Từ khoản nợ vài tỉ đồng đến những lô bất động sản (BĐS) trị giá hàng ngàn tỉ đồng là tài sản bảo đảm cho các khoản nợ đang được nhiều ngân hàng (NH) thương mại rao bán.
Hầu hết là bất động sản
Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) vừa công bố kế hoạch kinh doanh năm 2018, theo đó sẽ mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt phát hành trong năm nay tối đa 32.000 tỉ đồng và mua nợ theo giá thị trường là 3.500 tỉ đồng. Trong năm nay, tổng số tiền xử lý các khoản nợ xấu đã được phê duyệt khoảng 34.504 tỉ đồng (dư nợ gốc).
Mới đây, VAMC đã thu giữ tài sản bảo đảm là 13 quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại cùng lô đất số 195 Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 3) để xử lý thu hồi nợ xấu theo quy định. Đây là tài sản bảo đảm của Công ty CP Thành phố Xanh thế chấp bảo đảm cho nghĩa vụ trả nợ của công ty và nhóm 5 khách hàng khác tại Agribank.
Trước đó, VAMC và NH TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã xiết nợ và rao bán đấu giá khoản nợ gần 2.400 tỉ đồng của Công ty CP Thuận Thảo Nam Sài Gòn và 95 khách hàng cá nhân tại BIDV Chi nhánh Phú Tài (Phú Yên). Trong đó, khoản nợ tại VAMC đến giữa năm 2018 có tổng dư nợ gốc và lãi hơn 1.905 tỉ đồng và khoản nợ tại BIDV với tổng dư nợ gốc và lãi hơn 473 tỉ đồng. Tài sản bảo đảm cho khoản nợ là các quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất của doanh nghiệp này ở quận 1, huyện Bình Chánh (TP HCM) và 5,2 triệu cổ phiếu của Công ty CP Thuận Thảo thuộc sở hữu của bà Võ Thị Thanh (Chủ tịch HĐQT Thuận Thảo Nam Sài Gòn).
Bên cạnh đó, BIDV cũng thông báo chọn tổ chức đấu giá tài sản cho khoản nợ của khách hàng là Công ty CP Tiến Nga (VAMC đã ủy quyền cho NH này thực hiện xử lý nợ). Tài sản bảo đảm cho khoản nợ vay gồm 2 hệ thống kho bãi tập trung tại ICD Tân Cảng, Long Bình và Phước Tân (Biên Hòa, Đồng Nai); các quyền sử dụng đất của công ty này ở Biên Hòa, Đồng Nai; quyền đòi nợ và khoản phải thu của các đối tác công ty Tiến Nga. Giá khởi điểm hơn 667 tỉ đồng, trong đó nợ gốc là 459 tỉ đồng.
Ngoài ra, NH TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) vừa rao bán đấu giá hàng loạt tài sản bảo đảm là các BĐS trị giá hàng chục ngàn tỉ đồng. Cụ thể, Sacombank rao bán toàn bộ dự án khu nhà ở cao tầng và vui chơi thể dục thể thao tiểu khu 3 (khu dân cư Bình Trị Đông) và một phần thửa đất số 122, tờ bản đồ số 107 ở quận Bình Tân, TP HCM. Giá khởi điểm của dự án này là 6.698 tỉ đồng.
Một lô BĐS "khủng" khác được Sacombank rao bán đấu giá là dự án KCN Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP HCM, với giá khởi điểm hơn 7.600 tỉ đồng. Dự án có tổng diện tích 134 ha, nằm trên mặt tiền đường Nguyễn Văn Linh, có thời hạn sử dụng đất là 50 năm. Ngoài ra, Sacombank cũng đang rao bán đấu giá hàng loạt BĐS ở khu vực TP HCM và nhiều địa phương khác với giá từ vài chục tỉ đồng đến cả ngàn tỉ đồng.
Trong tháng 8 và 9, NH TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) cũng rao bán hàng loạt tài sản bảo đảm với giá từ vài chục tỉ đến hàng trăm tỉ đồng để xử lý thu hồi nợ. Chẳng hạn, VietinBank Chi nhánh Sầm Sơn thông báo bán đấu giá tài sản là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại đường Nguyễn Du (TP Sầm Sơn, Thanh Hóa) với giá khởi điểm 130 tỉ đồng. VietinBank Chi nhánh TP HCM thông báo thu giữ tài sản bảo đảm của Công ty CP NIVL (trụ sở tại Long An) để thu hồi khoản nợ gốc và lãi 236,4 tỉ đồng và hơn 875.500 USD.
Theo đại diện VietinBank, việc rao bán đấu giá các khoản nợ với tần suất liên tục gần đây thể hiện quan điểm của NH là quyết liệt và tích cực xử lý nợ. Rao bán cũng thể hiện việc công khai, minh bạch trong quá trình xử lý, thu hồi nợ. Đồng thời, việc xử lý nợ xấu được NH thực hiện thường xuyên, liên tục và quyết liệt từ nhiều năm nay. Tính đến cuối năm 2017, NH này đã mua lại hơn 7.000 tỉ đồng nợ xấu từ VAMC và đến giữa năm nay, NH này cũng xóa sạch nợ tại VAMC.
Khu đất 193-195 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường 7, quận 3, TP HCM vừa bị VAMC thu giữ, chuẩn bị rao bán đấu giá để thu hồi nợ. Ảnh: TẤN THẠNH
Đẩy nhanh tiến độ thu hồi nợ
Thống kê của NH Nhà nước, đến giữa năm nay, tỉ lệ nợ xấu so với tổng dư nợ tín dụng là 2,09%, giảm so với mức 2,46% vào thời điểm cuối năm 2016. Các NH thương mại đã triển khai giải pháp xử lý nợ xấu đồng bộ với kiểm soát, phòng ngừa nợ xấu mới phát sinh. Nghị quyết 42 của Quốc hội cũng tạo điều kiện quan trọng góp phần xử lý nợ xấu tại các tổ chức tín dụng triệt để và thực chất hơn.
TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc Bộ phận đầu tư của Savills Việt Nam, nhận xét việc thị trường BĐS hồi phục gần đây đã góp phần giúp tiến độ xử lý nợ xấu thuận lợi hơn. Cả nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đều rất quan tâm đến quá trình đấu giá các tài sản bảo đảm là BĐS để thu hồi nợ của NH thương mại. Tuy nhiên, khung pháp lý hiện vẫn là rào cản, nhất là với nhà đầu tư nước ngoài. "Đối với nhà đầu tư nước ngoài, họ rất quan tâm đến các dự án BĐS được NH thương mại rao bán, từ dự án vài tỉ đến cả ngàn tỉ đồng. Nhưng dự án phải sạch, vì để mua sở hữu và làm sống lại dự án đó lại là câu chuyện rất khác nhau, mà yếu tố đầu tiên phải giải quyết là pháp lý" - TS Khương nhìn nhận.
Về vấn đề này, NH Nhà nước đã kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm ban hành các quy định, hướng dẫn cụ thể để áp dụng thống nhất tại các địa phương về vấn đề xử lý tài sản bảo đảm là dự án BĐS còn dở dang. Đồng thời, kiến nghị Bộ Tư pháp xem xét có văn bản chỉ đạo Tổng cục Thi hành án dân sự xây dựng cơ chế, chính sách và hướng dẫn cơ quan thi hành án các cấp thực hiện có hiệu quả các giải pháp của Nghị quyết 42; nghiên cứu, bổ sung hướng dẫn cụ thể về trường hợp đơn đăng ký giao dịch bảo đảm thiếu chữ ký của bên thế chấp…
Ở góc độ khác, có ý kiến lo ngại việc các NH thương mại dồn dập bán nợ xấu, "đua" bán đấu giá các khoản nợ là BĐS liệu thị trường có hấp thụ hết? Tổng giám đốc một NH cổ phần tại TP HCM cho rằng dù nhà đầu tư nước ngoài lo ngại rủi ro pháp lý khi mua tài sản bảo đảm có nợ xấu nhưng nhà đầu tư trong nước lại rất quan tâm. Những tài sản bảo đảm là BĐS có tính khả thi, ở vị trí hấp dẫn luôn có người quan tâm, nhất là khi được bán với giá gốc hoặc bán theo giá thị trường.
Sớm xử lý nợ xấu của doanh nghiệp nhà nước
Để tiếp tục gỡ vướng và đẩy nhanh tiến độ thu hồi nợ xấu, NH Nhà nước đã kiến nghị các bộ, ban ngành tiếp tục hỗ trợ. Cụ thể, Bộ Tài chính sớm triển khai giải pháp về xử lý các khoản nợ xấu liên quan đến nợ đọng xây dựng cơ bản có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước trung ương địa phương; nợ xấu của doanh nghiệp nhà nước, nợ xấu cho vay theo các chương trình dự án, chỉ định của Chính phủ, Thủ tướng, nợ được Chính phủ bảo lãnh. Tiếp tục có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan thuế rõ ràng và cụ thể hơn để thực hiện đúng Nghị quyết 42 về thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm và nghĩa vụ nộp thuế.