Ngày 28/6 tới đây chứng quyền có bảo đảm (covered warrant) sẽ chính thức được niêm yết tại Sở GDCK Tp.HCM. Tính đến thời điểm hiện tại, có 8 CTCK phát hành CW bao gồm Chứng khoán SSI (SSI), Chứng khoán TP HCM (HSC), Chứng khoán BSC (BSC), Chứng khoán Bản Việt (VCSC), Chứng khoán VPBank (VPS), Chứng khoán MB (MBS), Chứng khoán VNDirect (VNDS) và Chứng khoán KIS Việt Nam.
Chúng tôi đã có buổi phỏng vấn bà Trần Thị Mỹ Linh – Trưởng phòng Phát triển Sản phẩm Chứng khoán của Công ty HSC về các điểm nhà đầu tư cần lưu ý khi giao dịch CW.
Lần đầu phát hành CW trên hai cổ phiếu MBB và MWG, theo bà sản phẩm này của HSC có gì nổi bật để thu hút nhà đầu tư?
Các doanh nghiệp mà HSC lựa chọn làm tài sản cơ sở cho chứng quyền sẽ là những công ty có kết quả kinh doanh tốt và còn dư địa phát triển, ngoài ra các cổ phiếu này cần có mức định giá hợp lý, còn tiềm năng tăng giá trong ngắn hạn và có thanh khoản dồi dào, đủ đáp ứng cho nhu cầu phòng ngừa rủi ro ngay cả khi thị trường cơ sở có những biến động không thuận lợi.
Hai sản phẩm CW của HSC phát hành đợt đầu
Khi phát hành, các chứng quyền này sẽ được điều chỉnh bởi tỷ lệ chuyển đổi, giá thực hiện và kỳ hạn để có mức giá phát hành phù hợp (xoay quanh 2.000 – 3.000 đ/chứng quyền) và có tỷ lệ đòn bẩy vào khoảng 4 – 6 lần. Tùy vào diễn biến giao dịch khi thị trường chứng quyền đi vào vận hành chính thức, HSC sẽ có những tinh chỉnh về mặt kỹ thuật cho các thông số phát hành để phù hợp với khẩu vị và nhu cầu của nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, HSC cũng sẽ nỗ lực để cung cấp thanh khoản cho các chứng quyền này sau khi niêm yết. Dựa trên kinh nghiệm sẵn có trong việc tạo lập thị trường cho các sản phẩm khác, Công ty sẽ thực hiện yết giá chào mua/chào bán chứng quyền với biên độ giá thấp và sẽ cập nhật giá liên tục theo diễn biến giá chứng khoán cơ sở, nhằm giúp giảm chi phí giao dịch chứng quyền và đảm báo nhà đầu tư có thể giao dịch chứng quyền tại mức giá hợp lý so với kỳ vọng về chứng khoán cơ sở.
Nhận định của HSC về tương lai của thị trường sau khi CW chính thức được đưa vào thị trường?
Chúng tôi nghĩ nhà đầu tư sẽ mất một thời gian (từ 3 – 6 tháng) để tìm hiểu và làm quen với sản phẩm nên không kỳ vọng thị trường chứng quyền sẽ có giao dịch sôi động ngay từ đầu. Theo quan sát tại một số thị trường trong khu vực như Thái Lan, Đài Loan, sản phẩm chứng quyền phải mất 2-3 năm trước khi có khối lượng giao dịch đáng kể. Tuy vậy, ngay cả tại một số thị trường nơi chứng quyền được đưa vào giao dịch từ rất sớm như Thái Lan, Malaysia, Singapore… khối lượng giao dịch của chứng quyền chỉ chiếm dưới 5% khối lượng giao dịch của thị trường cơ sở.
Về dài hạn, chúng tôi kỳ vọng quy mô thị trường sẽ dần tăng lên với nhiều mã chứng quyền được niêm yết với nhiều cấu trúc khác nhau, do nhiều công ty chứng khoán phát hành để phù hợp với từng khẩu vị của nhà đầu tư. Tuy nhiên, về cơ bản thì chứng quyền vẫn là một dạng sản phẩm phái sinh, do đó sức hấp dẫn của chứng quyền phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng của tài sản cơ sở và thanh khoản trên thị trường cổ phiếu. Do thời gian đầu chỉ có chứng quyền mua được phép phát hành tại Việt Nam, nhà đầu tư sẽ chỉ quan tâm đến chứng quyền nếu họ kỳ vọng thị trường cơ sở hồi phục và có động lực tăng trưởng trong dài hạn.
Theo chia sẻ, các CTCK trong đợt chào bán lần đầu thì rất thận trọng với số lượng không quá nhiều, nhằm demo cũng như đánh giá thêm về rủi ro, vận hành... Kế hoạch của HSC sẽ như thế nào?
Vì đây là một sản phẩm mới và có tính chất phức tạp, HSC sẽ tham gia với quan điểm khá thận trọng, với mục tiêu hoàn thiện quy trình vận hành theo từng giai đoạn. Thời gian đầu, chúng tôi dự định sẽ phát hành các chứng quyền với quy mô nhỏ, với mục tiêu sử dụng các chứng quyền này làm sản phẩm demo cho khách hàng, giúp khách hàng tìm hiểu về sản phẩm cũng như chuẩn hóa các quy trình, hệ thống vận hành đi kèm. Với các đợt phát hành đầu tiên, HSC sẽ tập trung tổ chức đào tạo cho nhà đầu tư nhằm giúp họ hiểu rõ về sản phẩm trước khi ra quyết định giao dịch.
Nếu thị trường thuận lợi, dựa trên những hiểu biết về sản phẩm và kinh nghiệm tích lũy từ các đợt phát hành, chúng tôi có thể nhanh chóng gia tăng quy mô phát hành và đẩy mạnh việc chào bán sản phẩm để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Nhiều nhà đầu tư lo ngại việc các tổ chức phát hành là CTCK có thể "bắt tay" nhau làm giá chứng khoán, ông/bà có nhận định gì về quan điểm này?
- HSC đánh giá việc này là khó xảy ra vì sẽ ảnh hưởng đến danh tiếng của TCPH khi thực hiện làm giá. Trong khi đó, việc nhiều tổ chức cùng bắt tay nhau để thực hiện làm giá là khó xảy ra vì phải thống nhất các lợi ích của các bên, và sẽ có trường hợp 1 vài CTCK không thực hiện theo kế hoạch nếu lợi ích thu về từ việc từ bỏ cam kết lớn hơn lợi ích bất chính từ việc làm giá (theo lý thuyết game theory).
Nếu thực hiện làm giá cho một vài đợt phát hành ban đầu, CTCK đó sẽ khó chào bán CW cho các đợt phát hành sau đó của mình. Cần phải có một nguồn vốn lớn để có thể tác động lên giá cơ sở, do các chứng khoán cơ sở phần lớn có thanh khoản cao trên thị trường. Và CTCK không phải là thành viên duy nhất của thị trường nên rất khó kiểm soát được cung/cầu của các cổ phiếu này.
Hầu hết các tổ chức phát hành không có động cơ để làm việc này, vì nghĩa vụ thanh toán cho nhà đầu tư được đảm bảo bởi danh mục phòng ngừa rủi ro, nên về cơ bản là CTCK không chịu nhiều rủi ro thị trường từ việc chứng khoán cơ sở tăng hoặc giảm giá nếu thực hiện rủi ro tốt. Nguồn lợi nhuận chủ yếu từ chứng quyền cho TCPH là phí thu về khi bán chứng quyền, nên CTCK mong NĐT có thể thu lợi nhuận từ việc giao dịch chứng quyền này để có thể mua được nhiều chứng quyền hơn trong các đợt phát hành mới.
Cuối cùng, lợi nhuận từ việc làm giá không phải là một nguồn thu bền vững cho CTCK.
Tại HSC, chúng tôi tham gia thị trường với mục tiêu dài hạn là xây dựng một thị trường chứng khoán phát triển lành mạnh, có thanh khoản cao nên cần có thị trường chứng quyền phát triển để có thể thu lợi từ các mảng kinh doanh bền vững (sustainable) như phí môi giới cổ phiếu, lãi vay margin, phí phát hành chứng quyền.
HSC có lời khuyên nào về chiến lược đầu tư CW cho nhà đầu tư?
Do đặc điểm của chứng quyền là sản phẩm mang tính đòn bẩy cao, chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư phải hiểu thật rõ về rủi ro của sản phẩm và có kỷ luật chặt chẽ khi tham gia giao dịch. Nhà đầu tư cần đặt ra kỳ vọng về diễn biến giá cơ sở và đặt các mốc chốt lời/cắt lỗ mục tiêu dựa trên diễn biến giá cơ sở trước khi đặt lệnh giao dịch chứng quyền.
Do chứng quyền có giá trị tương đối thấp, chúng tôi khuyến khích nhà đầu tư thử nghiệm giao dịch với một số vốn ban đầu tương đối nhỏ trên một số mã chứng quyền đã niêm yết. Sau khi giao dịch một thời gian, nhà đầu tư có thể hiểu hơn về các đặc tính của chứng quyền, cách xác định giá cũng như đánh giá được chất lượng tạo lập thị trường của từng tổ chức phát hành và xác định được cách đầu tư chứng quyền phù hợp với mình.
Tuy nhiên, do tính đòn bẩy và vòng đời có giới hạn của chứng quyền nên chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư không nên dành nhiều tỷ trọng danh mục đầu tư cho sản phẩm này. Chứng quyền nên là sản phẩm dùng cho mục đích trading (mua-bán với kỳ hạn ngắn tại các thời điểm phù hợp) với mục tiêu gia tăng tỷ suất lợi nhuận của danh mục đầu tư, hơn là mua và nắm giữ cho mục đích đầu tư dài hạn như cổ phiếu.
Xin cảm ơn bà.