lệnh tạm dừng của UBND tỉnh Kiên Giang từ ngày 2/5 về việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với các trường hợp phân lô, tách thửa có diện tích dưới 500m2 trên địa bàn huyện.
Thông tin rao bán đất Phú Quốc vẫn được rao bán rầm rộ trên mạng.
Trao đổi với một môi giới tên Huy, anh này khẳng định hiện nay những lô đất trồng cây lâu năm trên 500m2 khách hàng vẫn có thể mua bán, chuyển nhượng và chuyển đổi quyền sử dụng đất bình thường bởi hiện tỉnh chỉ cấm phân lô tách thửa diện tích đất dưới 500m2.
Môi giới này cũng lưu ý thêm là khách hàng chỉ nên mua những lô đất trồng cây lâu năm nhưng đã nằm trong quy hoạch là đất ở thì mới có thể dễ dàng chuyển đổi dễ dàng, tuyệt đối không nên mua đất không nằm ngoài vùng quy hoạch.
Cũng giống như Vân Đồn, Phú Quốc dù mới đây UBND tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản yêu cầu tạm dừng chuyển nhượng, chuyển đổi mục đích đất tại Vân Phong nhưng sau lệnh tạm dừng, giao dịch có hạ nhiệt nhưng cơn sốt vẫn âm ỉ.
"Đất tại Vân Phong vẫn chưa thể hết sốt được do nhu cầu mua bán trên thị trường còn rất nhiều. Tỉnh chỉ tạm dừng thôi chứ không cấm, nên người dân vẫn mua bán với nhau qua giấy viết tay rồi nộp lên phòng Tài nguyên Môi trường chờ thông qua luật đặc khu rồi sang tên là xong", một chủ đất tại Vân Phong cho biết.
Theo đánh giá của các chuyên gia, việc dừng chuyển nhượng đất đai tại 3 đặc khu sẽ gây ra nhiều huệ lụy cho thị trường. Bởi nhu cầu mua bán của người dân vẫn rất lớn, nếu cấm sẽ xuất hiện những trường hợp chuyển nhượng bất hợp pháp, chuyển nhượng chui bằng giấy viết tay. Nếu tình trạng này xảy ra trên diện rộng sẽ gây bất ổn tình hình kinh tế xã hội.
Để giải quyết tình trạng này, theo GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, vấn đề là phải công khai quy hoạch và những nơi nào thu hồi đất để giao cho dự án đầu tư, khu vực nào phát triển nông nghiệp… Từ đó, mọi người đều hiểu rõ đất nào có thể sinh lợi khi nhận chuyển nhượng và đất nào không thể.