Rau quả, thủy sản “mắc cạn”
Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu rau quả trong tháng 1/2020 đạt 280,79 triệu USD, giảm 20,6% so với tháng 1/2019. Xuất khẩu rau quả tháng 1/2020 giảm mạnh do trùng với dịp nghỉ Tết Nguyên đán và tác động của dịch cúm do Covid - 19.
Từ trước đến nay, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu hàng rau quả quan trọng của Việt Nam với tỷ trọng chiếm 64,8% tổng trị giá xuất khẩu trong năm 2019. Tháng 1/2020, trong các thị trường xuất khẩu rau quả chủ lực, Trung Quốc là thị trường có tốc độ xuất khẩu giảm mạnh thứ 2, sau Hà Lan, đạt 173,5 triệu USD, giảm 32,4% so với tháng 1/2019.
Thanh long là mặt hàng chịu tác động rõ rệt nhất của dịch Covid - 19. Ảnh: P.V
Tỷ trọng xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc giảm từ mức 72,6% trong tháng 1/2019, xuống còn 61,8% trong tháng 1/2020. Thông thường, hoạt động xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc qua các tỉnh biên giới phía Bắc vào thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán rất sôi động, đặc biệt là mặt hàng trái cây. Tuy nhiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm 2020, xuất khẩu trái cây Việt Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng do Covid-19.
Thủy sản cũng là mặt hàng chịu nhiều tác động của dịch Covid - 19. Xuất khẩu thủy sản tháng 1/2020 đạt 491,6 triệu USD, giảm 32,2% so với tháng 12/2019 và giảm 33,2% so với tháng 1/2019. Đặc biệt, tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc giảm từ 10% trong tháng 1/2019 xuống còn 8,9% trong tháng 1/2020. Từ tháng 2/2020, tác động của dịch đến xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc càng rõ nét hơn.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2019, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc qua cửa khẩu đất liền chiếm khoảng 16% về lượng và 19% về trị giá. Chỉ tính riêng xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc theo đường biên giới đất liền, có khả năng giảm khoảng 20% về trị giá mỗi tháng do tác động hạn chế giao thương qua cửa khẩu đất liền nhằm kiểm soát Covid-19.
Bên cạnh đó, hiện tượng dồn ứ hàng tại các cảng biển của Trung Quốc, tác động của Covid-19 đến kinh tế và tiêu dùng thủy sản của nước này sẽ khiến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc giảm mạnh trong quý I/2020. Điều này đã có tác động rõ rệt đến thị trường, trong 2 tuần đầu tháng 2/2020, giá cá tra nguyên liệu tại An Giang và giá tôm nguyên liệu tại Cà Mau đã giảm.
Điều tiết việc đưa hàng lên biên giới
Ngày 21/2, tỉnh Lạng Sơn đã đàm phán thành công với phía Trung Quốc để cửa khẩu Chi Ma hoạt động trở lại. Ông Nguyễn Công Trưởng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, mới chỉ có hàng nông sản có hợp đồng mua bán với phía Trung Quốc trước đó được làm thủ tục thông quan ngay, còn hàng trao đổi cư dân biên giới vẫn chưa được phép thông quan.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, việc xuất nhập khẩu hàng hóa theo hình thức trao đổi cư dân biên giới qua cửa khẩu Tân Thanh hiện chưa được phía Trung Quốc cho phép thực hiện. |
Xuất khẩu nông sản, trái cây qua cửa khẩu Tân Thanh chỉ được thực hiện trên cơ sở có hợp đồng mua bán, đồng thời doanh nghiệp phải cung cấp đầy đủ các thông tin về tên mặt hàng (chủng loại hàng hóa), thông tin về xe hàng, tên người khai báo; xuất trình các giấy tờ theo quy định về hợp đồng thương mại (giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp), hóa đơn, đảm bảo các quy định về tem nhãn, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, chỉ dẫn vùng trồng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, quy cách đóng gói, chất lượng, chủng loại.
Từ thực tế đó, Bộ Công Thương đề nghị các doanh nghiệp tiếp tục theo dõi sát tình hình tại khu vực cửa khẩu biên giới và theo các văn bản, khuyến cáo của Bộ Công Thương, Sở Công Thương và các cơ quan chức năng tại cửa khẩu để chủ động điều tiết nhịp độ đưa hàng lên biên giới, tránh hiện tượng ách tắc, ùn ứ tại khu vực cửa khẩu.
Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường, dịch Covid - 19 là động lực để ngành nông nghiệp đẩy mạnh tái cơ cấu, đa dạng hóa thị trường. Riêng đối với ngành hàng rau quả cần chủ động điều chỉnh trong hoạt động sản xuất, trước mắt làm tốt công tác bảo quản, giảm sản lượng trái vụ, quy hoạch lại vùng trồng, điển hình như trái thanh long.
Bên cạnh đó, cần tăng sản lượng trái cây phù hợp với các tiêu chuẩn theo yêu cầu của các thị trường xuất khẩu khác như: Mỹ, các thị trường trong khối EU, Nhật Bản, Úc...