Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, rau quả chế biến hiện chiếm khoảng 21% trong tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả . Thị trường chính là Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc. Gần đây, Trung Quốc cũng trở thành thị trường quan trọng nhập khẩu mặt hàng này.
Các sản phẩm chế biến chủ yếu của rau quả Việt Nam là xoài, chanh leo, hạnh nhân, hạt dẻ cười, trái cây đóng hộp, nước ép đóng chai… tăng trưởng 22-60% so với cùng kỳ năm ngoái. Vùng nguyên liệu ngày càng tốt lên cả về sản lượng lẫn chất lượng cùng hàng loạt hiệp định thương mại tự do là lý do khiến ngành này duy trì đà tăng trưởng.
Lý giải về sự bùng nổ của rau quả chế biến, ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam - cho biết, đến nay Việt Nam đã ký được 16 Hiệp định thương mại tự do. Nhờ những hiệp định này mà hàng hóa được hưởng nhiều thuế quan, có những thị trường 0%. Đây là lợi thế cạnh tranh cho rau quả chế biến.
Đặc biệt, qua đại dịch COVID-19 càng thấy rõ việc xuất khẩu nông sản tươi về lâu dài sẽ còn gặp nhiều khó khăn, trong khi nông sản đã qua chế biến có thể đi xa hơn, không phụ thuộc quá nhiều vào khâu vận chuyển mà nhu cầu tiêu thụ lại có xu hướng tăng lên.
Mặc dù vậy, theo ông Nguyên đa số hàng nông sản chế biến, đặc biệt dưới dạng đông lạnh, của Việt Nam bán tại các thị trường quốc tế là dưới hình thức nguyên liệu để chế biến thành các sản phẩm thực phẩm, thức uống. Điều này khiến thương hiệu rau quả Việt Nam chưa được biết đến nhiều.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, sản lượng trái cây tươi được chế biến vẫn chiếm tỷ trọng thấp, khoảng 4,5 triệu tấn (tương đương 14%) sản lượng thu hoạch hàng năm là 31 triệu tấn.
Hiện Việt Nam có 150 nhà máy chế biến rau quả công nghệ hiện đại công suất chế biến đạt gần 1,1 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, số nhà máy này chỉ chế biến được khoảng 8-10% sản lượng trái cây, rau củ mỗi năm. Do đó, tiềm năng để thúc đẩy rau quả chế biến của Việt Nam còn rất lớn.
Dự báo năm nay xuất khẩu rau quả chế biến tiếp tục tăng trưởng khoảng 20 - 25%.