Bảo vệ uy tín loại rau truyền thống
Ấp Kênh 3A là một trong những địa phương trồng rau cần nước nhiều nhất tại tỉnh Kiên Giang với 9ha. Thời gian qua, do sâu bệnh xuất hiện nhiều nên người trồng rau cần nước nơi đây có lúc đã lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật để đảm bảo năng suất, khiến người tiêu dùng e ngại khi sử dụng.
Ấp Kênh 3A là một trong những địa phương trồng rau cần nước nhiều nhất tại tỉnh Kiên Giang với 9ha. (Ảnh: NQ)
Để lấy lại niềm tin của khách hàng với sản phẩm rau cần nước đã tồn tại hơn 50 năm ở địa phương, các hộ nông dân dưới sự hỗ trợ của chính quyền địa phương đã từng bước thay đổi nhận thức, tự nguyện tham gia mô hình sản xuất rau cần nước đạt tiêu chuẩn VietGAP (quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt) và áp dụng ngay trên ruộng nhà mình. Đến nay, ấp Kênh 3A đã trở thành nơi cung ứng rau cần nước ra thị trường với số lượng 2-3 tấn mỗi ngày. Dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 này, sản lượng cung ứng rau cần nước của ấp ra thị trường sẽ tăng, bởi rau cần là 1 trong những loại rau ăn Tết.
Nông dân nỗ lực lấy lại uy tín loại rau truyền thống. (Ảnh: NQ)
Theo thạc sĩ Phạm Thị Thu Trang - Phó Trưởng Phòng NNPTNT huyện Tân Hiệp, chủ nhiệm đề tài khoa học Xây dựng mô hình sản xuất rau cần nước tại huyện Tân Hiệp đạt tiêu chuẩn VietGAP, khi được tuyên truyền, vận động tham gia mô hình trồng rau cần nước VietGAP, đa số bà con nông dân đều nhiệt tình hưởng ứng. Đề tài khoa học này được triển khai thực hiện 2ha làm thí điểm, sau đó nhân rộng ra 100% diện tích của toàn ấp.
Được biết, nhóm thực hiện đề tài đã hướng dẫn nông dân ghi chép nhật ký đồng ruộng, áp dụng đồng bộ quy trình sản xuất rau cần nước theo chuẩn VietGAP như: Sử dụng nguồn nước chất lượng để trồng RCN; quản lý dịch hại tổng hợp (IPM); sử dụng phân bón hữu cơ, không sử dụng các loại thuốc cấm, thuốc có độc tính cao, phân hủy chậm; ghi chép nhật ký canh tác; có kho chứa vật tư, hố chứa rác nông nghiệp…
Lợi nhuận ổn định
Đang tất bật thu hoạch rau cần nước đưa về chợ đầu mối tiêu thụ, ông Nguyễn Phước Vinh, thành viên Tổ hợp tác rau cần đước VietGAP ấp Kênh 3A, chia sẻ: “Được cán bộ tập huấn, giải thích, tôi nhận ra rằng canh tác kiểu cứ thấy sâu bệnh là xịt thuốc sẽ ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe người tiêu dùng. Từ đó, chúng tôi dặn nhau phải trồng rau sạch, an toàn, chỉ sử dụng phân bón hữu cơ, không sử dụng những loại thuốc bảo vệ thực vật thuộc danh mục cấm để phun xịt, phải có thời gian cách ly khi phun thuốc, bón phân; rau sau thu hoạch rửa bằng nước sạch…”.
Nông dân được hướng dẫn cách canh tác hiệu quả, an toàn. Dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 này, nông dân kênh 3A sẽ có tiền tiêu tết nhờ bán rau ăn Tết. (Ảnh: NQ)
Còn bà Trần Thị Hương, ngụ ấp Kênh 3A, cho hay: “Được huyện hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật trồng rau đạt chuẩn VietGAP nên vụ rau này bớt được một phần phân bón, rau ít sâu bệnh hơn, lợi nhuận cũng tăng hơn 30%. Với 2.000m2 trồng rau cần đước VietGAP, giá rau tại ruộng khoảng 8.000 đồng/kg, trừ hết chi phí mỗi vụ rau (45 ngày/vụ) tôi lãi hơn 10 triệu đồng”.
Nông dân phấn khởi với mô hình trồng rau cần nước VietGAP lãi cao. (Ảnh: NQ).
Ông Đinh Văn Cảnh - Tổ trưởng tổ hợp tác rau cần nước VietGAP Kênh 3A, thông tin: Khi mới áp dụng quy trình sản xuất VietGAP, bà con rất lúng túng, nhất là trong khâu ghi chép nhật ký đồng ruộng. Nhưng với sự hỗ trợ của nhóm nghiên cứu, bà con quen dần, thực hiện tốt theo quy trình sản xuất VietGAP. Hiện thương lái mua rau cần nước tại ruộng với giá 8.000 đồng/kg, năng suất bình quân 25 tấn/ha/vụ, sau khi trừ chi phí, người trồng thu lãi hơn 40 triệu đồng/ha/vụ.
Tổ hợp tác rau cần nước VietGAP ấp Kênh 3A, xã Tân Hiệp A nhận giấy chứng nhận VietGAP. (Ảnh: NQ)
“Được cơ quan chuyên môn chứng nhận là sản phẩm đạt chứng nhận VietGAP là bước khởi đầu tích cực cho rau cần nước Kênh 3A. Trong tương lai, mong rằng Sở Khoa học và Công nghệ tiếp tục quan tâm hỗ trợ tổ hợp tác đăng ký nhãn hiệu hàng hóa để sản phẩm được nhận diện thương hiệu trên thị trường, bán được giá hơn” - ông Cảnh bộc bạch.