Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu rau quả của Việt Nam tháng 5/2018 ước đạt 303,1 triệu USD, tăng 10% so với tháng 5/2017. Trong nhóm hàng nông nghiệp, kim ngạch rau quả chỉ đứng sau thuỷ sản và vượt qua mặt hàng cà phê (luôn chiếm vị trí thứ 2). Đây là mức tăng trưởng kỷ lục trong nhiều năm qua của ngành rau quả xuất khẩu.
Trong khi các mặt hàng nông sản xuất khẩu khác, doanh nghiệp phải nhập khẩu bổ sung cho nguồn nguyên liệu trong nước đang thiếu hụt để chế biến xuất khẩu, như: thuỷ sản, điều... thì mặt hàng rau quả chỉ do người nông dân trong nước sản xuất ra.
Điểm danh các thị trường chính
Rau quả Việt Nam hiện đã có mặt ở 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 4 thị trường xuất khẩu chính và ổn định, gồm: Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc. Trong 4 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu rau quả sang hầu hết các thị trường đều tăng.
Trong đó, thị trường Trung Quốc chiếm tỷ trọng cao nhất, tới 75% trong tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả nước, đạt gần 989 triệu USD, tăng 30,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đứng thứ 2 là thị trường Mỹ chiếm 3% tổng kim ngạch xuất khẩu, với 39 triệu USD, tăng 12,3%; kế đến là thị trường Nhật Bản chiếm 2,8%, với 36,55 triệu USD, tăng 15,9%; Hàn Quốc với kim ngạch 34,78 triệu USD, tăng 13,28%.
Riêng các nước Đông Nam Á chiếm 4,3%, đạt 56,39 triệu USD, tăng 19,4% so với cùng kỳ; trong đó, đáng chú ý là thị trường Campuchia tuy chỉ đạt 0,82 triệu USD, nhưng so với cùng kỳ năm ngoái tăng đến 279%. Xuất khẩu rau quả còn tăng mạnh ở một số thị trường, như: Pháp tăng 41,3%; Australia tăng 34,9%...
Nhìn chung, trong các tháng đầu năm 2018, xuất khẩu rau quả sang hầu hết các thị trường đều tăng kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, rau quả Việt Nam cũng đã xuất khẩu được sang Thái Lan, Indonesia, vốn được coi là những quốc gia có thế mạnh về nông nghiệp.
Xuất khẩu rau quả luôn tăng trưởng ấn tượng thì nhập khẩu rau quả cũng mạnh. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, ước giá trị nhập khẩu mặt hàng rau quả tháng 5/2018 đạt 119 triệu USD, cộng dồn 5 tháng đạt 575 triệu USD, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm 2017.
Thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất trong 4 tháng đầu năm nay là Thái Lan đạt 203,04 triệu USD, tăng 28,3% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 44,5% trong tổng kim ngạch nhập khẩu trái cây và rau quả của cả nước.
Thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 là Trung Quốc chiếm 19%, đạt 86,55 triệu USD, tăng 45,3%. Ngoài ra, rau quả còn được nhập từ Hoa Kỳ đạt 45,45 triệu USD, chiếm 10%, tăng 115,8% và Australia đạt 20,13 triệu USD, chiếm 4,4% tăng 125%...
Giá trị nhập khẩu rau quả ở hầu hết các thị trường chính đều tăng so với cùng kỳ năm 2017; trong đó, các thị trường có giá trị nhập khẩu rau quả tăng nhiều nhất là: Úc tăng 125,2%; Hoa Kỳ tăng 115,8% và Hàn Quốc tăng 101,7%.
Còn nhiều dư địa ở thị trường Hàn Quốc
Hiện Hàn Quốc là thị trường xuất khẩu rau quả lớn thứ 4 của Việt Nam. Theo thống kê từ Hiệp hội Thương mại quốc tế Hàn Quốc, trong 3 tháng đầu năm 2018, nhập khẩu rau quả và hạt của Hàn Quốc đạt 543,2 triệu USD và 264,5 ngàn tấn, tăng 8,7% về trị giá, nhưng giảm 3,6% về lượng.
Hàn Quốc tăng mạnh nhập khẩu các mặt hàng này từ một số thị trường, như: Pê-ru; Trung Quốc và Việt Nam, nhưng nhập khẩu từ Việt Nam chỉ chiếm 1,7% tổng kim ngạch nhập khẩu của Hàn Quốc. Vì vậy, còn nhiều tiềm năng để các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng rau quả sang thị trường này trong thời gian tới.
Đáng chú ý, Hàn Quốc nhập khẩu hơn 70% sản phẩm lương thực và nông nghiệp. Trong đó, nhu cầu nhập khẩu rau quả và hạt cao cấp đang tăng mạnh. Do nhu cầu về các sản phẩm cao cấp chất lượng của người tiêu dùng Hàn Quốc ngày càng tăng cao.
Thêm vào đó, sản xuất rau quả của Hàn Quốc bị hạn chế và suy giảm, dẫn đến sự phụ thuộc lớn vào nhập khẩu. Sản xuất rau của Hàn Quốc chỉ tập trung vào một số chủng loại chính, như: cải bắp, củ cải, rau diếp, còn lại nhập khẩu đa dạng các chủng loại rau khác để phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ trong nước.
Còn theo Công ty Khảo sát thị trường quốc tế BMI, xu hướng tiêu dùng của người Hàn Quốc ngày càng ưu tiên các loại rau và trái cây tươi hơn các loại thực phẩm khác. Sở thích ăn kiêng của người Hàn Quốc cho thấy sự thay đổi chi tiêu trong các phân khúc thực phẩm.
Sự thay đổi mạnh nhất là tỷ lệ chi tiêu cho rau và trái cây trong tổng chi tiêu thực phẩm. Chi tiêu cho trái cây tươi chiếm 12,2% trong tổng tiêu dùng thực phẩm của người Hàn Quốc trong năm 2012, dự kiến tăng lên 19,1% trong năm 2022. Chi tiêu cho rau quả tươi chiếm 12,4% trong năm 2012, dự kiến tăng lên 18,4% trong năm 2022...