Các ngân hàng vừa và nhỏ đang trả lãi suất tiết kiệm cao nhất thị trường, thậm chí lên tới 7,4%/năm. Tuy nhiên, rất khó để nhận được mức lãi suất này.
Bảng tổng hợp lãi suất tiết kiệm được Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) công bố ngày 2.6 cho thấy, lãi suất VND trung bình có diễn biến tăng nhẹ trong tháng 5.2021 đối với cả kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng.
Theo đó, trung bình lãi suất huy động 6 tháng và 12 tháng của các ngân hàng tăng lần lượt 0,004% và 0,002%, lên 4,82% và 5,64% vào cuối tháng 5.
Để nhận được lãi suất 7,4%/năm phải có số tiền gửi từ 30 tỉ đồng trở lên. Ảnh: H.N |
Tuy nhiên, theo BVSC, 2 kỳ hạn này chứng kiến những xu hướng khác nhau giữa các nhóm ngân hàng. Trong đó, nhóm ngân hàng có gốc quốc doanh tiếp tục không thay đổi lãi suất tiết kiệm với 2 kỳ hạn trên trong tháng thứ 3 liên tiếp, trung bình ở mức 3,725 và 5%/năm.
Tương tự, nhóm ngân hàng có quy mô lớn vốn trên 5.000 tỉ đồng điều chỉnh lãi suất giảm nhẹ, lần lượt là 0,009% và 0,005%, xuống mức trung bình 4,695% và 5,53%/năm.
Lãi suất tiết kiệm tăng lên tại các ngân hàng nhỏ. Ảnh: BVSC |
Ngược lại, nhóm ngân hàng có quy mô nhỏ vốn dưới 5.000 tỉ đồng chứng kiến mức tăng lãi suất tiết kiệm lần lượt là 0,02% cho kỳ hạn 6 tháng và 0,01% đối với kỳ hạn 12 tháng, lên mức 5,4% và 6,02%.
Theo mẫu thống kê của BVSC, với kỳ hạn 6 tháng, lãi suất huy động thấp nhất và cao nhất hiện đang vẫn đang được áp dụng ở mức 3,5 và 6,05%. Đối với kỳ hạn 12 tháng, lãi suất huy động thấp nhất tiếp tục ở mức 4,6% và cao nhất là 6,9%.
Theo tìm hiểu của PV Báo Lao Động, ở thời điểm ngày 2.6, mức lãi suất 6,7-6,9% được ghi nhận là lãi suất tiết kiệm phổ biến cao nhất trên thị trường và chủ yếu xuất hiện tại một số ngân hàng có quy mô nhỏ như KienLongBank, SCB, NamABank, áp dụng với các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.
Cá biệt, có một số ngân hàng hiện áp dụng mức lãi suất tiết kiệm lên tới 7,1% đến cao nhất 7,4%/năm nhưng thường kèm theo các điều kiện chặt chẽ về kỳ hạn và số tiền gửi.
Như tại ngân hàng Á Châu (ACB), người gửi tiết kiệm VND sẽ nhận được lãi suất lên tới 7,1%/năm khi gửi ở kỳ hạn 13 tháng lĩnh lãi hàng tháng và thậm chí tới 7,4%/năm khi lĩnh lãi cuối kỳ. Đây được coi là mức lãi suất tiết kiệm cao nhất trên thị trường hiện nay.
Tuy nhiên, theo thông báo của ngân hàng ACB, để được hưởng lãi suất này, người gửi tiết kiệm phải có số tiền gửi từ 30 tỉ đồng trở lên.
Lý giải về xu hướng lãi suất tiết kiệm đi lên tại một số ngân hàng, BVSC cho hay, hiện tại hoạt động cho vay tại các ngân hàng đang có dấu hiệu tăng nhanh hơn so với cùng kỳ (đạt 3,34% tính tới ngày 16.4.2021, so với mức 2% tính tới cuối tháng 5.2020) và nhanh hơn tăng trưởng huy động vốn.
Diễn biến này cho thấy thanh khoản hệ thống ngân hàng trong năm 2021 nhiều khả năng sẽ không còn dư thừa nhiều như trong năm 2020. Do đó, lãi suất huy động được dự báo có thể sẽ có diễn biến tăng nhẹ trở lại về phía cuối năm.
Thực tế trong tuần cuối của tháng 5.2021, lãi suất liên ngân hàng cũng tiếp tục có diễn biến tăng ở cả 3 loại kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 2 tuần, với mức tăng lần lượt là 0,21%, 0,28% và 0,2%.
BVSC cho rằng tín dụng tăng tương đối nhanh trong thời gian vừa qua nhiều khả năng đã làm giảm bớt thanh khoản thị trường ngân hàng, góp phần làm lãi suất liên ngân hàng tăng liên tục trong các tuần gần đây.
(Theo Lao Động)